Các sàn TMĐT được xem là 'bộ lọc' đầu tiên để hạn chế hàng giả, hàng nhái bảo vệ người tiêu dùng

author 19:38 21/11/2023

(VietQ.vn) - Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng, trong công cuộc đấu tránh hàng giả, hàng gian lận thương mại các sàn TMĐT cần chủ động đưa ra những biện pháp, xây dựng hệ thống giám sát, cảnh báo nguy cơ, rủi ro để kịp thời ngăn chặn.

Các sàn TMĐT cần thiết lập chức năng cảnh báo hàng hóa vi phạm để kịp thời ngăn chặn

Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) phát triển mang đến sự tiện lợi cho người tiêu dùng, nhưng cùng với đó cũng tiềm ẩn những rủi ro đến từ nạn hàng giả, hàng kém chất lượng. 

Theo đại diện các sàn thương mại điện tử, những sản phẩm hàng giả, hàng kém chất lượng thường sẽ không có tem chống hàng giả, bao bì, nhãn hiệu có thể bị mờ, giá thường rẻ hơn nhiều so với hàng chính hãng. Chính vì vậy, các sàn hầu hết đều có các giải pháp nhằm hạn chế vi phạm của các nhà cung cấp. Đặc biệt, trong tiến trình chuyển hướng phát triển TMĐT từ nhanh sang bền vững, các sàn TMĐT được xem là “bộ lọc” đầu tiên để hạn chế được nhiều nhất tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ra thị trường.

Ông Phan Mạnh Hà - đại diện sàn Shopee cho biết, Shopee luôn tập trung đầu tư thiết lập các kênh thông tin và đội ngũ chuyên nghiệp để tiếp nhận đăng ký quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) nhằm quản lý chất lượng đăng bán, từ đó bảo vệ và phối hợp với các chủ thể quyền xử lý các hành vi kinh doanh hàng giả/hàng xâm phạm quyền SHTT trên sàn.

Các sàn TMĐT phải tự rà soát, tự thống kê, tự có phân loại và tự có cơ chế ngăn chặn dấu hiệu hàng hóa vi phạm. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, Shopee còn thiết lập chức năng báo cáo sản phẩm vi phạm trên sàn nhằm tạo điều kiện cho người tiêu dùng (NTD) có thể báo cáo các sản phẩm vi phạm để Shopee có biện pháp xác minh và xử lý theo quy định nếu chủ hàng vi phạm hàng giả/nhái. Đồng thời rà soát thường kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần các nhà bán hàng và các đăng bán có dấu hiệu vi phạm. Nếu xác minh hành vi vi phạm hàng hóa sẽ bị gỡ bỏ và áp dụng hình thức phạt với nhà bán hàng theo từng mức độ nặng nhẹ tùy theo vi phạm.

Đáng chú ý, ông Hà cho biết, để có thể quản lý việc bán hàng đúng chất lượng, đúng sản phẩm trên sàn, Shopee có biện pháp để “nắm chuôi” các nhà bán hàng. Theo đó, nếu nhà bán hàng tìm cách qua mặt hệ thống kiểm duyệt bằng cách đăng sản phẩm vi phạm như làm mờ nhãn hiệu, hình ảnh hoặc chèn ký tự vào phần hình ảnh để che giấu yếu tố nhãn hiệu hay sử dụng các từ khóa biến thể để hệ thống kiểm duyệt gặp khó khăn hoặc nhà bán hàng giao hàng thực tế sản phẩm lại khác với nội dung đăng bán thì Shopee luôn có phương án để xử lý.

“Shopee bảo đảm bảo vệ cả người mua lẫn người bán bằng cách giữ số tiền giao dịch giữa 2 bên cho đến khi đơn hàng hoàn tất. Số tiền giao dịch sẽ chỉ được thanh toán cho người bán nếu người mua hoàn toàn hài lòng với món hàng và không có bất kỳ khiếu nại nào trong vòng 3 ngày kể từ khi nhận được hàng. Người mua có thể yêu cầu trả hàng/hoàn tiền trong trường hợp nhận được sản phẩm là hàng giả, hàng nhái hoặc sản phẩm người mua nhận được khác biệt một cách rõ rệt so với thông tin mà người bán cung cấp trong mục mô tả sản phẩm” - ông Hà nói.

Tương tự, các sàn TMĐT khác hoặc các kênh mua bán trực tuyến khác cũng đều đã có những biện pháp nhằm bảo đảm chất lượng hàng hóa được bán ra từ sàn của mình bằng các phương pháp quản lý khác nhau. Thậm chí, có sàn còn bảo đảm hoàn tiền 100% cho khách hàng nếu phát hiện và chứng minh được sản phẩm nhận được là sản phẩm kém chất lượng, kể cả trong trường hợp khách hàng đã “nhỡ” sử dụng sản phẩm.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, xây dựng hệ thống giám sát và cảnh báo nguy cơ

Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đánh giá, sau nhiều cuộc hội thảo, hội nghị, vận động, hầu như các chủ sàn TMĐT đã có ý thức trong việc ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bày bán trên sàn. Tuy nhiên, cũng không thể bảo đảm 100% có thể ngăn chặn triệt để hàng gian lận lưu thông qua sàn TMĐT. Do đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người để phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống hàng giả trên TMĐT.

Cùng với đó, cần xây dựng xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chung để quản lý giám sát những hoạt động TMĐT tại Việt Nam, xây dựng hệ thống giám sát, cảnh báo nguy cơ, rủi ro cho chuyển đổi số xuyên suốt, thống nhất từ Trung ương tới địa phương để kịp thời xử lý các sự cố, các vụ việc vi phạm, đặc biệt trong lực lượng QLTT; Triển khai hệ sinh thái số bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT và tăng cường việc quản lý giám sát của cơ quan Nhà nước với các đối tượng kinh doanh TMĐT.

Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng cho rằng, việc bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng (NTD) trên môi trường kinh doanh trực tuyến là điều kiện đầu tiên để xây dựng được hệ thống TMĐT bền vững. Do đó, cần sớm hoàn thiện quy định pháp lý về TMĐT và bảo vệ quyền lợi NTD; Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD, TMĐT và các cơ quan quản lý ngành, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT.

Bên cạnh đó, phải tăng cường hoạt động phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng liên quan trong công tác chống hàng giả và bảo vệ NTD trong TMĐT. Trang bị trang thiết bị, công nghệ kỹ thuật hiện đại phục vụ công tác chống hàng giả và bảo vệ NTD trong TMĐT nhằm bảo đảm sớm phát hiện và ngăn chặn tận gốc vi phạm, tạo khuôn khổ hoạt động cho các tổ chức, cá nhân. Đồng thời nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức trong hoạt động thực thi pháp luật về TMĐT và bảo vệ NTD, đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thông tin cho NTD, bảo vệ NTD trong thanh toán điện tử, bảo vệ NTD trong các hành vi thương mại không lành mạnh.

Theo Nghị định 52 quy định, phía sàn TMĐT phải tự rà soát, tự thống kê, tự có phân loại và tự có cơ chế ngăn chặn dấu hiệu hàng hóa vi phạm. Song song đó, có cơ chế phối hợp khi cơ quan chức năng đề nghị cung cấp thông tin những đối tượng có dấu hiệu vi phạm trên sàn, để từ đó thẩm tra xác minh đối tượng và nơi chứa trữ hàng hóa (nếu có) để xử lý. 

Bên cạnh nỗ lực của các sàn thương mại điện tử, các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng cần thể hiện vai trò và trách nhiệm của mình, nói "không" với hàng giả, hàng kém chất lượng. Khi gặp phải các trường hợp có dấu hiệu là hàng giả, khách hàng cần gửi báo cáo, phản hồi ngay cho sàn. Đây là cách bảo vệ quyền lợi của chính mình, cũng như góp phần tạo ra một môi trường mua sắm số lành mạnh.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang