Doanh nghiệp gia đình thường ‘chết yểu’: Lý do vì đâu?

author 14:16 19/05/2019

(VietQ.vn) - Các doanh nghiệp gia đình khó đổ vỡ về tài chính nhưng dễ bị đổ vỡ về thị trường và thương hiệu, đặc biệt dưới sức ép của công nghệ và kỹ thuật trong khi không đủ sức đầu tư.

Sự kiện: Doanh nghiệp

Mải mê vào lợi nhuận mà quên xây dựng thương hiệu

GS.TS Phan Đặng Tuất, Viện trưởng Viện chiến lược chính sách phát triển công nghiệp, cựu Chủ tịch HĐQT CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn nhận định, doanh nghiệp không chết vì vốn nhưng chết vì thương hiệu và thị trường, thậm chí, vì sự sụp đổ chuyển giao thế hệ. Do đó, nếu khắc phục được những điều này thì hoạt động của doanh nghiệp gia đình sẽ hiệu quả hơn cả doanh nghiệp cổ phần.

Ông Tuất cũng cho rằng, một trong những điểm yếu của doanh nghiệp gia đình Việt là khả năng phát triển bền vững thương hiệu. Ông nhắc lại những doanh nghiệp “vang bóng một thời” như: Dạ Lan, Dasco… từ lâu không còn được nhắc đến vì quy mô nhỏ, nguồn lực hạn chế, không có sức mạnh thị trường và thương hiệu nên chấp nhận bị thâu tóm.

 GS.TS Phan Đặng Tuất, Viện trưởng Viện chiến lược chính sách phát triển công nghiệp, cựu Chủ tịch HĐQT Sabeco.

Nguyên Chủ tịch Sabeco nhận định: “Các công ty nói chung và công ty gia đình nói riêng thường tập trung chủ yếu vào lợi nhuận mà chưa chú ý đến vấn đề thương hiệu, mặc dù đây là thứ đại diện cho tên tuổi, uy tín, lịch sử phát triển của một công ty”.

Số công ty gia đình hiện nay chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng số doanh nghiệp Việt. Có công ty đạt tốc độ tăng trưởng và hiệu quả kinh doanh tốt hơn nhiều so với các doanh nghiệp Nhà nước, trong nhiều trường hợp còn tốt hơn cả các công ty cổ phần. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của các công ty gia đình thấp hơn nhiều so với các hình thức công ty khác. Họ có xu hướng vay nợ ít hơn và ổn định hơn.

Những rào cản ‘ngáng chân’ doanh nghiệp gia đình phát triển

Ông Tuất cho rằng đổ vỡ về tài chính là rất khó nhưng các doanh nghiệp gia đình lại dễ bị đổ vỡ về thị trường và thương hiệu, đặc biệt dưới sức ép của công nghệ và kỹ thuật trong khi không đủ sức đầu tư. Các công ty gia đình thường gặp hạn chế trong việc tối đa hoá giá trị doanh nghiệp. Việc huy động vốn trong gia đình có thể dễ dàng với công ty lúc mới đầu nhưng khi bước vào giai đoạn phát triển với nhu cầu vốn ngày càng lớn thì công tác này sẽ trở nên khó khăn.

Các doanh nghiệp gia đình cũng gặp trở ngại trong tái cấu trúc quản trị . Ảnh minh họa

Hơn nữa, các doanh nghiệp này cũng gặp trở ngại trong tái cấu trúc quản trị và xây dựng thể chế quản trị nội bộ do cấu trúc quan hệ huyết thống trong khi thiết chế là rất cần thiết để điều hành, quản trị công ty theo một trật tự mang tính văn minh và công khai.

Với quy mô nhỏ, các doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam cũng thường khó thích nghi với môi trường kinh doanh thay đổi. Họ chưa hình thành được văn hoá công ty và thiết chế quản trị nội bộ, thay vào đó là một thiết chế truyền thống, áp đặt theo kiểu gia tộc.

Doanh nghiệp gia đình cần làm gì để chuyển mình?

Ông Tuất cho rằng, doanh nghiệp gia đình nên tái cấu trúc, những yếu điểm sẽ phải khắc phục, nhưng những gì là thế mạnh cũng cần được gìn giữ bởi điều đó đã góp phần dựng nên cả một cơ đồ. Cụ thể, công ty gia đình thường có tầm nhìn dài hạn khi tính đến tương lai cho các thế hệ về sau. Họ có văn hoá nội bộ, khả năng truyền cảm hứng sâu nặng và lợi thế về niềm tin và danh tiếng.

Bất cứ công ty nào khi bắt đầu hoạt động cũng gặp phải những khó khăn về mặt tài chính nhưng các công ty gia đình có khả năng huy động tối đa nguồn lực từ các thành viên trong gia tộc để giúp công ty có những bước chạy đà nhanh hơn hoặc vượt qua được giai đoạn khó khăn khi phát triển. Bên cạnh đó, giữ bí mật bí quyết kinh doanh cũng là yếu tố giúp các công ty gia đình thành công.

Để doanh nghiệp gia đình có thể tồn tại và phát triển mạnh mẽ, ông Tuất nhấn mạnh việc cần thúc đẩy luật hóa mô hình và phương thức về công ty gia đình tại Việt Nam, tránh để yếu tố văn hoá và tập tục chi phối. Bên cạnh đó, xây dựng các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy công ty gia đình phát triển.

Về việc tái cấu trúc gia đình, ông Tuất nhấn mạnh việc tái cấu trúc những mảng còn yếu kém như tài chính, sản xuất, đại chúng hoá, minh bạch hoá thông tin tài chính, thông tin quản trị. Niêm yết và huy động nguồn lực xã hội, từ các cổ đông phổ thông, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước.

Xây dựng và phát triển thương hiệu, định vị sản phẩm trên thị trường. Hoàn thiện hệ thống quản trị nội bộ, xây dựng văn hoá doanh nghiệp, tạo động lực cho nhân viên và thu hút người tài. Mở rộng thị trường, quy mô kinh doanh và phát triển tầm nhìn dài hạn.

Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang