Đồ ăn trước cổng trường: Nguy cơ ngộ độc cấp tính

author 16:26 16/09/2013

(VietQ.vn) - Tình trạng bán đồ ăn nhanh tại cổng trường học không chỉ gây mất an toàn giao thông mà khi trẻ ăn những đồ ăn này rất dễ gây ngộ độc thực phẩm và về lâu dài sẽ mắc phải những căn bệnh mãn tính nguy hiểm.

Đồ ăn nhanh tại cổng trường học chứa nhiều nguy cơ gây ngộ độc Ảnh: Afamily

Như thông tin Chất lượng Việt Nam đã phản ánh, hiện nay tại nhiều cổng trường Tiểu học, THCS, THPT khi vào đầu năm học, xuất hiện rất nhiều những hàng quán bán đồ ăn nhanh, điều này không chỉ gây cản trở giao thông mà còn là nguy cơ gây nên những căn bệnh và những ca ngộ độc thực phẩm đối với lữa tuổi học sinh.

Theo thông kê của Trung tâm Chống độc , Bệnh viện Bạch Mai, trong thời gian qua, Trung tâm đã tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ngộ độc thực phẩm, đa phần các bệnh nhân ngộ độc các loại phụ gia thực phẩm hoặc dùng những loại thực phẩm không an toàn, trong đó, không ít đối tượng là học sinh. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp do chất độc tích tụ qua một thời gian nên việc xác định bị ngộ độc bởi chất gì là điều không phải dễ.

Điều đáng nói là vấn đề này năm nào cũng được các cơ quan chức năng cảnh báo, nhưng không hề được các bậc cha mẹ phụ huynh lưu tâm. Trong mùa năm học trước, Chi cục VSATTP Hà Nội, đã kiểm tra tại các cổng trường tiểu học, THCS ở 5 quận đã cho kết quả: 100% mặt hàng đồ ăn kinh doanh trên xe đạp, xe đẩy hoặc quang gánh đều không bảo đảm VSATTP, đa số chế biến từ nguyên liệu nguồn gốc không rõ ràng, không đủ nước sạch khi chế biến, điều kiện vệ sinh cơ sở và vệ sinh cá nhân.

Tuy nhiên, sự việc này dường như là “đến hẹn lại lên”, đặc biệt hơn những người bán hàng lại luôn di chuyển chứ không có cơ sở cố định nên rất khó cho công tác quản lý. Để làm triệt để điều này, cần phải có sự phối hợp từ phía nhà trường, cơ quan an ninh và bộ phận VSATTP.

Còn theo số liệu thống kê mới nhất từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) mới công bố, từ đầu năm 2013 đến nay, cả nước đã xảy ra 43 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.110 người nhiễm độc, 1.007 người phải nhập viện và 15 trường hợp tử vong. Cả nước có khoảng 25.000 trường hợp mắc bệnh tay - chân - miệng (7 trường hợp tử vong), gần 14.000 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (10 trường hợp tử vong), 82 trường hợp mắc bệnh thương hàn… điều đáng nói những trường hợp trên đa số là trẻ nhỏ, và nguyên nhân đều liên quan đến thực phẩm, đặc biệt là đồ bán vỉa hè.

Nói về đồ nguy hiểm của các đồ ăn vỉa hè, PGS Hồ Bá Do (PCT Hiệp hội TPCN Việt Nam) cho biết, đồ ăn vỉa hè có rất nhiều độc tố, trong đó: E.coli có thể gây ngộ độc cấp tính, nguyên nhân của bệnh tiêu chảy khi con người ăn phải thực phẩm nhiễm khuẩn. Chì gây ức chế enzym tổng hợp máu dẫn đến phá vỡ hồng cầu, tương tác cùng với các vitamin và khoáng chất khác trong cơ thể gây độc và bệnh. Thủy ngân gây độc tế bào, nguyên nhân của nhiều căn bệnh hiểm nghèo. Cadmi nguy hiểm hơn khi làm rối loạn chức năng gan, thiếu máu, tăng huyết áp…

Những chất độc có trong thực phẩm như đã kể trên còn nguy hại gấp bội lần nếu trẻ nhỏ sử dụng, vì cơ địa, các bộ phận tiêu hóa, hấp thu của trẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển.

Còn nói về chế độ dinh dưỡng đối với các thực phẩm được bày bán tại vỉa hè, các cổng trường học, phải khẳng định: những loại thực phẩm này có giá trị dinh dưỡng thấp, chưa kể nguyên liệu có thể là những sản phẩm không an toàn. Bởi nếu thực phẩm còn giữ được dinh dưỡng, thì trước hết loại thực phẩm đó phải là tươi, sống. Đối với những loại thực phẩm đóng hộp thì phải được bảo quản cẩn thận, dùng trong giới hạn thời gian cho phép

“Cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe các học sinh hiện nay là chính cha mẹ học sinh phải dạy con, từ bỏ thói quen ăn quà vặt tại cổng trường và nơi công cộng. Bởi các thầy cô giáo chỉ quản lý khi học sinh ăn uống trong căng -tin, nhà ăn của trường, chứ không thể quản lý khi học sinh đã đi ra khỏi trường. Đồng thời, các thầy cô không phải là người cho các con tiền để ăn quà vặt. Nên vấn đề này, vai trò của phụ huynh học sinh là quan trọng nhất”, Hiệu trưởng một trường THCS tại quận Cầu Giấy nói.

BS Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng khuyến cáo: “Cách tốt nhất để giữ sức khỏe cho mình là không nên ăn thức ăn vỉa hè. Do giá rẻ, lại phải đảm bảo yêu tố thơm ngon nên người chế biến hay sử dụng các chất phụ gia rẻ tiền, rất dễ gây độc hại”.

Vì vậy, cần phải giữ vệ sinh trong các khâu bảo quản và chế biến thực phẩm, biết chọn thực phẩm tươi sống và thực hiện các hướng dẫn của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế). Đối với chế biến thực phẩm nên tuân thủ quy trình: thực phẩm tươi sống-chín-bàn tay sạch-dụng cụ sạch-không ăn đồ cũ”.

(Còn nữa)

Phương Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang