Doanh nghiệp đã hiểu gì về năng suất?

author 13:00 04/09/2014

(VietQ.vn) - Không ít doanh nghiệp Việt Nam chưa hiểu rõ các vấn đề năng suất và chất lượng. Chính vì không hiểu nên khi áp dụng các mô hình, công cụ nâng cao năng suất chất lượng gặp khó khăn.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Viện Năng suất Việt Nam - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, có các khái niệm cơ bản về năng suất các doanh nghiệp Việt Nam cần biết và áp dụng vào điều kiện hoàn cảnh của doanh nghiệp mình, tạo đà cho thành công bền vững.

Cụ thể, trước hết doanh nghiệp phải biết năng suất là gì. Theo đó, hiểu theo cách đơn giản, năng suất là thước đo mức độ hiệu quả của các hoạt động tạo ra kết quả đầu ra (số lượng, giá trị gia tăng) từ các yếu tố đầu vào (lao động, vốn, nguyên liệu, năng lượng…).

Từ năm 1958, Cơ quan Năng suất Châu Âu (EPA) đã đưa ra định nghĩa về năng suất hiện được nhiều quốc gia sử dụng như sau: “Năng suất là một hình thái tư duy, đó là thái độ luôn tìm kiếm để cải thiện những gì đang tồn tại. Vì có một sự chắc chắn rằng, con người ngày hôm nay có thể làm việc tốt hơn hôm qua – ngày mai tốt hơn hôm nay và dù kết quả có như thế nào, ý chí cải tiến mới là quan trọng; đó là khả năng luôn thích ứng với các điều kiện thay đổi và nỗ lực không ngừng để áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới; và là niềm tin chắc chắn vào sự tiến bộ của nhân loại”.

Năng suất lao động Việt Nam tụt hạng

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam không nắm rõ về phương thức tăng năng suất lao động. Ảnh minh họa

Tiếp đến là để phân tính, đánh giá về năng suất của nền kinh tế, ngành kinh tế hay năng suất của doanh nghiệp, người ta sử dụng hệ thống các chỉ tiêu năng suất gồm 2 nhóm chỉ tiêu sau:

- Năng suất tính theo từng yếu tố đầu vào (Factor Productivity), được tính bằng: Đầu ra/một yếu tố đầu vào. Ví dụ: năng suất lao động: Đầu ra/số lao động; năng suất vốn… Nhóm chỉ tiêu này dùng để phân tích hiệu quả của từng yếu tố đầu vào.

- Năng suất tính theo các yếu tố đầu vào (Total Factor Productivity) hay còn gọi là Năng suất yếu tố tổng hợp (TFP). Chỉ tiêu này phản ánh kết quả được tạo ra do tác động của các yếu tố: chất lượng lao động, áp dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến, nâng cao trình độ quản lý...

Tiếp theo, năng suất lao động còn được hiểu là tỷ lệ giữa lượng đầu ra trên đầu vào, trong đó đầu ra được tính bằng GDP (Tổng sản phẩm trong nước) hoặc GVA (Tổng giá trị gia tăng), đầu vào thường được tính bằng: số lượng lao động đang làm việc, giờ công lao động, hay lực lao động được điều chỉnh theo chất lượng.

Năng suất lao động phản ánh năng lực tạo ra của cải, hay hiệu suất của lao động trong quá trình sản xuất, đo bằng số sản phẩm hay lượng giá trị được tạo ra trong một đơn vị thời gian, hay số lao động hao để sản xuất ra một đơn vị thành phẩm. Năng suất lao động là chỉ tiêu quan trọng nhất thể hiện tính chất và trình độ tiến bộ của một đơn vị sản xuất, hay của một phương thức sản xuất. Vì vậy, năng suất Lao động là một trong những yếu tố quan trọng tác động tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế.

Cuối cùng là các yếu tố tác động tới năng suất gắn với việc tăng năng suất ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế khi mà nền kinh tế hiện nay đang chuyển sang hướng phát triển mới. Năng suất tăng có thể do: chất lượng của lao động tăng lên, giúp cho một giờ làm việc đem lại nhiều sản lượng hơn; thay đổi về thành phần hay chất lượng của vốn khiến cho sử dụng vốn có hiệu quả cao hơn; có thể do tiến bộ công nghệ xuất phát từ công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) trong nước, vay mượn từ tri thức toàn cầu, hay chỉ đơn giản là rút kinh nghiệm từ thực tế làm việc; cũng có thể do tái phân bổ nguồn lực, một người lao động chuyển từ một công việc đồng áng có năng suất thấp sang một công việc có năng suất cao trong nhà máy sẽ trở nên có hiệu quả hơn, dù trình độ học vấn không thay đổi.

Hồng Anh


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang