Diễn biến mới nhất biển Đông: lộ rõ tính toán của Trung Quốc

author 16:38 06/06/2014

(VietQ.vn) - Diễn biến mới nhất biển Đông hôm nay ngày càng căng thẳng, bất chấp những nỗ lực và thiện chí của Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục có những hành vi hung hăng, gây ra những sự việc hết sức nghiêm trọng ở thực địa, đồng thời liên tục đưa ra luận điệu vu cáo, đổ lỗi cho Việt Nam.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Để làm rõ hơn về những hành vi trái phép của Trung Quốc và cách xử lý tình hình hết sức mềm mỏng, kiềm chế, đúng pháp luật của các lực lượng Việt Nam, ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam đã cung cấp cho báo chí các thông tin toàn cảnh như sau

tình hình biển đông mới nhất

Ông Ngô Ngọc Thu cung cấp thông tin diễn biến mới nhất biển Đông hôm nay ngày 6/6

5h ngày 2-5, Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại tọa độ 15°29’58” vĩ Bắc - 111°12’06” kinh Đông, phía Nam đảo Tri Tôn, sâu vào trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý.

5h ngày 27-5, giàn khoan di chuyển theo hướng Đông Đông Bắc đến 11h15 dừng lại, cách phía Đông đảo Lý Sơn 143 hải lý; cách Đông Nam đảo Tri Tôn 25 hải lý.

Ngày 1-6, giàn khoan dịch chuyển nhẹ và ổn định tại vị trí cách vị trí cũ ngày 27-5 khoảng 140m về phía Tây Tây Bắc.

Hàng ngày, Trung Quốc sử dụng từ 30 - 137 tàu để bảo vệ khu vực giàn khoan, trong đó có 6 dạng tàu chiến như: Khu trục tên lửa (số hiệu 169, 170); Hộ vệ tên lửa (số hiệu 523, 534, 571, 572); Tên lửa tấn công nhanh (số hiệu 752, 753); Tuần tiễu săn ngầm (số hiệu 787, 789); Quét mìn (số hiệu 839, 840, 842, 843); Vận tải đổ bộ (số hiệu 989, 998, 999). Ngoài ra còn có từ 33-42 tàu gồm: Hải cảnh, Hải tuần, Hải giám, Ngư chính; từ 9-11 tàu kéo và dịch vụ; từ 20-22 tàu vận tải; từ 1-3 tàu dầu và từ 15-60 tàu cá. Ngày cao điểm Trung Quốc sử dụng 137 tàu các loại để bảo vệ giàn khoan.

Trung Quốc thường xuyên sử dụng máy bay tuần thám, trực thăng (số hiệu 8321, 3808, 3586, 9401 B. 7112, B. 7115); máy bay cánh bằng, dạng cảnh báo sớm (KJ200-9421); máy bay trinh sát dạng TU-154 (81223) bay nhiều vòng trên các tàu Việt Nam ở độ cao từ l00-l.000m.

Lực lượng bảo vệ Trung Quốc chia làm 3 vòng để bảo vệ: Vòng trong cách giàn khoan từ 1-1,5 hải lý có 10-15 tàu bảo vệ; vòng giữa cách giàn khoan từ 4,5-5 hải lý có 40-45 tàu bảo vệ; vòng ngoài cách giàn khoan từ 10-12 hải lý có 25-35 tàu bảo vệ. Có từ 9-12 tàu bám sát các tàu Việt Nam, sẵn sàng ngăn cản, đâm va ở khoảng cách từ 10-12 hải lý so với giàn khoan.

Các tàu bảo vệ Trung Quốc vẫn chặn đầu, khóa đuôi, ép mạn, sẵn sàng đâm va khi các tàu của Việt Nam vào gần tuyên truyền, ngăn chặn việc xâm phạm trái phép của giàn khoan Hải Dương 981; chủ động đâm thẳng, dùng súng bắn nước công suất lớn nhằm làm hư hỏng trang bị, tàu thuyền của Việt Nam.

Diễn biến mới nhất biển Đông lộ rõ tính toán của Trung Quốc

Việc Trung Quốc triển khai giàn khoan Hải Dương 981 và những động thái ngang ngược trên bãi đá Gạc Ma là một bước đi có tính toán trong việc hiện thực hóa tham vọng khống chế biển Đông của mình và sẽ tiếp tục những bước đi lớn hơn.

Trên tờ Pháp luật TP.HCM, PGS-TS Trần Nam Tiến (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu biển Đông - Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) phân tích về những bước đi lớn của Trung Quốc:

"Những hành động của Trung Quốc ở biển Đông gần đây cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc nhìn nhận biển Đông chủ yếu ở góc độ địa chính trị và địa chiến lược. Dựa trên cơ sở tiếp cận các lý thuyết địa chính trị, tham vọng của Trung Quốc thực sự không dừng lại ở biển Đông mà xa hơn trong tầm nhìn của họ là một chiến lược “chuỗi ngọc trai” đầy tham vọng nối biển Đông với Ấn Độ Dương.

Chiến lược “chuỗi ngọc trai” được xây dựng nhằm hướng đến giải quyết vấn đề ưu tiên mang tính chiến lược của Trung Quốc là bảo đảm an toàn cho tàu chở dầu mỏ và khí đốt đến từ vịnh Ba Tư.

Nếu kết nối các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở biển Đông và biển Nhật Bản cùng với các đảo và những cơ sở cầu cảng khác của Trung Quốc xây dựng trải rộng từ Hải Nam tới vùng Trung Đông, “chuỗi ngọc trai” mà Trung Quốc hướng tới xây dựng sẽ giống như một vành đai bao quanh đất liền ở khu vực châu Á.

Vân Anh (tổng hợp)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang