Diễn viên Quách Thu Phương tiếp tay quảng cáo viên sủi Balen sai sự thật?
Cảnh báo: Viên sủi giảm cân Balen quảng cáo sai công dụng, 'bẫy' người tiêu dùng?
Suzuki Baleno 2022 trang bị thêm nhiều công nghệ 'xịn xò' như xế sang
Chỉ 177 triệu đồng, xe ô tô của Suzuki này sở hữu ứng dụng gì nổi bật?
Vì sao chiếc váy hàng hiệu giá 51 triệu của hãng Balenciaga bị chê tơi tả?
Theo đó, đánh vào tâm lý nhiều người tiêu dùng khi cơ thể thừa cân, béo bụng, tổ chức kinh doanh viên sủi Balen đã cố tình quảng cáo trên mạng xã hội với cam kết chỉ cần sử dụng sản phẩm này có thể giải quyết tình trạng: bụng béo, bụng bia; béo do cơ địa; mỡ thừa lâu năm; béo phì mỡ; tăng cân sau sinh…
Tuy nhiên trên thực tế, sản phẩm này chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe không có chức năng như thuốc chữa bệnh và công dụng như những gì mà tổ chức kinh doanh quảng cáo. Để lừa dối người tiêu dùng mua sản phẩm với công dụng phóng đại, tổ chức kinh doanh đã sử dụng hình ảnh, video chia sẻ của nhiều người nổi tiếng. Trong đó có diễn viên Quách Thu Phương, NSND Mạnh Cường, nghệ sĩ Trọng Trinh.
Các nghệ sĩ tiếp tay cho sản phẩm quảng cáo sai sự thật về công dụng.
Điều đáng nói, đây không phải lần đầu các nghệ sĩ này tiếp tay cho sản phẩm quảng cáo thổi phồng công dụng để đánh lừa người tiêu dùng.
Trước đó, Chất lượng Việt Nam cũng phản ánh việc diễn viên Quách Thu Phương tiếp tay sản phẩm dạ dày Tâm Vị quảng cáo sai sự thật. Chỉ cách lần phản ánh trước đó chừng vài tháng tháng, đến nay diễn viên Quách Thu Phương lại tiếp tục tiếp tay cho viên sủi Balen với những ngôn từ phóng đại.
Tại clip quảng cáo về sản phẩm viên sủi Balen, nữ diễn viên này dẫn dắt: Sau khi quay trở lại màn ảnh với vai diễn mẹ Xuân trong phim Hương vị tình thân thì Phương nhận được rất nhiều lời động viên, quan tâm của khán giả và cộng đồng mạng. Nhiều khán giả hỏi Thu Phương bí quyết làm sao để chăm sóc và giữ gìn vóc dáng giỏi đến thế.
Nữ diễn viên tiếp tục thông tin rằng mình bị tăng cân nhanh ở những giai đoạn stress, căng thẳng dù đã hạn chế ăn uống hay tập luyện, việc giảm cân rất khó khăn. Nữ diễn viên cũng đưa ra hàng loạt ví dụ cho các căn bệnh có thể đến với cơ thể người tiêu dùng nếu cân nặng tăng cao. Sau đó, nữ diễn viên đã “lái” người tiêu dùng với việc sử dụng viên sủi Balen và giới thiệu các thông tin về sản phẩm này như thuốc trị bệnh.
Nữ diễn viên này nhận định: viên sủi sau khi sử dụng đã giúp chuyển hóa chất béo, thúc đẩy đốt mỡ thừa. Sau nhận định trên, nữ diễn đã kêu gọi người tiêu dùng đang bị thừa cân, béo bụng mua sản phẩm. Cũng với kịch bản quảng cáo và nội dung i chang như diễn viên Quách Thu Phương, NSND Mạnh Cường, nghệ sĩ Trọng Trinh cũng ghi hình quảng cáo cho sản phẩm này và kêu gọi người tiêu dùng sử dụng sản phẩm.
Trước đó, Chất lượng Việt Nam đã phản ánh tại website https://www.sacdep-suckhoe.com/balen93 hay trên mạng xã hội như Tiktok, Zalo... tổ chức kinh doanh viên sủi Balen tự nổ: Viên sủi Balen sử dụng công nghệ Phytosome giúp tăng sinh khả dụng của hoạt chất, tăng cường thẩm thấu, tăng khả năng hấp thụ hoạt chất. Làm mềm các mô mỡ cứng, tích tụ lâu năm trong cơ thể. Phù hợp cả người cơ địa chai lỳ khó giảm cân. Đào thải mỡ qua tuyến mồ hôi và nước tiểu. Cơ thể nhẹ nhàng, thanh thoát, không còn khó chịu vì lớp mỡ dày. Siết chặt vòng eo và mô mỡ lại. Mỡ bụng, đùi, bắp chân, tay, mông...”.
Không những vậy, tổ chức kinh doanh viên sủi Balen còn đăng tải hàng loạt hình ảnh giới thiệu là khách hàng đã sử dụng tăng cân hiệu quả mà chưa được cơ quan nào chứng nhận. Do đó, có thể thấy đây là một trong những chiêu trò quảng cáo đơn vị đưa ra để “bẫy” người dùng.
Theo tìm hiểu của PV, Cục An toàn Thực phẩm - Bộ Y tế không cấp phép lưu hành cho sản phẩm nào có tên “Viên sủi giảm cân Balen”. Cục chỉ cấp Giấy xác nhận cho Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Balen và đây không phải là thuốc cũng như không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Do vậy, tổ chức kinh doanh quảng cáo về sản phẩm này như thuốc chữa bệnh là không đúng sự thật, người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác.
TPBVSK Balen được cấp bản công bố sản phẩm cho Công ty TNHH UKEY Việt Nam có địa chỉ tại Tầng 6, P601, Số 214 đường Nguyễn Lương Bằng, Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội.
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, việc người nổi tiếng quảng cáo các sản phẩm sai phạm là hành vi lừa dối khán giả.
Luật sư Cường phân tích, người nổi tiếng thường có lượng khán giả quan tâm, yêu quý rất đông đảo và hùng hậu. Sự quý mến, ái mộ với thần tượng sẽ khiến khán giả nảy sinh tâm lý tin tưởng mọi hành động, việc làm của họ là đúng đắn, muốn học theo, làm theo, sử dụng những sản phẩm dịch vụ người nổi tiếng, nghệ sĩ đang sử dụng. Từ đây các nhãn hàng tận dụng tối đa uy tín của giới nghệ sĩ để quảng cáo sản phẩm, dịch vụ.
Các nghệ sĩ, người nổi tiếng cũng sẵn sàng hợp tác thực hiện quảng cáo để gia tăng thu nhập. Việc nghệ sĩ ký hợp đồng quảng cáo với các nhãn hàng, doanh nghiệp để quảng cáo sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho các doanh nghiệp là chuyện hết sức bình thường. Đó là nguồn thu nhập hợp pháp và chính đáng của các nghệ sĩ ngoài tiền thù lao biểu diễn và các hoạt động văn hóa nghệ thuật khác.
Tuy nhiên, tham gia vào thị trường quảng cáo, tìm kiếm thu nhập từ hoạt động quảng cáo nghệ sĩ cần tìm hiểu các quy định pháp luật để thực hiện việc quảng cáo đúng luật, mang lại những hiệu ứng tích cực với người hâm mộ, giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra đối với bản thân và cộng đồng xã hội, đặc biệt là với người hâm mộ mình.
Nghệ sĩ là người của công chúng, mức độ nổi tiếng phụ thuộc vào sự tin yêu của công chúng. Để trở thành nghệ sĩ nổi tiếng, nhiều người mến mộ phải mất rất nhiều năm nhưng nếu không cẩn thận, phát ngôn thiếu chuẩn mực hoặc quảng cáo sai sự thật sẽ rơi vào tình trạng "mua danh ba vạn, bán danh ba đồng".
Trường hợp nghệ sĩ vô ý hoặc cố ý vi phạm quy định của Luật Quảng cáo, quảng cáo các sản phẩm hàng hóa dịch vụ bị cấm hoặc thực hiện các hành vi cấm trong quảng cáo, quảng cáo khi chưa biết rõ về công dụng, giá trị của sản phẩm, quảng cáo sai sự thật hoặc có gian dối trong việc quảng cáo sẽ gây hệ lụy rất xấu cho xã hội và có thể bị mất danh tiếng, thậm chí phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Theo điều 8, Luật Quảng cáo 2012 được sửa đổi năm 2018, hành vi quảng cáo không đúng về chất lượng, công dụng của sản phẩm, hàng hóa là hành vi bị nghiêm cấm. Người vi phạm có thể bị phạt tiền đến 70 triệu đồng (Điều 51, Nghị định 158/2013/NĐ-CP). Ngoài việc bị cơ quan quản lý nhà nước xử phạt vi phạm hành chính, nếu hành vi này gây tổn hại về sức khỏe, tính mạng thì người tiêu dùng có thể khởi kiện nhà sản xuất cùng với người có hành vi quảng cáo sai sự thật đó để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Điều 197, Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định rõ: Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm…
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!
Nam Dương