Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là động lực quan trọng tăng trưởng kinh tế

author 13:22 09/04/2023

(VietQ.vn) - Chính phủ, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cần khẩn trương nắm bắt cơ hội, gỡ bỏ các rào cản, vướng mắc về cơ chế, giá cả để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, hoàn thành kế hoạch cả năm giải ngân được 95% tổng vốn 711.700 tỷ đồng, tương đương với 30 tỷ USD.

Trong bối cảnh hiện nay, kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt nhiều biến động phức tạp và bất ổn như lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; sự phục hồi chậm và suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn. Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) và Liên hợp quốc (UNDESA) đã đưa ra dự báo bi quan hơn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023. Trong đó, WB nhận định tăng trưởng toàn cầu chỉ đạt 1,7%, thấp hơn 1,3 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6/2022. UNDESA nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ đạt 1,9%, giảm 1,2 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6/2022.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là động lực quan trọng tăng trưởng kinh tế. Ảnh minh họa. 

Những điều này cho thấy tình hình thế giới đang rất khó khăn và sẽ tác động tới tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Thực tế, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, quý I/2023, tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt 3,32%, đây là mức tăng rất thấp và là mức thấp thứ 2 trong giai đoạn 2011-2023.

Lý giải về vấn đề trên, Tổng cục Thống kê cho biết, quý I/2023 khu vực công nghiệp suy giảm do cả ba ngành công nghiệp quan trọng là khai khoáng, công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất và phân phối điện đều tăng trưởng âm với lần lượt là -5,6%, -0,37% và -0,32%. Trong đó, ngành khai khoáng giảm do khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên nhiều năm nay vẫn gặp khó khăn, khai thác dầu thô giảm 6%, khai thác khí đốt giảm 6,1%...

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quyết định chủ yếu đến tốc độ tăng trưởng toàn ngành công nghiệp và toàn bộ nền kinh tế cũng gặp không ít khó khăn do chịu ảnh hưởng suy thoái kinh tế trên toàn cầu, lạm phát các nước đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, các doanh nghiệp trong tình trạng thiếu hụt đơn hàng, đặc biệt là đơn hàng xuất khẩu.

Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của nhiều tỉnh, TP vốn là trung tâm công nghiệp, trung tâm xuất khẩu, đồng thời có tốc độ đô thị hóa cao và thị trường bất động sản sôi động như TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... đều thấp trong quý I/2023, thậm chí có một số địa phương còn suy giảm sâu.

Vì vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm 2023, giới chuyên gia cho rằng động lực đến từ đầu tư công là mạnh mẽ nhất. Chia sẻ với báo chí, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, Chính phủ, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cần khẩn trương nắm bắt cơ hội, gỡ bỏ các rào cản, vướng mắc về cơ chế, giá cả để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, hoàn thành kế hoạch cả năm giải ngân được 95% tổng vốn 711.700 tỷ đồng, tương đương với 30 tỷ USD.

Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ cần xử lý đồng thời các khó khăn của doanh nghiệp để phát huy hiệu quả đột phá trong chính sách tiền tệ và tài khoá. “Các bộ, ngành và địa phương cần cải thiện môi trường, chất lượng dịch vụ; chú trọng phát triển ngày càng nhiều hơn tới những điểm đến được thế giới xếp hạng; tạo sức hấp dẫn để thu hút và giữ chân khách du lịch quốc tế. Đồng thời, cải cách thể chế, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch thông thoáng, ban hành và đột phá thực hiện ở một số lĩnh vực, một số địa phương sẽ là cú hích cho tăng trưởng của toàn nền kinh tế”, ông Lâm nhấn mạnh.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang