Đến năm 2030: Thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra không vượt quá 1,2% GDP

author 06:20 19/03/2021

(VietQ.vn) - Mục tiêu Chiến lược Quốc gia phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đặt ra là đến năm 2030, Việt Nam có thể giảm 50% thiệt hại về người do lũ quét, sạt lở đất so với giai đoạn 2011 - 2020. Cùng với đó, thiệt hại về kinh tế do thiên tai sẽ thấp hơn giai đoạn 2011 - 2020 và không vượt quá 1,2% GDP.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 379/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Mục tiêu Chiến lược đặt ra là đến năm 2030, Việt Nam có thể giảm 50% thiệt hại về người do lũ quét, sạt lở đất so với giai đoạn 2011 - 2020. Cùng với đó, thiệt hại về kinh tế do thiên tai sẽ thấp hơn giai đoạn 2011 - 2020 và không vượt quá 1,2% GDP.

Sạt lở do mưa lũ ở Hà Giang tháng 7/2020. Ảnh: Tổng cục Phòng chống thiên tai

Tổ chức lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai được kiện toàn theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. Phương tiện, trang thiết bị phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tiên tiến, hiện đại, ngang tầm với các quốc gia hàng đầu trong khu vực.

Phấn đấu 100% cơ quan chính quyền các cấp, tổ chức và hộ gia đình được tiếp nhận đầy đủ thông tin và hiểu biết kỹ năng phòng tránh thiên tai. Lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, trang bị đầy đủ kiến thức và trang thiết bị cần thiết. Ngoài ra, 100% tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đảm bảo các yêu cầu theo phương châm 4 tại chỗ. Năng lực theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo, phân tích thiên tai ngang tầm với các quốc gia hàng đầu trong khu vực.

Để đạt mục tiêu đã đề ra, nhiệm vụ, giải pháp chung thực hiện Chiến lược vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về phòng, chống thiên tai bảo đảm đồng bộ, thống nhất, minh bạch, khả thi. Nâng cao nhận thức về thiên tai, rủi ro thiên tai, tăng cường quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; nâng cao kỹ năng phòng chống thiên tai, nhất là kỹ năng ứng phó khi xảy ra thiên tai lớn phức tạp để chủ động các biện pháp phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

Nâng cao năng lực phòng chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn. Xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch phòng chống thiên tai và phương án ứng phó thiên tai, lồng ghép các nội dung phòng chống thiên tai và các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế xã hội. Nâng cao khả năng chống chọi, thích ứng với thiên tai

Chiến lược cũng đề ra nhiệm vụ và giải pháp đối với từng vùng. Cụ thể, đối với vùng Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, sẽ thực hiện các giải pháp phòng, chống lũ triệt để, chủ động phòng, chống bão, ngập lụt, hạn hán; bảo đảm an toàn hệ thống đê điều theo mức thiết kế; nâng cấp hệ thống thủy lợi...

Vùng miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ sẽ chủ động phòng tránh lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt; ứng phó, thích nghi với mưa đá, rét hại.

Vùng duyên hải miền Trung (từ Quảng Bình đến Bình Thuận) chủ động phòng, tránh, thích nghi với thiên tai, trọng tâm là chủ động phòng, chống bão, lũ, ngập lụt, hạn hán, sạt lở đất và sạt lở bờ sông, bờ biển.

Vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ sẽ tập trung phòng chống hạn hán, lũ, ngập lụt, bão. Còn vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì chủ động “sống chung với lũ và hạn hán, xâm nhập mặn”, thích ứng, khai thác lợi thế để phát triển bền vững.

Đối với các đô thị lớn, Chiến lược nêu rõ cần tập trung phòng, chống ngập úng do mưa lớn và triều cường.

Khu vực trên biển và hải đảo chủ động phòng, tránh bão, áp thấp nhiệt đới đảm bảo an toàn cho người, tàu thuyền, các hoạt động kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng...

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang