Cảnh báo các thiết bị điện tử như điện thoại, máy ảnh có thể bị hỏng vì tia laser

author 14:13 28/03/2024

(VietQ.vn) - Mới đây một chiếc iPhone 14 Pro bị hỏng camera sau khi chủ nhân dùng thiết bị để quay phim trong môi trường có tia laser. Thực tế đây không phải lần đầu tiên tia laser làm hỏng các thiết bị điện tử.

Một người đàn ông sống tại Anh vừa chia sẻ: "Tôi đã sử dụng iPhone của mình để quay quang cảnh bữa tiệc trong quán bar. Lúc đầu, tôi nghĩ camera gặp trục trặc nên khởi động lại máy, nhưng không có gì khác biệt. Tôi cũng thử tải một ứng dụng chụp ảnh về thử, nhưng vô ích".

Người này sau đó nhận ra vấn đề nằm ở phần cứng, do tia laser gây ra. Sau bữa tiệc, ông đến cửa hàng sửa chữa và được kỹ thuật viên xác nhận nghi vấn. Cuối cùng, ông phải mua một chiếc iPhone 14 Pro khác.

Ông cho biết đã khôi phục cài đặt gốc cho chiếc iPhone 14 Pro hỏng camera và rao bán trên mạng xã hội. Bài viết nhận nhiều bình luận, nhưng không ai muốn mua nó.

Điện thoại iPhone có thể bị hỏng camera vì tia laser

Đây không phải lần đầu camera điện thoại bị phá hỏng trong vài giây vì tia laser. Năm 2011, đã có 3 chiếc Canon 5D Mark II dùng để quay video trong một buổi hòa nhạc đã "chết" cảm biến chỉ một giây sau khi tia laser chiếu vào. Năm 2013, chiếc máy ảnh đắt tiền RED Epic trị giá 20.000 USD cũng gặp sự cố tương tự. Năm 2021, trên website của hãng, Sony khuyến cáo người dùng không nên để tia laser chiếu trực tiếp vào camera vì có thể khiến máy ảnh hoạt động không ổn định. Năm 2023, tia laser chiếu thẳng khiến camera trên điện thoại của một người tham dự buổi biểu diễn của ca sĩ Geolier tại Nhà hát Palapartenope ở Naples (Italy) bị hỏng nặng. Theo trang chuyên về chụp ảnh PetaPixel, trong trường hợp này, khả năng cao cảm biến máy ảnh đã bị hư hại hoàn toàn, không thể sửa chữa.

Theo Hiệp hội trình chiếu Laser quốc tế (ILDA), laser sử dụng trên sân khấu là chùm sáng có khả năng gây hại cho mắt cũng như cảm biến hình ảnh nếu bị chiếu trực tiếp. Do đó, mọi người nên tránh để tia này chiếu thẳng vào ống kính để hạn chế sự cố đáng tiếc.

Nói tới tác hại của tia laser, theo các chuyên gia công nghệ, trong khi những nguồn phát laser công suất lớn chỉ xuất hiện và được kiểm soát chặt chẽ trong nghiên cứu khoa học và sản xuất công nghiệp, nhiều thiết bị laser cỡ vừa và nhỏ xuất hiện ở khắp mọi nơi xung quanh. Chúng đến từ những máy cắt kim loại, biển quảng cáo, đèn pin hay thậm chí là đồ chơi trẻ em và đèn pha ô tô.

Thiết bị laser càng dễ sử dụng càng mang lại nhiều mối nguy hiểm, cho dù nguyên nhân đến từ sự cố ý hay vô tình. Những đèn pin laser cầm tay bấy lâu đã trở thành một nỗi ám ảnh. Nó có thể trở thành vũ khí để tấn công bất kỳ ai. Thậm chí nhiều đèn pin laser cầm tay chạy pin có thể vượt quá giới hạn cho phép hàng trăm thậm chí hàng ngàn lần. Chúng rất nguy hiểm, ngay cả ở khoảng cách lớn. Người tiêu dùng thì không có đủ nhận thức về quy mô của sự nguy hiểm.

Nhiều quốc gia và chính phủ đang có những biện pháp để loại bỏ những thiết bị laser độc hại khỏi thi trường tiêu dùng. Cục Quản lý Thực và dược phẩm Hoa Kì công bố một khuyến cáo, trong đó nói mọi thiết bị laser lớn hơn 5 mW sẽ gây hại cho da và mắt. Cộng đồng Châu Âu cũng có tiêu chuẩn riêng của họ cho các mức độ an toàn của laser.

Tại Việt Nam cũng đã ban hành Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12670-1:2020 về an toàn sản phẩm laser. Tiêu chuẩn này quy định an toàn của các sản phẩm laser phát bức xạ laser trong dải bước sóng từ 180 nm đến 1 mm. Mặc dù vẫn có những bộ phát laser phát ra bức xạ ở các bước sóng nhỏ hơn 180 nm (trong phạm vi cực tím chân không), nhưng nó không thuộc phạm vi áp dụng của tiêu chuẩn này vì tia laser thường phải được bọc trong vỏ bọc hút chân không và do đó các nguy hiểm bức xạ quang tiềm ẩn thường là rất nhỏ.

Sản phẩm laser có thể gồm một bộ phát laser duy nhất có hoặc không có nguồn cấp riêng hoặc có thể có một hoặc nhiều bộ phát laser trong hệ thống quang, điện hoặc cơ kết hợp. Thông thường, các sản phẩm laser được sử dụng để minh họa các hiện tượng vật lý hoặc quang, xử lý vật liệu, đọc và lưu trữ dữ liệu, truyền tải và hiển thị thông tin, v.v. Các hệ thống này được sử dụng trong công nghiệp, kinh doanh, giải trí, nghiên cứu, giáo dục, y tế và các sản phẩm tiêu dùng.

Yêu cầu về mức độ độ phơi nhiễm lớn nhất cho phép thì Tiêu chuẩn hướng dẫn mức bức xạ laser trong các trường hợp bình thường, người có thể phơi nhiễm mà không có những ảnh hưởng bất lợi. Các mức độ phơi nhiễm thể hiện mức lớn nhất mà tại đó mắt hoặc da có thể phơi nhiễm mà không bị thương ngay lập tức hoặc sau thời gian dài; các mức phơi nhiễm liên quan đến bước sóng của bức xạ laser, thời gian xung hoặc thời gian phơi nhiễm, mô có nguy hiểm rủi ro và kích thước của hình ảnh võng mạc đối với bức xạ laser nhìn thấy được và gần hồng ngoại trong dải từ 400 nm đến 1 400 nm. 

Đối với các sản phẩm laser, ngoại trừ đồ chơi, được thiết kế để hoạt động như các bóng đèn thông thường và phát ra bức xạ nhìn thấy và bức xạ quang gần hồng ngoại (400 nm đến 1 400 nm).

 An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang