Đề xuất giải pháp tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa phục vụ phòng chống dịch

author 13:55 17/09/2021

(VietQ.vn) - Tổng cục Hải quan đã chủ động trình Bộ Tài chính dự thảo Thông tư quy định về thông quan hàng hóa phục vụ yêu cầu khẩn cấp; đơn giản thủ tục xuất nhập khẩu trong giai đoạn dịch Covid-19.

Theo Tổng cục Hải quan, ngày 9/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh Covid-19. Trong đó, Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan có biện pháp tạo thuận lợi đơn giản thủ tục cho xuất nhập khẩu, thông quan nhanh hàng hóa phục vụ phòng chống dịch Covid-19.

Ngay sau khi Nghị quyết 105/NQ-CP được ban hành, bám sát chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã nghiên cứu xây dựng thông tư trình Bộ Tài chính về việc áp dụng Điều 50 Luật Hải quan 2014 về thủ tục hải quan đối với hàng hóa phục vụ yêu cầu khẩn cấp để thông quan nhanh đối với hàng hóa viện trợ, biếu, tặng từ nước ngoài hoặc hàng hóa do các tổ chức, cá nhân trong nước nhập khẩu để ủng hộ, hỗ trợ, tài trợ, biếu tặng cho Chính phủ, Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố phục vụ công tác phòng chống dịch, điều trị, khám chữa bệnh.

Thông tư được xây dựng theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết 105/NQ-CP là tạo thuận lợi cho người khai hải quan trong việc giải quyết thủ tục thông quan hàng hóa đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch có hiệu quả, vừa đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu được thông suốt.

Cụ thể, đối với hàng hóa viện trợ, biếu tặng, nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp phòng chống dịch bệnh áp dụng thủ tục hải quan theo Điều 50 Luật Hải quan. Trong đó, cho phép người khai hải quan được đưa hàng về bảo quản trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan và nợ giấy phép, kiểm tra chất lượng tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan. Cho phép người khai hải quan được giải phóng hàng và chậm nộp văn bản xác nhận viện trợ hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.

Tại Nghị quyết 105/NQ-CP có yêu cầu, cho phép DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh được nộp bản sao scan có xác nhận bằng chữ ký số đối với các chứng từ phải nộp bản giấy là bản chính dưới dạng giấy/bản sao y công chứng/chứng thực theo quy định của các bộ, cơ quan để giải quyết ách tắc khi thông quan hàng hóa; các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh thực hiện nộp bổ sung sau khi hàng hóa được thông quan để hậu kiểm. 

Cơ quan hải quan đề xuất biện pháp tạo thuận lợi đơn giản thủ tục cho xuất nhập khẩu, thông quan nhanh hàng hóa phục vụ phòng chống dịch Covid-19. Ảnh minh họa

Cụ thể hóa chỉ đạo nêu trên, cơ quan hải quan đã vận dụng tối đa quy định đơn giản thủ tục xuất nhập khẩu cho DN để đưa vào thông tư. Cơ quan hải quan cho phép người khai hải quan được nộp bản scan có xác nhận bằng chữ ký số qua hệ thống khi làm thủ tục hải quan và nộp bổ sung bản chính trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan theo quy định tại khoản 3 Điều 27 Nghị định 08/2015/NĐ-CP đối với các chứng từ cơ bản.

Đó là, chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan phải nộp khi làm thủ tục hải quan theo quy định để được thực hiện thủ tục thông quan. Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu để được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt hoặc không áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, các biện pháp tự vệ, biện pháp hạn ngạch thuế quan, biện pháp hạn chế số lượng.

Để đảm bảo Thông tư xây dựng theo đúng trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Tổng cục Hải quan đề xuất Bộ Tài chính có văn bản gửi Bộ Tư pháp, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho ý kiến về việc xây dựng Thông tư theo trình tự thủ tục rút gọn, có hiệu lực từ ngày ký. Đồng thời, trình Bộ Tài chính có văn bản gửi lấy ý kiến các Bộ Công thương (liên quan đến C/O), Bộ Y tế (liên quan đến giấy phép nhập khẩu).

Liên quan tới vấn đề trên, ngày 11/9, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP về chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tài trợ phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Theo Nghị quyết, hàng hóa của tổ chức, cá nhân Việt Nam nhập khẩu để tài trợ cho Chính phủ, Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố nhằm phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 được áp dụng chính sách thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng như hàng hóa nhập khẩu trong trường hợp viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại. 

Theo Điều 2, khoản 4, điểm b Luật Thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu thì hàng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại không phải chịu thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu. Đồng thời, đối với thuế giá trị gia tăng, hàng hóa nhập khẩu tài trợ cho phòng, chống COVID-19 được áp dụng tại Điều 5, khoản 19 bộ luật trên.

Theo đó, hàng hóa nhập khẩu trong trường hợp viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại; quà tặng cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; quà biếu, quà tặng cho cá nhân tại Việt Nam theo mức quy định của Chính phủ; đồ dùng của tổ chức, cá nhân nước ngoài theo tiêu chuẩn miễn trừ ngoại giao; hàng mang theo người trong tiêu chuẩn hành lý miễn thuế giá trị gia tăng.

Bảo An (Tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang