'Dẹp loạn' kinh doanh dược phẩm trên mạng: Cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng

author 06:47 26/03/2022

(VietQ.vn) - Không có bằng cấp, chuyên môn ngành dược vẫn vô tư đăng bán, tư vấn thuốc, TPCN tràn lan trên mạng. Trước thực trạng này, cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng để bảo vệ các y, bác sỹ, dược sỹ chân chính.

Ở bài viết trước, Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã đăng tải nội dung về vấn nạn buôn bán tư trang y tế, thực phẩm chức năng, thậm chí là thuốc điều trị bệnh đang ngày càng phổ biến trên chợ mạng dù người kinh doanh không có chuyên môn, hay chứng chỉ hành nghề… tiềm ẩn gây ra những ẩn họa khôn lường.

Thông qua nội dung bài viết, VietQ.vn đã “chỉ mặt, điểm tên” nhiều nick name chuyên “buôn thúng, bán mẹt”, cũng đăng bán đủ loại TPCN, thuốc như những nhân viên y tế chuyên nghiệp. Thậm chí, khi trong vai người có nhu cầu mua thuốc trị COVID-19, PV đã liên hệ mua một số thuốc trị COVID-19, TPCN nhưng người bán hàng chỉ bán trên mạng, không bán trực tiếp, khách muốn mua phải đặt hàng theo hướng dẫn. Khi PV lo ngại về chất lượng sản phẩm thì người bán đều khẳng định thuốc mình bán là chính hãng, chỉ cần sử dụng theo hướng dẫn sẽ khỏi bệnh...

 Cửa hàng tạp hóa cũng bán thuốc, TPCN được dân mạng phản ánh

Bức xúc trước thực trạng trên, một dược sỹ đăng tải: “Không hiểu sao các bạn bán hàng gia dụng, hoa quả vẫn có thể nhập được hàng rồi đăng bán thế này nhỉ”.

Còn số đông cũng đều có chung ý kiến bất bình và nghi ngờ về khả năng của những chợ thuốc tự phát trên chợ mạng. “Chỗ em bán nhiều lắm, thuốc tăng cân, giảm cân, xoang trĩ, xương khớp... ôi mẹ ơi, họ bán cháo dinh dưỡng mà còn bán nguyên combo như quầy thuốc”; “Gần nhà mình có người bán thịt chó, hôm ra thì mời bán phụ khoa, bán xuyên tâm liên trị F0 sau mà 3 ngày khỏi mà không cần uống thêm gì khác”; “Giờ thấy chả phải dược sĩ cũng quảng cáo bán TPCN, mà bán còn chạy nữa, người dùng có ra hiệu thuốc mua thuốc bổ đâu”; “Quán tạp hóa còn bỏ sỉ thuốc, họ lấy que test COVID-19 và cả C sủi bán đó”; “Giờ không học gì cũng bán thuốc, đâu cũng thấy bác sỹ, dược sỹ, mất công ăn học còn không bằng người bán tạp hóa, bán online...”, một số ý kiến được nêu.

Thậm chí, có những dược sỹ còn tỏ thái độ: “Thà bỏ hẳn cửa hàng đi bán thuốc online để tránh bị quản lý thị trường kiểm tra”; “Quản lý thuốc chán quá, để thuốc và TPCN tuồn ra ngoài bán với giá còn rẻ hơn quầy thuốc”; “Chứng tỏ ngành dược yếu trong lĩnh vực quản lý online”...

 Nhiều dược sỹ bức xúc trước thực trạng nhiều người không có bằng cấp, chuyên môn vẫn buôn bán thuốc, TPCN

Việc quảng cáo quá mức từ những người bán hàng không có chuyên môn và tần suất xuất hiện liên tục, cũng như sự lập lờ tên gọi, bao bì sản phẩm giữa TPCN và thuốc chữa bệnh đã tác động không nhỏ tới ý thức của người tiêu dùng khiến nhiều người hiểu lầm, sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua TPCN sử dụng thường xuyên.

Nhiều bác sĩ tại Bệnh viện K cho biết, bệnh viện đã phải tiếp nhận khá nhiều trường hợp bệnh nhân bị ung thư tới khám ở thời kỳ cuối, khi khối u đã lớn và di căn nhiều nơi trong cơ thể. Mặc dù phát hiện bệnh sớm, nhưng không vào bệnh viện điều trị ngay mà sử dụng TPCN với kỳ vọng rằng các loại TPCN này có thể loại trừ, ngăn chặn được sự phát triển của khối u. Thậm chí, có người bệnh đang điều trị bệnh bằng thuốc tại bệnh viện nhưng khi nghe những quảng cáo “có cánh” đã bỏ thuốc quay sang dùng TPCN, làm mất đi cơ hội điều trị.

Để kiểm soát, dẹp “loạn” quảng cáo bán hàng qua mạng, các ngành chức năng cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về quảng cáo TPCN... Trên trang web Cục ATTP (Bộ Y tế) cũng thường xuyên đăng những cảnh báo các trang thông tin sản phẩm vi phạm quảng cáo. Qua đó, khuyến cáo người dân không nên mua và sử dụng các sản phẩm TPCN quảng cáo có hình ảnh, danh nghĩa của cơ quan y tế, của các y, bác sĩ; không sử dụng các sản phẩm quảng cáo chữa dứt điểm bệnh...

Thông qua nội dung nêu trên, thiết nghĩ cần có sự phối hợp chặt chẽ cơ quan chức năng công khai thông tin các sản phẩm vi phạm, xử lý các trang thông tin điện tử quảng cáo sản phẩm sai phạm để người tiêu dùng biết và thận trọng khi mua các sản phẩm TPCN trên thị trường… Ngoài ra, đối với các cá nhân không có bằng cấp, chuyên môn về y dược cũng cần kiểm soát chặt và xử lý nghiêm để bảo về sức khỏe người tiêu dùng, các y bác sỹ, dược sỹ chân chính.

Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm về buôn bán, lưu thông trên thị trường sản phẩm thực phẩm được quy định như sau:
Phạt tiền từ 01 lần đến 02 lần tổng giá trị sản phẩm thực phẩm vi phạm đã tiêu thụ đối với hành vi buôn bán, lưu thông trên thị trường sản phẩm thực phẩm không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố; sản phẩm thực phẩm thuộc diện phải được sản xuất tại cơ sở có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc chứng nhận tương đương mà không thực hiện theo quy định;
Phạt tiền từ 02 lần đến 03 lần tổng giá trị sản phẩm thực phẩm vi phạm đã tiêu thụ đối với hành vi thay thế, đánh tráo, thêm, bớt thành phần hoặc chất phụ gia so với tiêu chuẩn đã công bố.

 An Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang