Dệt may bước vào ‘cuộc đua’ tuyển lao động chất lượng cao

author 08:24 13/02/2023

(VietQ.vn) - Các doanh nghiệp dệt may đang bước vào “cuộc đua” tuyển lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề cao, thiết kế tốt. Bởi hiện nay, không chỉ đơn hàng phổ thông, giá rẻ về tay doanh nghiệp Việt mà các đơn hàng may cao cấp, yêu cầu phức tạp cũng được các đối tác chuyển sang Việt Nam, nhờ năng lực sản xuất, quản lý tốt.

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 44 tỷ USD. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, con số 44 tỷ USD là nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp. Bước sang năm 2023, VITAS đặt mục tiêu tăng trưởng vượt kết quả của năm 2022, cụ thể là đạt xuất khẩu khoảng 45 - 47 tỷ USD. Theo ông Vũ Đức Giang, có nhiều yếu tố có thể giúp ngành dệt may tăng trưởng từ giữa năm 2023. Đầu tiên là sự phục hồi của các thị trường Âu - Mỹ được dự đoán sẽ “nóng” trở lại từ cuối quý II năm nay.

Mục tiêu trong năm 2023 ngành dệt may đạt xuất khẩu khoảng 45 - 47 tỷ USD. Ảnh minh họa.

Tiếp đến, tăng trưởng của ngành dệt may được kỳ vọng vào cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia, trong đó có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Từ năm 2023, nhiều mặt hàng từ Việt Nam xuất sang EU chính thức được áp dụng thuế suất bằng 0 và lộ trình áp dụng cho tất cả mặt hàng ở các năm sau.

Những tín hiệu tích cực sau chuyến công tác châu Âu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy triển khai hiệp định thương mại với châu Âu. Chuyến công tác của Thủ tướng sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư vào công nghiệp dệt may, nhất là các dự án nguyên phụ liệu mà trong nước chưa chủ động được.

Một yếu tố quan trọng khác làm nền tảng cho ngành dệt may tăng trưởng là năng lực chủ động nguồn cung trong nước đang tăng dần tỉ trọng qua từng năm. Hiện ngành dệt may đã chủ động từ 45 - 47% nguồn cung. Phần còn lại chủ yếu là nguyên phụ liệu kỹ thuật cao vẫn đang nhập khẩu. Trong một thế giới mở, không nhất thiết một quốc gia phải chủ động toàn bộ chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên theo ông Vũ Đức Giang, nếu không chủ động được nguyên phụ liệu thì các hiệp định thương mại thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia không còn ý nghĩa với dệt may. Vì một trong những tiêu chuẩn để hàng hoá từ Việt Nam hưởng thuế suất bằng 0 là nguyên phụ liệu nội địa. Đây là động lực rất lớn cho dệt may Việt Nam để đầu tư sản xuất xơ, sợi và nguyên phụ liệu cũng như thu hút đầu tư FDI.

Hiện nay, với nhiều tín hiệu tích cực từ các thị trường trên thế giới, nhiều doanh nghiệp ngay từ đầu năm đã ra quân 100% lao động, cùng đó tuyển dụng thêm nhân lực chất lượng cao, đáp ứng các đơn hàng cao cấp từ phía đối tác.

VITAS cho hay, các doanh nghiệp dệt may đang bước vào “cuộc đua” tuyển lao động, đặc biệt là những lao động có tay nghề cao, thiết kế tốt. Bởi hiện nay, không chỉ đơn hàng phổ thông, giá rẻ về tay doanh nghiệp Việt mà các đơn hàng may cao cấp, yêu cầu phức tạp cũng được các đối tác chuyển sang Việt Nam, nhờ năng lực sản xuất, quản lý tốt.

Ông Vũ Đức Giang cho biết, động lực để các nhãn hàng tìm đến thị trường Việt Nam là các chương trình phát triển bền vững, xanh hóa, quản trị số, kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Đây là giải pháp để thúc đẩy, giữ ổn định và phát triển tại Việt Nam; đặc biệt là sự khuyến khích doanh nghiệp dệt may phát triển bán hàng theo thiết kế, sáng tạo, giảm thiểu làm hàng gia công cho đối tác.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang