Điểm danh những ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ chống dịch Covid-19

author 19:58 27/09/2021

(VietQ.vn) - Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhằm chung tay cùng Chính phủ và cộng đồng xã hội trong đẩy lùi đại dịch COVID-19, nhiều tập đoàn, tổ chức, cá nhân đã có những sáng kiến công nghệ hỗ trợ chống dịch hiệu quả.

Sản phẩm vòng đeo tay điện tử giám sát người cách ly

Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã kiến nghị Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 giao bộ, ngành liên quan chỉ đạo một số đơn vị công nghệ thông tin trong nước nghiên cứu sản xuất và thử nghiệm vòng tay điện tử giám sát chuyên gia, lao động nước ngoài; giải pháp giám sát điện tử đối với người Việt Nam. Trong thời gian đó, Tập đoàn Công nghệ G-Group đã dồn mọi nguồn lực và giao Công ty Công nghệ cao G-Innovations chủ trì cùng đội ngũ giáo sư, tiến sĩ đầu ngành của tập đoàn nghiên cứu, sản xuất vòng đeo tay điện tử G-Track trong 3 tuần.

 Vòng đeo tay thông minh G-Track. Ảnh: VnExpress

G-Group đã tài trợ giai đoạn đầu số lượng lớn vòng đeo tay phục vụ công tác phòng chống dịch cũng như giám sát tự động cho người cách ly. Vòng đeo tay giúp hạn chế tiếp xúc gần giữa F1, F2 với nhân viên y tế khi đo thân nhiệt và giám sát định vị người đeo.

TP.Đà Nẵng đã triển khai thử nghiệm G-Track từ tháng 8 và chính thức áp dụng vào đầu tháng 9. Nhiều địa phương khác như Bình Phước, Kiên Giang, Cần Thơ... cũng áp dụng để giám sát người cách ly tại nhà. Theo nhu cầu của các địa phương, G-Group tiếp tục nghiên cứu để G-Track có thể theo dõi lộ trình di chuyển của phương tiện và tài xế khi di chuyển giữa các "vùng đỏ" và "vùng xanh". Điều này giúp đảm bảo tuân thủ việc di chuyển theo đúng khai báo "một tuyến đường, hai địa điểm"; triển khai thực hiện tại Quảng Ninh, Bình Phước, Kiên Giang...

Trong tháng 7, G-Group cũng cùng công ty thành viên Hanet Technology tài trợ giai đoạn đầu hơn 1.000 AI camera phục vụ công tác phòng chống dịch và giám sát tự động cho người cách ly. Hanet AI Camera có thể ghi nhớ tối đa 50.000 khuôn mặt, hỗ trợ tìm kiếm hơn 100 triệu người và đã được lắp đặt triển khai trên gần 300 bệnh viện.

Viettel thiết kế hạ tầng công nghệ cho bệnh viện dã chiến

Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) chịu trách nhiệm thiết kế và triển khai các hạng mục liên quan đến xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin của Bệnh viện dã chiến cơ sở Yên Sở - Hoàng Mai (Hà Nội).

Hệ thống hạ tầng do Viettel thiết kế, triển khai cho phép theo dõi, hội chẩn người bệnh từ xa mà không phải tiếp xúc.

Viettel đã lắp đặt các thiết bị theo dõi và hội chẩn từ xa bệnh nhân hồi sức tích cực (Tele-ICU) tại 18 khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng mà không cần tiếp xúc.

Thiết bị được kết nối trực tiếp với hệ thống quản lý bệnh viện, cập nhật dữ liệu sức khỏe, hình ảnh phim chụp của bệnh nhân tại khu điều trị đến bác sĩ tại khu chẩn đoán. Bệnh viện này cũng được kết nối vào hệ thống tư vấn, hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) do Viettel triển khai. Nhờ đó, bệnh nhân Covid-19 nặng không cần phải chuyển tuyến mà vẫn được các bác sĩ bệnh viện tuyến trên hỗ trợ cứu chữa kịp thời.

FPT hỗ trợ truy vết, kiểm soát dịch

Áp dụng giải pháp công nghệ vào công tác kiểm soát, truy vết dịch bệnh góp phần giải phóng sức lao động cho con người. Trong đó, FPT là một trong những tập đoàn tích cực triển khai giải pháp phòng chống dịch ứng dụng công nghệ AI. Chỉ trong vòng một ngày sau khi nhận được thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, FPT đã hoàn thiện trợ lý ảo voiceBot truy vết Covid-19, giúp gia tăng khả năng truy vết dịch ở các tỉnh thành.

 Thiết bị công nghệ FPT phục vụ tuyến đầu chống dịch.

Tính đến khoảng tháng 7 năm nay, trợ lý ảo đã thực hiện hơn 2,2 triệu cuộc gọi tới hơn 1,2 triệu người tại 6 tỉnh thành phố có dịch, hỗ trợ phát hiện hàng nghìn trường hợp có triệu chứng nhiễm bệnh.

FPT còn hoàn thiện lắp đặt hạ tầng công nghệ thông tin tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 1, 4, 7, 8, 10, 16 tại TP.HCM và Bệnh viện dã chiến Khu ký túc xá phía Tây Đà Nẵng.

Sử dụng robot hỗ vận chuyển nhu yếu phẩm trong khu cách ly, phong tỏa

Vừa qua, Tỉnh đoàn Đồng Nai phối hợp với Trường Đại học Lạc Hồng (thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) đã thử nghiệm và đưa vào vận hành robot vận chuyển nhu yếu phẩm trong khu cách ly, khu phong tỏa.

Robot này do Trường Đại học Lạc Hồng cùng Công ty trách nhiệm hữu hạn viễn thông Chí Thanh chế tạo, có khối lượng 48 kg; dài 1,3 m, rộng 0,9 m và cao 0,8 m. Robot có khả năng vận chuyển 100 kg hàng hóa, nhu yếu phẩm; tốc độ di chuyển 30 m/phút, thời gian hoạt động 4 giờ, phạm vi di chuyển 200 m.

 Robot vận chuyển thực phẩm trong khu phong tỏa.

Robot di chuyển bằng bánh xe, được điều khiển từ xa và hoạt động bằng pin sạc. Phía trên có khay để đựng nhu yếu phẩm như thực phẩm, thuốc men. Robot này còn có khả năng xịt dung dịch khử khuẩn dung tích khoảng 20 lít. Ngoài thùng chứa hàng robot còn được trang bị camera và hệ thống loa để thông báo cho người dân trong các khu cách ly, khu phong tỏa ra nhận hàng. Tổng chi phí chế tạo là 60 triệu đồng.

Ông Trần Trọng Đức, giảng viên Khoa Cơ điện – điện tử, Trường Đại học Lạc Hồng cho biết, robot được sáng chế nhằm đưa vào hoạt động tại các khu phong tỏa, cách ly, bệnh viện dã chiến. Sản phẩm được kỳ vọng giúp giảm thiểu rủi ro nhiễm bệnh cho các y, bác sĩ, tình nguyện viên phục vụ tại tuyến đầu chống dịch. Trước mắt, robot sẽ được đưa vào sử dụng tại các khu phong tỏa. Robot được điều khiển từ xa, khoảng cách 200m hoặc có thể dài hơn, xa hơn nếu không có vật cản. Hơn nữa, người điều khiển có thể giám sát bằng hệ thống camera từ xa, có thể thu giọng nói trực tiếp để gọi người dân ra nhận hàng và cũng có thể nói chuyện trực tiếp thông qua hệ thống loa với người dân.

 An Dương (T/H)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang