Dầu nhờn nhập khẩu không phù hợp quy chuẩn: Quy trách nhiệm trong bồi thường thiệt hại
Áp chuẩn cho dầu nhờn: Tăng cường hậu kiểm, mạnh tay với hàng kém chất lượng (Bài 2)
Lật tẩy những chiêu trò nhập khẩu, kinh doanh dầu nhờn kém chất lượng (Bài 1)
Hậu kiểm, phát hiện doanh nghiệp nhập khẩu dầu nhờn không phù hợp quy chuẩn
Qua quá trình kiểm tra nhà nước đối với hàng nhập khẩu, Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa (QLCL) -Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã phát hiện nhiều doanh nghiệp nhập khẩu dầu nhờn kém chất lượng. PV Chất lượng Việt Nam đã có trao đổi với TS. Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục QLCL xung quanh vấn đề này.
TS. Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng).
Thưa ông, thị trường dầu nhờn đã có thay đổi như thế nào kể từ khi QCVN 14:2018/BKHCN có hiệu lực?
Trước khi có QCVN 14:2018/BKHCN, việc sản xuất kinh doanh, nhập khẩu dầu nhờn động cơ đốt trong thực hiện đối với sản phẩm hàng hóa nhóm 1. Theo đó, các doanh nghiệp tự công bố tiêu chuẩn chất lượng và thực hiện theo công bố tiêu chuẩn chất lượng của mình.
Kể từ ngày 15/9/2019, sản phẩm dầu nhờn động cơ đốt trong sản xuất, pha chế, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường phải áp dụng các quy định của QCVN 14:2018/BKHCN và sửa đổi 1:2018 QCVN 14:2018/BKHCN.
Cụ thể, dầu nhờn động cơ đốt trong sản xuất, pha chế trong nước phải thực hiện công bố hợp quy phù hợp với các quy định tại mục 2 của Quy chuẩn kỹ thuật này và phải được gắn dấu hợp quy CR trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường; Dầu nhờn động cơ nhập khẩu phải thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu theo phương thức hậu kiểm quy định tại Nghị định số 74/2018/NĐ - CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ.
Vấn đề kiểm tra chất lượng dầu nhờn được Cục QLCLSPHH đã triển khai như thế nào trong thời gian qua, xin ông cho biết kết quả?
Việc kiểm tra nhà nước về chất lượng dầu nhờn động cơ được thực hiện trong nhập khẩu, trên thị trường và trong sản xuất theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Trong thời gian qua, do dịch bệnh Covid- 19 diễn biến phức tạp, việc kiểm tra chất lượng dầu nhờn động cơ nhập khẩu chủ yếu đã được thực hiện theo phương thức điện tử trên cơ chế Một cửa quốc gia và cơ chế hậu kiểm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, qua kiểm tra chất lượng dầu nhờn động cơ nhập khẩu cho thấy tình trạng doanh nghiệp nhập khẩu dầu nhờn đông cơ đốt trong không phù hợp QCVN có chiều hướng liên tục gia tăng trong thời gian qua. Các doanh nghiệp có lô hàng dầu nhờn động cơ đốt trong nhập khẩu phát hiện không đạt chất lượng theo QCVN đã bị xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt tính theo giá trị lô hàng theo quy định tại Nghị định số 119/2017/NĐ CP với tổng số tiền xử phạt đối với các doanh nghiệp vi phạm tới nay là trên 2,6 tỷ đồng... Hành vi nhập khẩu và tiêu thụ dầu nhờn không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật đã gây tổn thất cho chính các doanh nghiệp vi phạm và người tiêu dùng, đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp càng gây khó khăn, phức tạp thêm cho các bên liên quan.
Xin ông cho biết các hành vi vi phạm phổ biến mà doanh nghiệp mắc phải là gì và dầu nhờn không đạt chất lượng, cơ quan kiểm tra có hướng xử lý như thế nào?
Hành vi vi phạm phổ biến doanh nghiệp mắc phải là: Nhập khẩu dầu nhờn động cơ đốt trong có chất lượng không phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 14:2018/BKHCN; Kinh doanh dầu nhờn động cơ có nhãn hàng hóa không đúng quy định như: nhãn ghi thiếu nội dung bắt buộc hoặc không có nhãn phụ bằng tiếng Việt,...
Đối với doanh nghiệp có hành vi vi phạm nêu trên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Đối với vi phạm về chất lượng, mức phạt theo giá trị lô hàng 2-3 lần giá trị lô hàng nhập khẩu đã tiêu thụ và từ 3-5 lần giá trị lô hàng vi phạm trong lưu thông. Ngoài ra doanh nghiệp còn phải áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả: Tái xuất, tái chế, tiêu hủy theo quy định của pháp luật.
Các nhà nhập khẩu dầu nhờn cần phối hợp chặt chẽ với nhà sản xuất trong việc quy trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu hàng hóa không đảm bảo chất lượng.
Là cơ quan quản lý chất lượng dầu nhờn, Tổng cục đã có những khuyến cáo gì đối với doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, người tiêu dùng về tình trạng dầu nhờn kém chất lượng như kết quả kiểm tra thời gian vừa qua?
Ngày 8/9/2020 Tổng cục TCĐLCL đã có cảnh báo về dầu nhờn động cơ đốt trong nhập khẩu không phù hợp Quy chuẩn quốc gia. Theo đó, khuyến cáo đối với các doanh nghiệp nhập khẩu dầu nhờn động cơ đốt trong thông báo cho nhà sản xuất sản phẩm dầu nhờn động cơ đốt trong tại nước ngoài biết quy định quản lý của Việt Nam hiện nay thực hiện theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 14:2018/BKHCN và Sửa đổi 1:2018 QCVN 14:2018/BKHCN.
Yêu cầu nhà sản xuất sản phẩm dầu nhờn động cơ đốt trong tại nước ngoài cần có biện pháp kiểm soát chất lượng sản phẩm này theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Việt Nam (QCVN 14:2018/BKHCN và Sửa đổi 1:2018 QCVN 14:2018/BKHCN) nếu muốn xuất khẩu sản phẩm dầu nhờn động cơ đốt trong vào thị trường Việt Nam.
Có biện pháp kiểm soát chất lượng dầu nhờn động cơ đốt trong của nhà sản xuất nước ngoài theo QCVN 14:2018/BKHCN và Sửa đổi 1:2018 QCVN 14:2018/BKHCN trước khi nhập khẩu vào Việt Nam.
Quy định rõ trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc bồi thường thiệt hại cho người nhập khẩu (người bán hàng) hoặc người tiêu dùng khi hàng hóa gây thiệt hại do lỗi của nhà sản xuất không bảo đảm chất lượng hàng hóa theo quy định tại Mục 2 Chương V, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Đối với người tiêu dùng khi mua và sử dụng dầu nhờn động cơ đốt trong lưu ý: Mua, sử dụng những sản phẩm hàng hóa đã được chứng nhận hợp quy, gắn dấu hợp quy CR và có nhãn ghi rõ ràng, đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định của pháp luật như tên hàng hóa, tên địa chỉ tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, đặc tính kỹ thuật,thể tích/ khối lượng, hướng dẫn sử dụng,bảo quản,thông tin cảnh báo.
Xin cảm ơn ông!
Thanh Uyên (thực hiện)