Chất lượng hàng dệt may Việt Nam được cải thiện nhưng cần cạnh tranh về giá

author 08:53 09/01/2023

(VietQ.vn) - Thời gian qua, ngành dệt may Việt Nam đã có những bước trưởng thành rất lớn. Về thuận lợi, đánh giá của thị trường thế giới là hàng Việt Nam đẹp, chất lượng tốt, chỉ có điều về giá cả cần cạnh tranh hơn.

Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động khó lường, năm 2022, ngành dệt may vẫn xuất khẩu đạt 44 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm 2021. Về thị trường xuất khẩu của hàng dệt may Việt Nam, Hoa Kỳ tiếp tục chiếm tỉ trọng lớn nhất với 42%, tiếp đến là Trung Quốc 11%, Nhật Bản và Hàn Quốc cùng chiếm 9%, thị trường khu vực ASEAN chiếm 6%, Nga 1%, còn lại là các thị trường khác.

Tính đến nay, sản phẩm dệt may của Việt Nam đã được xuất khẩu sang 66 quốc gia, vùng lãnh thổ. Ảnh minh họa. 

Tính đến nay, sản phẩm dệt may của Việt Nam đã được xuất khẩu sang 66 quốc gia, vùng lãnh thổ với từ 47-50 các mặt hàng khác nhau. Đây được xem là “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế và cũng là động lực cho ngành dệt may tiếp tục phát triển trong năm 2023.

Giới chuyên gia nhận định, có được những kết quả trên là bởi doanh nghiệp ngành dệt may đang từng bước đẩy nhanh chuyển đổi sang quản trị số, chuỗi cung ứng, tự chủ, bắt kịp xu thế xanh hóa, hướng đến sự phát triển bền vững.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên cho biết, cùng với tiến trình phát triển những năm qua thì ngành dệt may Việt Nam đã có bước trưởng thành rất lớn, thể hiện được sự tăng trưởng trong nhiều năm đều đạt 10%.

“Về thuận lợi, đánh giá của thị trường thế giới là hàng Việt Nam đẹp, chất lượng tốt, chỉ có điều về giá cả cần cạnh tranh hơn. Chúng tôi đánh giá thuận lợi thì có nhưng vấn đề muốn cạnh tranh được thì không có con đường nào khác là doanh nghiệp phải đầu tư, đổi mới làm thế nào có thể đưa được công nghệ, quản trị công nghệ số vào doanh nghiệp để tăng năng suất, giảm những nhân công không cần thiết...”, ông Nguyễn Xuân Dương nói.

Song song với kết quả đạt được, năm 2023 doanh nghiệp dệt may cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), đầu năm 2023, theo tính toán của VITAS, đơn hàng bình quân của các doanh nghiệp đã giảm từ 25-27%. Doanh nghiệp sản xuất gia công, sản xuất mặt hàng giá rẻ chịu tác động nặng nề nhất, thậm chí phải làm không công. Doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ biến động tỷ giá do phải bỏ ngoại tệ mua nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất. Bù lại, doanh nghiệp chủ động được đơn hàng, chủ động được khách hàng.

“Đáng nói, tỉ trọng gia công trong ngành dệt may hiện còn rất thấp. Năm 2022 là 17-18%. Hi vọng rằng tỉ lệ này sẽ được đẩy nhanh chuyển đổi trong năm 2023”, ông Vũ Đức Giang cho biết.

Được biết, năm 2022, ngành dệt may Việt Nam đã có 10 thương hiệu đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam, bao gồm: Sản phẩm thời trang Viettien (Tổng công ty May Việt Tiến), thương hiệu Merriman (Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ), thương hiệu Mattana & Novelty (Tổng công ty May Nhà Bè), trang phục An Phước (Công ty TNHH May thêu giày An Phước), May10 Series, May10 Suits & Eternity GrusZ (Tổng công ty May 10), thời trang Thái Tuấn (Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn), khăn bông Mollis (Tổng công ty cổ phần Phong Phú). Mục tiêu từ nay tới năm 2025, Việt Nam sẽ có 20 thương hiệu thời trang không chỉ trong nước mà còn vươn ra tầm thế giới.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang