Chất lượng - giấy thông hành để hàng Việt chiếm lĩnh thị trường

author 06:59 09/11/2021

(VietQ.vn) - Giữa tình thế khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, thị trường nội địa với quy mô gần 100 triệu dân, được xem là “mảnh đất tiềm năng” để doanh nghiệp khai thác vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng.

Tiêu dùng nội địa được xác định là 1 trong 3 chân kiềng giúp tăng trưởng kinh tế. 

Kích cầu thị trường trong nước

Năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trong khu vực và trên thế giới. Với sự xuất hiện của biến chủng Delta rất nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh, nhiều quốc gia với tiềm lực kinh tế mạnh, có độ bao phủ vaccine rộng khắp cũng lao đao để ứng phó với biến chủng này.

Tại Việt Nam, từ khi xuất hiện biến chủng Delta vào cuối tháng 4/2021, cả nước đã phải căng mình “chống dịch như chống giặc”. Dịch bệnh đã tác động nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội, sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Thông tin từ Tổng cục Thống kê chỉ ra, GDP quý III năm 2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.

Có thể nói, ba chân kiềng của nền kinh tế giúp tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được xác định là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Dịch Covid-19, không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu mà còn gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển hàng hóa thương mại. Trong bối cảnh đó, thị trường tiêu dùng nội địa với quy mô gần 100 triệu dân, được xem là “mảnh đất tiềm năng” giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, sau thời gian dài bị tác động của đại dịch, sức mua thị trường nội địa giảm sút chưa từng thấy, người tiêu dùng đã giảm số lượng hàng hóa ở mỗi lượt mua sắm. Giải pháp kích cầu quan trọng nhất lúc này là các doanh nghiệp cần bảo đảm chất lượng hàng hóa và tăng ưu đãi cho khách hàng, đồng thời doanh nghiệp cũng phải có ý thức sản xuất ra hàng hóa chất lượng cao.

Nâng cao chất lượng và uy tín

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao nhận định, chất lượng và uy tín chính là “giấy thông hành” để hàng hóa Việt Nam có thể chiếm lĩnh thị trường. "Thị trường nội địa là cứu cánh cho các doanh nghiệp, doanh nghiệp phải xây dựng lại chiến lược, kế hoạch kinh doanh, đặc biệt là chuỗi cung ứng. Như vậy, có thời gian chuẩn bị để quay trở lại thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp sẽ củng cố lại sản phẩm của mình", bà Vũ Kim Hạnh cho biết.

Đồng thời, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, công khai minh bạch. Muốn kích cầu thị trường nội địa cần xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất và hệ thống phân phối, đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, tạo ra mối liên kết giữa các doanh nghiệp, địa phương để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.

"Trước mắt phải thiết lập nhiều chuỗi phân phối sản xuất, phân chia lợi nhuận, quản lý chất lượng và thành lập các hệ thống dự trữ chiến lược về hàng hóa thiết yếu. Một vấn đề nữa, tăng cường quản lý chất lượng trong chuỗi giá trị, xây dựng các kho dự trữ chiến lược giảm chi phí logistic vận chuyển.

Chúng ta phải làm công tác kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, tổ chức tốt hệ thống phân phối làm cho siêu thị phát triển văn minh, làm ăn tử tế, tạo sự liên kết trong chuỗi giá trị, hợp lý công bằng mang tính chia sẻ, nhân văn..." - ông Phú nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, việc đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa là hết sức quan trọng, đặc biệt là việc hỗ trợ, đưa doanh nghiệp, hộ nông dân tham gia vào các sàn thương mại điện tử. Trong đó, việc kết hợp phương thức phân phối hiện đại và phân phối truyền thống là giải pháp tất yếu căn cơ cho hoạt động kết nối cung cầu, đảm bảo lưu thông hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo kết quả đo lường về người tiêu dùng tại các thành phố lớn trên thị trường Việt Nam vừa qua cho thấy, có hơn 50% hộ gia đình (trong số 2.000 hộ tham gia khảo sát) bày tỏ sự không ổn về tình hình tài chính gia đình, phải cắt giảm chi tiêu. Do đó, những dự đoán từ các chuyên gia nghiên cứu thị trường cho rằng xu hướng chung trong ít nhất từ 6 tháng đến 12 tháng tới là người tiêu dùng tập trung vào việc mua những mặt hàng thiết yếu.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán xu hướng các dịch vụ tiện ích, giải pháp công nghệ với chi phí hợp lý hơn sẽ “lên ngôi” khi nhắm đến nhu cầu từ những thay đổi về cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng sau đại dịch. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp theo hướng truyền thống buộc phải chuyển đổi, nếu không chuyển đổi thì có thể họ sẽ phải dừng "cuộc chơi".

 Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang