Đề xuất danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép và cấm lưu hành tại Việt Nam

author 06:21 06/08/2023

(VietQ.vn) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và 31 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam.

Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam gồm: Thuốc sử dụng trong nông nghiệp, thuốc trừ mối, thuốc bảo quản lâm sản, thuốc khử trùng kho, thuốc sử dụng cho sân golf, thuốc xử lý hạt giống và thuốc bảo quản nông sản sau thu hoạch.

Trong đó, thuốc sử dụng trong nông nghiệp bao gồm: 712 hoạt chất với 1725 tên thương phẩm thuốc trừ sâu; 683 hoạt chất với 1561 tên thương phẩm thuốc trừ bệnh; 261 hoạt chất với 792 tên thương phẩm thuốc trừ cỏ; 8 hoạt chất với 43 tên thương phẩm thuốc trừ chuột, 60 hoạt chất với 178 tên thương phẩm thuốc điều hoà sinh trưởng; 8 hoạt chất với 8 tên thương phẩm chất dẫn dụ côn trùng; 31 hoạt chất với 152 tên thương phẩm thuốc trừ ốc; 5 hoạt chất với 6 tên thương phẩm chất hỗ trợ (chất trải).

 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và 31 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam. Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, Danh mục cũng bao gồm 16 hoạt chất với 23 tên thương phẩm thuốc trừ mối; 7 hoạt chất với 8 tên thương phẩm thuốc bảo quản lâm sản; 3 hoạt chất với 9 tên thương phẩm thuốc khử trùng kho. Thuốc sử dụng cho sân golf được đề xuất bao gồm: 2 hoạt chất với 2 tên thương phẩm thuốc trừ bệnh; 1 hoạt chất với 1 tên thương phẩm thuốc trừ cỏ và 1 hoạt chất với 1 tên thương phẩm thuốc điều hoà sinh trưởng. Ngoài ra, Danh mục cũng nêu rõ thuốc xử lý hạt giống gồm: 10 hoạt chất với 16 tên thương phẩm thuốc trừ sâu và 13 hoạt chất với 13 tên thương phẩm thuốc trừ bệnh. Thuốc bảo quản nông sản sau thu hoạch có 01 hoạt chất với 01 tên thương phẩm. 

Thêm vào đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề xuất Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam gồm 31 hoạt chất: 23 hoạt chất thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản lâm sản; 6 hoạt chất thuốc trừ bệnh; 1 hoạt chất thuốc trừ chuột và 1 hoạt chất thuốc trừ cỏ.

Việt Nam là một trong những nước có nền nông nghiệp phát triển lâu đời với nhiều mặt hàng nông sản xuát khẩu chủ lực mang tầm vóc quốc tế như gạo, điều, cà phê, gia vị, rau củ quả... Để đạt năng suất cao trong nông nghiệp việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là cần thiết. Tuy nhiên để đảm bảo chất lượng cũng như an toàn sản phẩm đến tay người tiêu dùng trong và ngoài nước. Bộ NN&PTNT đã ban hành Quy chuẩn QCVN 01-188:2018/BNNPTNT.

Quy chuẩn quy định mức giới hạn chỉ tiêu chất lượng đối với thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan đến hoạt động nhập khẩu, sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật; đánh giá sự phù hợp và công bố hợp quy thuốc bảo vệ thực vật ở Việt Nam.

Trong Quy chuẩn này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu hàm lượng hoạt chất tối thiểu của thuốc kỹ thuật phải được đăng ký không nhỏ hơn quy định hiện hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Thông tư ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam và khi xác định, hàm lượng trung bình không được nhỏ hơn mức hàm lượng tối thiểu đã đăng ký.

Quy chuẩn QCVN 01-188:2018/BNNPTNT yêu cầu đối với chỉ tiêu vi sinh vật có trong các dạng thuốc bảo thực vật thành phẩm, mật độ vi sinh vật sống phải được đăng ký và khi xác định, mật độ trung bình không nhỏ hơn 10 lần mật độ đã đăng ký.

Đối với các thuốc bảo vệ thực vật sinh học có nguồn gốc từ thực vật, hàm lượng hoạt chất phải được đăng ký và khi xác định, hàm lượng hoạt chất trung bình tuân theo mức sai lệch cho phép quy định cụ thể trong quy chuẩn này ở giá trị nhỏ và không giới hạn ở giá trị lớn.

Lượng cặn còn lại trên rây có đường kính lỗ 75 μm sau khi thử rây khô: Không lớn hơn 5%. Thể tích bọt tạo thành sau 1 min: Không lớn hơn 60 ml. Sản phẩm sau khi pha với nước cứng chuẩn D ở 30°C ± 2°C trong 5 min, hàm lượng hoạt chất trong dung dịch huyền phù: Không nhỏ hơn 60%.

Sản phẩm sau khi pha loãng với nước cứng chuẩn C ở 30°C ± 2°C trong 24 giờ dung dịch đồng nhất trong suốt hoặc trắng sữa không lắng cặn. Nếu có cặn thì lượng cặn còn lại trên rây có đường kính lỗ 75 μm: không lớn hơn 2%...

Quy chuẩn QCVN 01-188:2018/BNNPTNT quy định thuốc BVTV nhập khẩu phải được công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận hợp quy được chỉ định.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng ban hành các quy chuẩn kỹ thuật liên quan về thuốc bảo vệ thực vật:

QCVN 01-188:2018/BNNPTNT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng thuốc bảo vệ thực vật).

QCVN 01-135 : 2013/BNNPTNT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy trình giám định sâu cánh cứng hại khoai tây Leptinotarsa decemlineata (Say).

QCVN 01-136 : 2013/BNNPTNT: Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về Quy trình giám định mọt đục hạt lớn Prostephanus truncatus (Horn.) là dịch hại kiểm dịch thực vật của Việt Nam.

QCVN 01-137 : 2013/BNNPTNT: Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về Quy trình đánh giá nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường đối với kẻ thù tự nhiên sử dụng trong phòng trừ sinh học nhập khẩu vào Việt Nam.

QCVN 01-138 : 2013/BNNPTNT: Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về Quy trình phòng trừ bệnh thán thư (Colletotrichum sp.) hại ớt trên đồng ruộng.

QCVN 01-139 : 2013/BNNPTNT: Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về Phương pháp phối trộn và xử lý chất nền trồng cây trong khu cách ly kiểm dịch thực vật.

QCVN 01-140 : 2013/BNNPTNT: Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về Quy trình điều tra, thu thập, xử lý và bảo quản mẫu bệnh virus hại lúa.

QCVN 01-141 : 2013/BNNPTNT: Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về Phương pháp lấy mẫu kiểm dịch thực vật.

QCVN 01-142 : 2013/BNNPTNT: Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về Khảo nghiệm trên đồng ruộng hiệu lực của các thuốc kích thích sinh trưởng đối với cây vải.

QCVN 01-143 : 2013/BNNPTNT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Khảo nghiệm trên đồng ruộng hiệu lực của các thuốc kích thích sinh trưởng đối với cây lúa.

QCVN 01-144 : 2013/BNNPTNT: Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về Khảo nghiệm trên đồng ruộng hiệu lực của các thuốc phòng trừ bệnh Sương mai [Phytophthora infestans (Mont.) de Bary] hại cà chua.

QCVN 01-146 : 2013/BNNPTNT: Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về Khảo nghiệm trên đồng ruộng hiệu lực phòng trừ bệnh Thán thư (Colletotrichum gloesporioides Penz.) hại vải.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang