5 giải pháp phục hồi kinh tế, tạo tiền đề tăng trưởng năm Nhâm Dần

author 06:53 04/02/2022

(VietQ.vn) - Mặc dù chịu tác động nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19 nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nền kinh tế Việt Nam đang từng bước phục hồi và tăng trưởng. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư để nhìn nhận về những khó khăn và kế hoạch phục hồi, tăng trưởng kinh tế trong năm mới Nhâm Dần.

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. 

Thưa ông, trong năm Tân Sửu, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, đưa đất nước vượt qua tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Ông đánh giá gì về tác động của các giải pháp này?

Năm ngoái, trong rất nhiều cuộc họp, tôi đã nhiều lần nhấn mạnh về những chính sách hồi phục kinh tế và an sinh xã hội. Tựu chung lại, các giải pháp được ban hành đều xoay quanh 5 nhóm chính, bao gồm giải pháp về phòng chống dịch bệnh, giải pháp an sinh xã hội, nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, giải pháp đầu tư công và cải cách hành chính.

Tôi cho rằng cả 5 nhóm giải pháp này đều quan trọng, có sự cộng hưởng với nhau. Tuy nhiên, các chính sách liên quan về phòng chống dịch bệnh có vai trò quan trọng nhất. Bởi lẽ, nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi đại dịch, nên việc làm đầu tiên là phải kiểm soát được dịch bệnh.

Trong năm Tân Sửu, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128, với 2 giải pháp chính là thích ứng, an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả. Để thực hiện các mục tiêu trong Nghị quyết 128, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc một số nhiệm vụ, như đảm bảo đủ nguồn vaccine, xét nghiệm trong cộng đồng và điều trị các ca F0.

Tuy nhiên, theo tôi, mục tiêu đạt được chỉ có ý nghĩa trong ngắn hạn. Về dài hạn, Việt Nam rất cần nâng cao chất lượng của hệ thống y tế toàn quốc, đặc biệt là tuyến y tế cấp cơ sở. Nếu làm được điều này, quá trình truy vết F0 sẽ được thực hiện rất nhanh, ngay từ tuyến cơ sở, không phải phụ thuộc vào tuyến y tế cấp trên. Nhờ vậy, hiệu quả giải quyết các trường hợp ca nhiễm nặng sẽ nhanh hơn, giảm thiểu tối đa ca nhiễm tử vong. Dù vậy, việc nâng cao chất lượng y tế cấp cơ sở không phải chuyện dễ. Bởi ngoài các yêu cầu về vật chất, việc đào tạo cần có thời gian.

Trong 5 nhóm giải pháp đã nêu, việc triển khai chắc hẳn cũng gặp không ít khó khăn, thưa ông?

Tôi cho rằng, nhóm giải pháp kích cầu đầu tư công là giải pháp khó. Bởi nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đơn cử, khi bàn về các giải pháp đầu tư công còn dựa vào tiềm lực của nhà thầu trong nước, phải xem xét các nhà thầu có đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ đầu tư công không.

Tuy nhiên, hiện nay, giá cả vật liệu đầu vào đang cao, không phải nhà thầu nào cũng chịu nổi sức ép này, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa, đây là cái khó trong điều hành đầu tư công. Đó là chưa kể, thủ tục đầu tư công cần rất nhiều thời gian, cũng làm nhụt chí của các nhà thầu.

Vậy, các nhóm giải pháp còn lại đã mang lại lợi ích gì trong việc hồi phục kinh tế và ổn định xã hội, thưa ông?

Về vấn đề này, tôi sẽ phân tích chung 4 nhóm giải pháp còn lại. Thứ nhất, liên quan đến vấn đề an sinh xã hội. Trong 2 năm qua, nhất là đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng công tác an sinh xã hội vẫn được đảm bảo.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trong vấn đề an sinh xã hội nằm ở góc độ dài hạn, đơn cử như việc làm thế nào để giữ chân người lao động, hay đưa người lao động đi làm trở lại. Để làm được điều này, chúng ta phải có hệ thống nhà ở cho công nhân và các dịch vụ tiện ích đi kèm như nhà trẻ, trường học, bệnh viện để người lao động “an cư” rồi mới lập nghiệp.

Đây là giải pháp dài hơi, vì phải xây dựng cơ chế từ đầu. Trong đó, một trong những yếu tố cần thiết đó là nguồn tài chính để hỗ trợ hai đầu cho cả chủ đầu tư và người mua nhà. Các giải pháp này đang là thách thức cho Việt Nam trong thời gian tới.

Tiếp đến là nhóm giải pháp liên quan tới các gói hỗ trợ doanh nghiệp. Nhóm giải pháp này tập trung chủ yếu về giải quyết tài khóa, hoãn phí, hoãn thuế đang và sẽ được triển khai trong thời gian tới. Với chính sách tiền tệ, chúng ta cũng có những giải pháp về cho vay ưu đãi, nhằm tạo cho doanh nghiệp có thêm nguồn lực để phục hồi và phát triển.

Cuối cùng là giải pháp về quản lý điều hành, duy trì ổn định và kiểm soát rủi ro. So với 4 nhóm giải pháp trên, nhóm giải pháp này không mất tiền nhưng rất quan trọng.

Trong nội hàm của giải pháp, có công việc tương đối khó, đòi hỏi sự đồng thuận cao của nhiều bộ ngành đó là cải cách hành chính. Giả định, nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân khi đụng vào nhiều thủ tục rườm rà sẽ cảm thấy ngại, có thể từ chối đầu tư hoặc hủy dự án một cách đột ngột. Để khuyến khích đầu tư ngoài nhà nước, cải cách thủ tục hành chính là điều quan trọng nhất.

Đất nước ta đang bước sang năm mới Nhâm Dần với thế và lực mới, ông có dự báo gì về quá trình phục hồi kinh tế trong năm 2022 và các năm tiếp theo?

Đây là một câu hỏi rất khó. Vì công tác dự báo thường không chính xác 100%. Nhưng theo kế hoạch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu chúng ta làm tốt đề án phục hồi, năm 2022 có thể GDP tăng trưởng khoảng 6% và tiếp tục tăng vào các năm tiếp theo.

Nếu xét về mục tiêu phát triển kinh tế 5 năm, đạt tốc độ tăng 6,5% - 7% trong bối cảnh này tương đối khó hoàn thành. Vì 2 năm vừa qua chúng ta tăng trưởng khá thấp và để đạt được mục tiêu nêu trên, trong các năm 2023, 2024 và 2025 phải đạt trên 7%, điều này khó nhưng có thể thực hiện được. Mục tiêu này chính là quãng đường ta phải đi trong thời gian sắp tới để phục hồi phát triển.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Kim Anh (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang