Đẩy mạnh chất lượng lương thực ở các nước đang phát triển

author 06:00 14/08/2014

(VietQ.vn) – Nâng cao chất lượng an ninh lương thực ở các nước đang phát triển là một trong những biện pháp tối ưu nhằm tránh cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu trong tương lai, theo IFPRI.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

An ninh lương thực hay an ninh lương thực quốc gia được hiểu là sự đảm bảo của mỗi quốc gia về nguồn cung cấp lương thực cho người dân để hạn chế và đẩy lùi tình trạng thiếu lương thực, nạn đói và tình trạng phụ thuộc vào nguồn lương thực nhập khẩu. Việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia được nhiều nước đặt lên vai trò quan trọng trong chương trình nghị sự và hành động của quốc gia mình đặc biệt là việc ưu tiên phát triển nông nghiệp.

Trong thời đại ngày nay, vấn đề an ninh lương thực là vấn đề toàn cầu và là mối quan tâm chung của toàn nhân loại với sự ảnh hưởng của hiện tượng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và sự gia tăng dân số.An ninh lương thực hiện đang là vấn đề tối quan trọng đối với mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và quốc gia. Tại các nước đang phát triển, an ninh lương thực có thể được cải thiện thông qua sự gia tăng đầu tư và chính sách cải cách.

Công nghệ sinh học là một trong những chính sách cải cách mang tính đột phá, nhằm loại bỏ đói nghèo, nâng cao chất lượng thực phẩm cho người nghèo. 

An ninh lương thực là bài toán nan giải của các nước đang phát triển

An ninh lương thực là bài toán nan giải của các nước đang phát triển. Ảnh minh họa

Sự gia tăng dân số thế giới ngày càng mạnh mẽ dẫn đến nhu cầu lương thực và an ninh lương thực của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển, trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, xu hướng đô thị hóa đang khiến người nông dân ở các nước đang phát triển có ít vốn để tạo ra nguồn lương thực lớn. Họ chỉ có một lô đất nhỏ đủ để nuôi sống và tạo thêm chút thu nhập cho gia đình.

Tình trạng này khiến cho vấn đề an ninh lương thực bị đe doa nghiêm trọng. Đó là chưa kể đến việc chất lượng đất canh tác giảm, cây trông thiệt hại do sâu bệnh, hạn hán… đã làm hao hụt sản lượng thu hoạch và khiến người nông dân lâm vào cảnh khốn cùng. Để loại bỏ đói nghèo và suy dinh dưỡng, các nước nghèo và đang phát triển cần có những chính sách gia tăng sản xuất lương thực. Công nghệ sinh học trong nông nghiệp cũng là một trong những giải pháp tối ưu.

Theo dự báo của Viện nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế IFPRI, trụ sở tại Washington D.C (Mỹ), các nước kém phát triển sẽ tăng gấp đôi sản lượng ngũ cốc (chủ yếu là ngô và lúa mì) nhập khẩu vào năm 2020. Nguyên nhân do sự gia tăng sản xuất dự kiến 500 triệu tấn ở những nước này không đáp ứng đủ nhu cầu lương thực cho người dân. Các loại ngũ cốc nhập khẩu sẽ đến từ Bắc Mỹ, Úc, Liên minh châu Âu, Nga. Đó là chưa kể đến cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu trong tương lai do thiếu đất nông nghiệp để sản xuất lương thực.

Công nghệ sinh học góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia

Công nghệ sinh học góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Ảnh minh họa

Do vậy, biện pháp cấp thiết nhất đối với các nước đang phát triển là mô hình nông nghiệp bền vững, trong đó chú trọng đến công nghệ sinh học công nghiệp. Xóa bỏ tình trạng người dân các nước nghèo không đủ phương tiện để mua phân bón, thuốc trừ sâu và các thiết bị tưới tiêu. 

Chiến lược an ninh lương thực bền vững tại các nước đang phát triển bao gồm: 

(1) Vừa tiến hành gia tăng các giống cây trồng vừa cải tiến nguồn đất, chống sâu bệnh, hạn hán.

(2) Gia tăng công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường.

(3) Giảm các chi phí phục vụ nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu, thiết bị tưới tiêu, giống cây trồng…

(4) Phát triển các dịch vụ khuyến nông, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật để chính người dân được tham gia nghiên cứu công nghệ sinh học.

(5) Cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn và phát huy tính hiệu quả của thị trường địa phương.

(6) Thực hiện chính sách giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nước sạch cho người dân tại các nước đang và kém phát triển. 

Nâng cao chất lượng an ninh lương thực là ưu tiên hàng đầu của nhiều chính phủ

Nâng cao chất lượng an ninh lương thực là ưu tiên hàng đầu của nhiều chính phủ. Ảnh minh họa

Những chiến lược này cần có sự giúp đỡ của chính phủ thông qua cách chính sách (như thương mại, kinh tế vĩ mô và chính sách không phân biệt đối với nông nghiệp), việc quản lý chặt chẽ và hỗ trợ mạnh mẽ (bằng chính sách thực phẩm giá rẻ cho người nghèo và tăng xuất khẩu lương thực giá cao). Có rất nhiều khía cạnh khác nhau của việc cung cấp lương thực cho người nghèo mà một, hai nhà khoa học trong phòng thí nghiệm hay chuyên gia tư vấn nông nghiệp không thể kiểm soát hết được.

Chính phủ các quốc gia này cần nhận thức rằng, nông nghiệp là một công cụ quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và giảm đói nghèo trong lương lai. Phát triển nông nghiệp và tạo ra các cơ sở hạ tầng nông thôn cho phép tạo ra thặng dư nông sản bán trên thị trường, từ đó tạo cầu và tăng trưởng. Chỉ khi nhận thực vấn đề an ninh lương thực ở nhiều khía cạnh, chính phủ các nước mới có thể giải quyết vấn đề nghèo đói và thiếu lương thực một cách triệt để. Vì mục tiêu một thế giới không có đói nghèo và suy dinh dưỡng.

Thu Trang

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang