Doanh nghiệp chung tay thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

author 08:53 29/06/2022

(VietQ.vn) - Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp cần đổi mới tư duy, thiết kế mô hình sản xuất theo hướng tăng cường sử dụng các sản phẩm có thể tái chế, tái sử dụng hoàn toàn; tăng cường phục hồi tài nguyên từ trong các sản phẩm đã qua sử dụng, kéo dài tuổi đời của sản phẩm thông qua tái chế, tái sử dụng, nâng cấp, làm mới và thiết kế lại.

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tại Hội nghị khởi động xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam diễn ra ngày 28/6/2022.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm hệ sinh thái tự nhiên đang là khủng hoảng kép đối với nhân loại hiện nay. Đây chính là hệ lụy của mô hình phát triển tuyến tính (Khai thác tài nguyên - Sản xuất - Tiêu dùng và cuối cùng là Thải loại ra môi trường) thiếu bền vững trong hơn 150 năm qua của nhân loại.

Hội nghị khởi động xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Liên Hợp Quốc cảnh báo, đến năm 2030 nếu tiếp tục phát triển với mô hình kinh tế tuyến tính, nhu cầu sử dụng tài nguyên sẽ tăng 3 lần so với hiện nay, vượt ngoài khả năng cung ứng của Trái đất, lượng chất thải sẽ vượt giới hạn sức chịu tải của môi trường. Vì vậy, yêu cầu cấp bách hiện nay là cần có mô hình kinh tế hiệu quả hơn về sử dụng tài nguyên, ngăn ngừa biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm, suy thoái môi trường đó là kinh tế tuần hoàn.

Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị, cần kiến tạo thể chế, cụ thể hóa các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường, nhất là những quy định về trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại, tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường (phát thải và công nghệ) tương đương với nhóm các nước tiên tiến trong khu vực.

Ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp môi trường, trong đó có công nghiệp tái chế; thúc đẩy phát triển thị trường trao đổi sản phẩm phụ, sản phẩm thải bỏ để rác thải, chất thải trở thành tài nguyên thứ cấp trong hệ thống vòng kín của chu trình sản xuất mới. Ban hành các tiêu chí về mua sắm công xanh, sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc vật liệu tái chế.

“Doanh nghiệp cần đổi mới tư duy, thiết kế mô hình sản xuất theo hướng tăng cường sử dụng sản phẩm có thể tái chế, tái sử dụng hoàn toàn; tăng cường phục hồi tài nguyên từ trong các sản phẩm đã qua sử dụng, kéo dài tuổi đời sản phẩm thông qua tái chế, tái sử dụng, nâng cấp, làm mới và thiết kế lại. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong quản lý nguồn thải và công nghệ sinh học xử lý rác thải”- Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Là một trong những doanh nghiệp đồng hành cùng Hội nghị, Tập đoàn Central Group đã chia sẻ các sáng kiến và mô hình kinh tế tuần hoàn tiêu biểu “Không rác thải tại Samui – Samui Zero Waste”- mô hình kinh tế tuần hoàn đã được Central Group áp dụng thành công tại Thái Lan; tham gia gian hàng triển lãm nhằm thể hiện cam kết ủng hộ cùng đồng hành với định hướng của chính phủ về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; đề ra các chương trình hành động cụ thể theo đặc thù của ngành bán lẻ thực phẩm của tập đoàn để đạt mục tiêu phát triển bền vững.

Bà Jariya Chirathivat- Chủ tịch Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam cho biết: từ mô hình “Không rác thải tại Samui – Samui Zero Waste” đã thành công tại Thái Lan, Central Retail tại Việt Nam có thể triển khai mô hình này tại Việt Nam, giúp tiết giảm trong cách tiêu thụ thực phẩm, giảm phát thải thực phẩm từ khâu vận hành siêu thị phát thải từ vỏ bắp cải, các loại rau quả hư hỏng… có thể sử dụng làm thức ăn cho vật nuôi.

Đại diện tập đoàn Central Retail (trái) chia sẻ mô hình Kinh tế tuần hoàn với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. 

Trước đó, liên quan đến mô hình kinh tế tuần hoàn, vì sự phát triển bền vững, ngày 9/6/2019, tập đoàn Central Retail Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trao Chứng nhận Thành viên Liên minh Chống rác thải nhựa.

Và, từ đó đến nay, Central Retail tại Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để thực hiện vai trò của mình, thông qua các hoạt động như: tại hệ thống bán lẻ của Central Retail (GO!, Big C, Tops Market) áp dụng bán túi Lohas (loại túi chứa hàng hóa sử dụng nhiều lần) không lợi nhuận; áp dụng sử dụng sản phẩm tự nhiên lá chuối để gói, bọc thực phẩm thay thế túi nilon, góp phần tích cực nhằm thay đổi nhận thức, trách nhiệm và thói quen sử dụng túi nilon của người tiêu dùng; hỗ trợ đóng thùng giấy carton chứa hàng hóa miễn phí cho khách hàng, nhằm hạn chế sử dụng túi nilon…

Đặc biệt, với mong muốn nâng cao ý thức của người dân và cộng đồng xã hội trong việc sử dụng và giảm thiểu rác thải nhựa, trong khuôn khổ các hoạt động của Lễ hội Môi trường Đà Nẵng 2019 Central Retail đã tài trợ 5 mô hình Cá Voi ăn rác thải nhựa - đặt tại các bãi biển của Đà Nẵng. Mô hình Cá Voi được mong đợi sẽ góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân thay đổi thói quen vứt rác thải nhựa bừa bãi, gây hại trực tiếp đến hệ sinh thái biển và gián tiếp đến sức khỏe con người. Đến nay, Central Retail đã nhân rộng thành 35 mô hình Cá Voi ăn rác thải nhựa đến các tỉnh, thành nhằm tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang