Đầu xuân trẩy hội Mường Thàng

author 07:36 05/02/2022

(VietQ.vn) - Lễ hội Mường Thàng được diễn ra vào ngày Mùng 6 tháng Giêng khi đất trời giao hòa, cây cối đâm chồi, trổ lộc biếc. Với những người Mường ở Dũng Phong (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình), lễ hội Mường Thàng là lễ khai Mùa mong khởi đầu một năm mới, một vụ mùa mới tốt tươi và phồn thịnh.

Vậy nên, hàng năm cứ đến ngày Mùng 5 tháng Giêng, tiếng trống, tiếng chiêng lại rộn ràng khắp các bản làng để báo hiệu lễ khai Mùa Mường Thàng sắp sửa bắt đầu. Khi ấy, trên những mái nhà, khói bếp tỏa ra bao hương vị độc đáo của các món ăn truyền thống theo phong tục người Mường nơi đây. Bởi, một phần lễ hội Mường Thàng là lễ cúng cội nguồn. Người Mường nơi đây tin rằng, những món ăn truyền thống dâng lên cội nguồn sẽ nhận được sự phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Một điểm độc đáo trong ẩm thực của lễ hội Mường Thàng chính là bánh tình nhân.

 Bánh tình nhân.

Bánh tình nhân được những người già trong bản gói bằng lá chuối. Bên trong bánh, nhân được bọc một lớp nếp nương dẻo mềm. Những người già trong bản sẽ giã nếp từ chiều hôm trước sao cho nếp nhỏ, tơi và cũng không cần quá mịn. Nhân bánh thường làm bằng thịt lợn nạc hoặc thịt gà nhà, gà rừng, thịt chim ngói, vẫy, cu gáy xào đậm đà với mộc nhĩ, nấm hương, hành khô. Gạo giã được nhào với nước thành bột và bọc lại phần nhân. Những người già trong bản dùng phiến lá chuối bánh tẻ đã tước bỏ xống lá và hơ trên bếp lửa để lá héo dẻo gói bánh không bị rách.

Lúc gói, các già trải tấm lá xuống chiếc nong con rồi đặt những nắm bột dẻo ở hai đầu lá, tra nhân bánh và nhẹ nhàng cuốn tròn lại. Sau đó, dùng một ngón chân cái giữ một đầu lá, một tay giữ đầu lá bên kia, còn một tay túm chặt khoảng giữa hai cục bột bánh rồi xoay mạnh cho phần giữa lá xoắn chặt, lại tách nhau riêng biệt hai chiếc bánh, rồi gập đôi lại, buộc túm hai đầu lá vào nhau. Gói xong, bánh được xếp vào chõ đồ trong khoảng một giờ đồng hồ là chín. Bánh tình nhân tượng trưng cho tình yêu son sắt, keo sơn của người Mường. Do vậy, tại lễ hội Mường Thàng, ngoài các món ăn truyền thống thì bánh tình nhân cũng là một vật phẩm cúng cội nguồn và là quà tặng dành cho khách phương xa. Những đôi trai gái đang yêu cũng tặng nhau bánh tình nhân để mang ý nghĩa nhắn gửi yêu thương và coi đây như vật hẹn ước.

Ngoài không gian văn hóa ẩm thực đặc sắc với bánh tình nhân thì lễ hội Mường Thàng cũng là không gian mang đậm nét văn hóa dân gian với phần lễ cầu của các già làng, trưởng bản để mong cuộc sống người dân ấm no, đất nước phồn thịnh. Bên cạnh đó, khi đến với lễ hội, người dân sẽ được thỏa sức chơi các trò chơi dân gian như ném còn, chơi đu, đánh đáo… Với trò ném còn, trước lễ hội, cột còn được các thanh niên trai tráng dựng bằng cây tre cao cả chục mét với 1 vòng tròn nhỏ ở trên đỉnh ngay giữa trung tâm. Đến ngày khai hội, hai đội thi đấu ở hai phía đối diện, tung quả còn qua vòng tròn nhỏ trên đỉnh cột. Đội nào tung trúng nhiều lần là đội thắng cuộc. Bên cạnh đó, hát đối cũng là một nét văn hóa độc đáo trong ngày hội Mường Thàng. Hát xong, cả người thắng và kẻ thua đều cùng nhau chung vui bên vò rượu cần, người thắng có quyền chuốc rượu cho kẻ thua. Và khi hơi men dâng tràn trong người, màn hát đối lại được tiếp tục hăng say. Những câu hát tiếng Mường vang vọng núi rừng như là tiếng lòng của mỗi người Mường với khát vọng một năm mới, mùa mới sung túc, ấm no hơn và ngập tràn những niềm vui hân hoan.

Một phần không thể thiếu để mang lại không khí lễ hội truyền thống đó là tiếng cồng chiêng - nét văn hóa độc đáo và đậm đà bản sắc của người Mường. Trước ngày khai hội, khắp các bản xa, làng gần, tiếng chiêng sắc bùa lại vang lên, ngân nga reo vui. Từng đoàn cụ ông, cụ bà và các nam thanh nữ tú, chiêng cầm trên tay, gióng lên tiếng chiêng sắc bùa quyến rũ, đi đến từng nhà để chúc mừng nhau gia đình mạnh khỏe, con cháu đầy đàn, làm ăn phát đạt, thóc lúa đầy bồ, trâu bò gà lợn đầy sân đầy vườn, hoa trái tươi tốt, trĩu cành.

 Ảnh minh họa.

Theo những người già trong bản thì tiếng cồng, chiêng cũng chính là lời mời gọi cội nguồn, tổ tiên về chứng giám cho dân bản. Theo đó, tiếng cồng chiêng càng vang xa và rộn ràng thì năm đó mùa màng sẽ càng tốt tươi. Đầu xuân trẩy hội Lễ hội Mường Thàng được diễn ra vào ngày Mùng 6 tháng Giêng khi đất trời giao hòa, cây cối đâm chồi, trổ lộc biếc. Với những người Mường ở Dũng Phong (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình), lễ hội Mường Thàng là lễ khai Mùa mong khởi đầu một năm mới, một vụ mùa mới tốt tươi và phồn thịnh. Tiếng cồng, tiếng chiêng chính là những thanh âm mời gọi du khách tại lễ khai Mùa Mường Thàng. Bánh tình nhân, nét văn hóa độc đáo tại lễ hội Mường Thàng. Với những người con dân tộc Mường, dù đi đâu xa đến mấy, cứ hễ nghe thấy tiếng chiêng, tiếng cồng là lại rạo rực để về với hội khai Mùa. Chỉ duy nhất ở lễ hội Mường Thàng, những người phụ nữ Mường mang xà tích bạc ra trưng bày. Có những bộ xà tích trị giá vài trăm triệu đồng. Dù được nhiều du khách hỏi mua nhưng những người phụ nữ Mường không bán. Bởi với họ, đây là vật bất li thân, cũng là vật phẩm để sau này truyền lại cho thế hệ tiếp theo. Và những sợi xà tích càng lâu năm càng có giá trị cao. Vì nó thể hiện sự gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác son sắt, một lòng.

Lễ hội Mường Thàng ở Dũng Phong (Cao Phong - Hòa Bình) là một lễ hội độc đáo và góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của người Mường nơi đây, đồng thời giới thiệu quảng bá các sản vật và điểm du lịch tiêu biểu của địa phương đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Hoàng Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang