'Phát triển xanh' - Bệ phóng để doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững

author 06:53 19/03/2025

(VietQ.vn) - Phát triển bền vững là xu hướng tất yếu, đòn bẩy giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh. Do đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ cần không ngừng đổi mới sáng tạo, chuyển mình phát triển xanh để đáp ứng yêu cầu trong thời đại mới.

Phát triển xanh bền vững là xu hướng tất yếu

Phát triển bền vững được định nghĩa là sự phát triển đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Tại Việt Nam, khái niệm này đã được Chính phủ cụ thể hóa trong Chiến lược Phát triển bền vững giai đoạn 2021-2030 với tầm nhìn đến năm 2050, xoay quanh ba trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường.

Những năm gần đây, nhận thức về phát triển bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp ngày càng tăng. Các tập đoàn lớn như VinGroup không chỉ dừng lại ở lĩnh vực bất động sản mà còn đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo và xe điện với thương hiệu VinFast. FPT đã tích cực áp dụng các giải pháp công nghệ tiết kiệm năng lượng, trong khi Vinamilk chú trọng xây dựng chuỗi sản xuất tuần hoàn. Các doanh nghiệp này đã chứng minh rằng, khi có tầm nhìn chiến lược và nguồn lực phù hợp, chuyển đổi sang mô hình bền vững không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn giúp cải thiện năng suất và giảm chi phí sản xuất.

Phát triển bền vững là xu hướng tất yếu, đòn bẩy giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh. Ảnh minh họa

Ngay cả những doanh nghiệp nhỏ hơn cũng đã bắt đầu tích hợp các yếu tố bền vững vào chiến lược kinh doanh của mình. Họ cắt giảm khí thải, tái chế nguyên liệu, đưa yếu tố tuần hoàn vào sâu trong chuỗi sản xuất và tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương. Điều này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn giúp các doanh nghiệp xây dựng hình ảnh tích cực, nâng cao uy tín trên thị trường nội địa lẫn quốc tế.

Đơn cử trong ngành sản xuất là Công ty CP Đầu tư Bitco Bình Định. Ông Trần Mạnh Hùng - Giám đốc công ty cho biết: “Để tồn tại và cạnh tranh trên thị trường, doanh nghiệp phải thực hiện chuyển đổi. Chúng tôi đã đầu tư gần 110 tỷ đồng vào công nghệ sản xuất gạch bê tông nhẹ khí chưng áp AAC của Đức. Công nghệ này không chỉ giúp giảm hơn 30% chi phí sản xuất mà còn tiết kiệm nguyên liệu, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường.”

Đầu năm 2023, Bitco tiếp tục đầu tư vào công nghệ sản xuất tấm panel ALC có lõi thép – vật liệu xanh tiên tiến, giúp giảm 30% chất thải, sử dụng 60% năng lượng ít hơn và giảm 55% bức xạ nhà kính so với sản phẩm truyền thống. Hiện công ty là một trong năm nhà máy có năng lực sản xuất tấm panel ALC trên cả nước, khẳng định bước chuyển mình của doanh nghiệp trong kỷ nguyên chuyển đổi xanh.

Trong ngành dịch vụ, xu hướng chuyển đổi xanh cũng ghi dấu mạnh mẽ. Công ty truyền thông và du lịch C2T là một ví dụ điển hình khi theo đuổi mô hình “du lịch xanh tác động thấp”. Ông Võ Văn Phong - Tổng giám đốc C2T cho biết: “Chúng tôi đã lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời để giảm thiểu việc sử dụng điện lưới, đồng thời khuyến khích du khách sử dụng chai nước tái sử dụng và thực hiện phân loại rác. Đây là những bước đi thiết thực nhằm giảm lượng khí thải carbon phát sinh từ các hoạt động du lịch.” Nhờ đó, C2T không chỉ cải thiện được hiệu quả hoạt động mà còn đóng góp vào nỗ lực bảo vệ môi trường trong ngành du lịch.

Ngành sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng đang trải qua quá trình chuyển mình mạnh mẽ. Ông Nguyễn Thế Tùng - Tổng giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Sinh thái Trang trại Nữ Hoàng (Queen Farm) chia sẻ rằng có bốn áp lực buộc doanh nghiệp phải triển khai nông nghiệp bền vững: yêu cầu từ thị trường quốc tế, biến đổi khí hậu, xu hướng tiêu dùng xanh và các quy định quản trị minh bạch. Ông Tùng nhấn mạnh, xây dựng nền nông nghiệp xanh cần dựa trên điều kiện diện tích canh tác lớn để tận dụng tối đa các ứng dụng khoa học công nghệ. Vì vậy, Việt Nam cần thúc đẩy các mô hình liên kết nông nghiệp, phát triển kinh tế theo hình thức hợp tác xã, từ đó giúp người nông dân tự liên kết và chuyển đổi sang mô hình sản xuất công nghệ cao, xanh và bền vững.

Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) Nguyễn Quang Vinh cho rằng, những thí dụ điển hình trên cho thấy khi có tầm nhìn và nguồn lực, doanh nghiệp Việt Nam có thể trở thành hình mẫu về phát triển bền vững trong khu vực. Những doanh nghiệp biết áp dụng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và kinh tế xanh đã cho thấy khả năng phục hồi nhanh chóng trước các cú sốc từ bên ngoài và tự tin phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Tuy nhiên, để tiến xa hơn trong con đường chuyển đổi xanh, các doanh nghiệp cần xác định mục tiêu cụ thể và khả thi theo bộ tiêu chuẩn đo lường ESG (Environmental - Môi trường, Social - Xã hội, Governance - Quản trị). Cần lấy quản trị làm trụ cột định hướng cho các hoạt động về kinh tế, xã hội và môi trường, từ đó góp phần nâng cao sức mạnh nội tại và hiện thực hóa chiến lược phát triển bền vững trong dài hạn. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp không chỉ cải thiện hiệu quả hoạt động mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh trong bối cảnh nền kinh tế đang liên tục biến đổi.

Giải pháp và thách thức trong chuyển đổi xanh

Không chỉ doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy phát triển bền vững. Gần đây, xu hướng lựa chọn sản phẩm thân thiện với môi trường đang ngày càng rõ rệt tại Việt Nam. Người tiêu dùng không chỉ mua sản phẩm mà còn mua cả giá trị và ý nghĩa của sản phẩm đó. Sự thay đổi trong nhận thức này buộc các doanh nghiệp phải cải tiến quy trình sản xuất, đảm bảo sản phẩm không chỉ đạt tiêu chuẩn chất lượng mà còn thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, chuyển đổi xanh cũng đối mặt với không ít thách thức. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 900 nghìn doanh nghiệp, trong đó 97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Dù đã có những bước chuyển mình tích cực, nhưng nhiều doanh nghiệp nhỏ vẫn gặp khó khăn do hạn chế về nguồn lực tài chính, chuyên môn kỹ thuật và kiến thức về phát triển bền vững. Anh Lê Tuấn Linh - Giám đốc Công ty TNHH Nam Linh, hoạt động trong lĩnh vực may mặc xuất khẩu, thẳng thắn chia sẻ: “Chúng tôi rất muốn chuyển sang sử dụng năng lượng sạch để đạt tiêu chuẩn "hàng hóa xanh", nhưng do nguồn lực tài chính hạn chế, đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời lên tới từ 20-25 tỷ đồng là một con số quá lớn. Việc vay vốn với lãi suất cao càng làm khó khăn thêm cho doanh nghiệp nhỏ.”

Rõ ràng, để giải quyết những thách thức này, các doanh nghiệp cần sự hỗ trợ từ phía chính phủ và các cơ quan quản lý. Các chính sách ưu đãi như miễn giảm thuế, trợ giá cho năng lượng tái tạo, thiết lập quỹ hỗ trợ chuyển đổi xanh với lãi suất ưu đãi cùng các chương trình đào tạo chuyên sâu về ESG đang được đề xuất nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh. Cùng với đó, việc xây dựng một khung pháp lý minh bạch, đồng bộ là yếu tố then chốt giúp tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi.

Các cơ quan quản lý cũng cần có vai trò chủ động trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, cung cấp các chương trình tư vấn và hướng dẫn cụ thể về thực hành ESG. Qua đó, doanh nghiệp không chỉ xây dựng được chiến lược phát triển bền vững mà còn nâng cao hình ảnh và uy tín trên thị trường trong nước lẫn quốc tế.

Trên thực tế, theo khảo sát từ VBCSD, có đến 83% doanh nghiệp cho rằng áp dụng tiêu chuẩn ESG sẽ giúp nâng cao hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 57% cho thấy nhận thức được tính cần thiết của phát triển xanh bền vững, trong khi 70% doanh nghiệp cho rằng chưa được trang bị đủ kiến thức và chỉ khoảng 10% doanh nghiệp vừa và nhỏ đã có kế hoạch cụ thể về phát triển bền vững.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng cạnh tranh gay gắt, việc chuyển đổi xanh không chỉ là yêu cầu mà còn là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam khẳng định vị thế. Các doanh nghiệp biết áp dụng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và kinh tế xanh đã cho thấy sức mạnh nội tại, khả năng phục hồi nhanh chóng và tăng cường hiệu quả hoạt động trước những biến động bên ngoài. Nhờ đó, doanh nghiệp không chỉ bảo vệ được môi trường mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững.

Quan trọng nhất, để chuyển đổi xanh thành công, cả doanh nghiệp và người tiêu dùng cần thay đổi nhận thức. Sự thay đổi này sẽ tạo ra một “vòng quay tích cực” cho nền kinh tế, khi mà mỗi hành động xanh từ người tiêu dùng lại thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới, đầu tư vào công nghệ xanh và cải tiến quy trình sản xuất. Chính nhờ đó, phát triển bền vững không chỉ là xu hướng mà còn trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường cho thế hệ tương lai.

Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang