Dịch H7N9 diễn biến phức tạp ở Trung Quốc, Bộ Y Tế ra công điện khẩn

authorLan Ninh 06:39 19/02/2017

(VietQ.vn) - Bộ Y tế có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố triển khai các hoạt động phòng chống dịch H7N9 khi dịch bệnh này đang có những diễn biến phức tạp ở Trung Quốc.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ra công văn khẩn vào ngày 17/2 gửi 63 gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc phòng chống dịch cúm lây truyền từ gia cầm sang người.

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, tình hình dịch bệnh cúm A(H7N9) tại Trung Quốc hiện đang diễn biến phức tạp ở 13 tỉnh, thành phố với số mắc tăng cao đột biến, tỷ lệ tử vong cao (khoảng 40%). Riêng trong hai tháng qua, tại Trung Quốc đã có hơn 340 trường hợp mắc tạo thành đợt dịch thứ 5 kể từ năm 2013.

Dịch H7N9 diễn biến phức tạp ở Trung Quốc, Bộ Y Tế ra công điện khẩn

Dịch cúm H7N9 đang diễn biến phức tạp ở Trung Quốc. Ảnh: Internet

Tích lũy từ tháng 3/2013 đến nay, Trung Quốc đã ghi nhận 1.183 trường hợp mắc. Các trường hợp mắc hầu hết có tiền sử phơi nhiễm với gia cầm sống tại các chợ buôn bán gia cầm hoặc với môi trường bị ô nhiễm do gia cầm nhiễm bệnh. Hiện chưa có bằng chứng về việc dịch này lây truyền dễ dàng từ người sang người. 

Theo thông báo của Tổ chức Thú y quốc tế (OIE), trong tháng 1/2017, một số ổ dịch cúm A(H5N1) đã xảy ra trên gia cầm tại Svay Rieng (Campuchia) vốn là tỉnh có chung đường biên giới với Việt Nam. Vì vậy khả năng xâm nhập của dịch bệnh vào nước ta là rất cao. 

Vì vậy, Bộ Y tế chỉ đạo Sở Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Bộ đội biên phòng tăng cường ngăn chặn, bắt giữ gia cầm nhập lậu qua biên giới; xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép; không để hiện tượng buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối.

23 ngành nghề phải đáp ứng điều kiện an ninh trật tự(VietQ.vn) - 23 ngành nghề đặc biệt sẽ phải tuân thủ điều kiện về an ninh trật tự theo quy định tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường giám sát dịch bệnh chủ động trên các đàn gia cầm, và kịp thời thông báo cho ngành y tế địa phương khi phát hiện ổ dịch để phối hợp triển khai các biện pháp xử lý cũng như ngăn ngừa lây truyền sang người.

Đối với các Sở Y tế, chỉ đạo tại các cửa khẩu, tổ chức giám sát chặt chẽ để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; triển khai các biện pháp truyền thông cho hành khách xuất, nhập cảnh đi/đến vùng có dịch về các biện pháp phòng chống. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp cấp tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng.

Lưu ý đối với các trường hợp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm ốm, chết cần được lấy mẫu bệnh phẩm gửi về các Viện Vệ sinh dịch tễ/Viện Pasteur để xét nghiệm và triển khai kịp thời các biện pháp cách ly, điều trị, phòng chống dịch.

Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y chia sẻ thông tin về tình hình dịch cúm trên gia cầm tại các địa phương để chủ động triển khai các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm sang người và xử lý ổ dịch khi có dịch xảy ra.

Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh vận động người dân hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn thông thường; chỉ ăn thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm đã được nấu chín kỹ, không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; khuyến cáo người dân đi/đến từ vùng dịch bệnh cúm gia cầm chủ động theo dõi sức khỏe để phát hiện sớm, điều trị kịp thời hạn chế các biến chứng, tử vong.

Sở tài chính có kế hoạch cấp sớm kinh phí phòng, chống dịch cho các đơn vị y tế và các đơn vị tham gia công tác phòng, chống dịch ngay từ đầu năm để triển khai các hoạt động tăng cường giám sát, phòng, chống dịch chủ động. Bố trí kinh phí dự phòng phục vụ công tác phòng chống dịch, sẵn sàng cấp bổ sung trong trường hợp xảy ra các ổ dịch cúm trên gia cầm lây sang người và trên diện rộng.

Hoàng Lan

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang