Thái Lan sắp ban hành tiêu chuẩn cho sầu riêng xuất khẩu

author 16:25 17/04/2024

(VietQ.vn) - Để đảm bảo chất lượng xuất khẩu sầu riêng và duy trì khả năng cạnh tranh giữa các nhà xuất khẩu Thái Lan đang chuẩn bị ban hành tiêu chuẩn cho sản phẩm này.

Sầu riêng phải được đóng gói và chứng nhận đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng

Người phát ngôn của Chính phủ Thái Lan Chai Wacharonke cho biết Thủ tướng Srettha Thavisin đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã đề xuất dự thảo quy định cấp bộ về tiêu chuẩn sầu riêng để duy trì chất lượng xuất khẩu sầu riêng, và ngăn chặn việc thu hoạch sầu riêng chưa chín hoặc kém chất lượng để bán.

Theo quy định, sầu riêng phải được đóng gói và chứng nhận đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng bằng cách đáp ứng các yêu cầu tối thiểu về trọng lượng khô của cùi sầu riêng, cụ thể đối với giống sầu riêng Monthong ở mức 32%, Chanee ở mức 30% và Kra Dum ở mức 28%. Quy định này dự kiến sẽ có hiệu lực sau một năm nữa.

Chính phủ Thái Lan nhìn nhận việc ban hành các tiêu chuẩn nói trên sẽ giúp các nhà xuất khẩu sầu riêng của nước này duy trì tiêu chuẩn chất lượng và khả năng cạnh tranh.

Thái Lan là nước xuất khẩu sầu riêng hàng đầu trên thị trường thế giới với mùa thu hoạch sầu riêng kéo dài từ tháng Ba đến tháng Tám, cao điểm vào tháng Năm. Trong năm 2023, sản lượng sầu riêng của Thái Lan đạt 900.000 tấn, trong đó khoảng 300.000 tấn dành cho tiêu thụ trong nước và phần lớn còn lại được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan trong năm 2023 lên tới 120 tỷ baht (khoảng 3,27 tỷ USD) và nước này đặt mục tiêu tăng giá trị xuất khẩu sầu riêng lên tới 1.000 tỷ baht trong tương lai.

Thái Lan cho rằng để sầu riêng đảm bảo chất lượng phải được đóng gói và chứng nhận tiêu chuẩn. Ảnh minh họa

Việt Nam có đang 'thả nổi' tiêu chuẩn sầu riêng

Liên quan tới trái sầu riêng của Việt Nam, Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến nay, sầu riêng của Việt Nam đã khẳng định được chất lượng tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, việc sử dụng mã số trái phép, không đúng quy định và không tuân thủ các yêu cầu của nước nhập khẩu đã gây ảnh hưởng đến người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu; ảnh hưởng đến uy tín của cả ngành hàng sầu riêng.

Việc nhiều cơ sở đóng gói không mua sản phẩm từ vùng trồng đã được cấp mã số, không mua sản phẩm từ vùng trồng liên kết đã được cấp mã số vẫn diễn ra, ảnh hưởng lớn đến việc truy xuất nguồn gốc khi lô hàng gặp vấn đề. Đáng lo ngại, các thông báo vi phạm vẫn không ngừng tăng.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Mười, Trưởng cơ quan phụ trách phía Nam Hội Làm vườn Việt Nam cho rằng, mã số vùng trồng có quy định người nông dân phải ghi chép quá trình sản xuất, thông tin về diện tích, sản lượng sầu riêng/diện tích bao nhiêu...

Hiện nay sầu riêng Việt Nam được cấp 708 mã số vùng trồng và 168 mã số cơ sở đóng gói. Điều này cho thấy, so với diện tích sản xuất hiện có thì số lượng mã số được cấp là hết sức khiêm tốn. Việc quản lý sản xuất đối với những diện tích chưa được cấp mã số vùng trồng là hết sức khó khăn vì không biết nguồn gốc, chất lượng của sản phẩm.

Do đó, theo ông Nguyễn Văn Mười, khi nào chúng ta có những quy định pháp luật đủ mạnh, quản lý chặt chẽ, người sản xuất muốn khẳng định thương hiệu của mình hoặc doanh nghiệp thu mua yêu cầu người sản xuất phải minh bạch quá trình canh tác thì việc truy xuất nguồn gốc mới phát huy hiệu quả.

Ông Nông Ngọc Trung - Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cánh Đồng Vàng (Lạng Sơn) chia sẻ, là doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, ông Trung cho biết sầu riêng Việt Nam đang thua cả về chất và lượng so với sầu riêng Thái Lan. Nguyên nhân do Thái Lan có những chính sách, luật áp dụng vào ngành hàng này.

Thậm chí họ đã làm khắt khe hơn tiêu chuẩn của nước nhập khẩu như tự động đưa tiêu chuẩn về chất khô trong trái sầu riêng lên đến 32% (bình thường chất khô sẽ chiếm 28-29%).

Các doanh nghiệp muốn xuất khẩu sầu riêng phải đạt độ khô 32%, khi đó cơ quan quản lý nhà nước của Thái Lan mới cho phép doanh nghiệp mở tờ khai để xuất khẩu lô hàng đó. Việc này mang lại giá trị cao cho ngành hàng tỉ đô của họ.

Điều này cho thấy Thái Lan rất quan tâm, chú trọng chất lượng sầu riêng trước khi xuất khẩu. Trong khi đó, chúng ta đang thả nổi chất lượng, để các doanh nghiệp làm một cách đối phó, gần như không theo một quy định nào về chất lượng trước khi xuất khẩu.

Ông Trung dẫn chứng sầu riêng Việt Nam hàm lượng chất khô chỉ đạt 28-29%, hơn nữa chúng ta đang làm theo một cách thức rất thủ công trong quá trình đóng gói sầu riêng.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang