Doanh nghiệp ngành tôm cần linh hoạt ứng phó trước khó khăn mới khi xuất khẩu sang Mỹ

author 09:32 18/02/2024

(VietQ.vn) - Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong nửa đầu năm 2024 sẽ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, những căng thẳng mới ở Biển Đỏ khiến giá cước vận tải biển đi Mỹ tăng, cũng là chướng ngại cho doanh nghiệp trong năm 2024.

Mới đây, Hiệp hội Chế biến tôm Mỹ (ASPA) - tổ chức đại diện cho quyền lợi ngành khai thác tôm tự nhiên và chế biến tôm của Mỹ, đã nộp đơn đề nghị áp thuế chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh nhập khẩu từ Ecuador và Indonesia, thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu từ Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam.

Theo đó, Mỹ điều tra tôm nước ấm đông lạnh thuộc nhóm các mã HS 0306.17, 1605.21, 1605.29 với các nước bị điều tra gồm: Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam. Trong đó, sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam mặc dù chỉ bị điều tra chống trợ cấp nhưng số lượng các chương trình cáo buộc của nguyên đơn tại Mỹ lớn hơn nhiều nên DOC đã quyết định điều tra toàn bộ 40 chương trình.

Điều này khiến Việt Nam là nước có số lượng chương trình trợ cấp bị điều tra nhiều nhất so với các nước khác gồm: Ecuador là 15 chương trình, Ấn Độ 19 chương trình, Indonesia 15 chương trình. Nhiều chương trình bị cáo buộc có nội dung mới và phức tạp, liên quan nhiều bộ ngành, địa phương ở nhiều cấp khác nhau. 

Các nhóm chương trình bị cáo buộc gồm: cho vay, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, chương trình miễn giảm khoản phải thu, ưu đãi về đất, nhóm các chương trình tài trợ. Điểm đáng chú ý là DOC còn điều tra một loạt chương trình thuộc chiến lược phát triển thủy sản và chương trình phát triển ngành thủy sản được Chính phủ ban hành.

Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), Mỹ đưa ra cáo buộc với số lượng chương trình trợ cấp bị điều tra lên tới 40 chương trình, nhiều nhất trong số các vụ việc điều tra chống trợ cấp của nước ngoài với Việt Nam từ trước tới nay.

Các chương trình này liên quan tới nhiều bộ ngành, doanh nghiệp có nhiều cơ sở tại các tỉnh thành khác nhau. Trong khi đó, thời hạn trả lời bảng câu hỏi của Mỹ đưa ra là khá gấp và rất chi tiết, nội dung yêu cầu phức tạp, đòi hỏi nhiều thông tin; các yêu cầu thủ tục hành chính, biểu mẫu phức tạp; tài liệu đều phải chuyển ngữ sang tiếng Anh.

Cũng theo ông Tuấn, tính chất của một vụ điều tra chống trợ cấp đó là Chính phủ cũng là một bên bị điều tra của vụ việc. Theo đánh giá, việc thu thập thông tin, tổng hợp, xây dựng bảng trả lời câu hỏi dành cho Chính phủ sẽ cực kỳ khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành, địa phương và hiệp hội, doanh nghiệp cùng các bên liên quan. Đến nay sau khi nhận được thông tin về vụ việc, Cục đã thu thập, yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành điều tra khách quan, minh bạch, tuân thủ quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đồng thời phối hợp với hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và các bên có liên quan trả lời bảng câu hỏi điều tra của Mỹ để đáp ứng đúng hạn.

Trước khởi xướng điều tra chống trợ cấp của Mỹ với tôm Việt Nam, doanh nghiệp cần chuẩn bị mọi mặt và tích cực để đáp ứng yêu cầu hồ sơ từ phía Mỹ. (Ảnh minh họa)

Theo các doanh nghiệp, chưa rõ kết quả như thế nào nhưng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ sẽ bị ảnh hưởng trong nửa đầu năm 2024. Bên cạnh đó, căng thẳng Biển Đỏ đầu năm 2024 khiến giá cước vận tải biển đi Mỹ tăng cũng là chướng ngại cho doanh nghiệp trong năm 2024.

Liên quan đến vụ việc này, mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị hỗ trợ tích cực trong vụ điều tra chống trợ cấp của Mỹ đối với ngành tôm Việt Nam để có thể vượt qua giai đoạn điều tra trong thời gian tới. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái sau đó đã yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp các cơ quan liên quan xem xét, quyết định việc sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý đại diện và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong vụ việc Mỹ điều tra chống trợ cấp đối với tôm nước ấm đông lạnh. Trước khởi xướng điều tra chống trợ cấp của Mỹ với tôm Việt Nam, doanh nghiệp cần chuẩn bị mọi mặt và tích cực để đáp ứng yêu cầu hồ sơ. Trong đó, chủ động nghiên cứu, nắm quy định, thủ tục điều tra chống trợ cấp của Hoa Kỳ, theo dõi chặt chẽ diễn biến vụ việc, phối hợp với Hiệp hội và Cục Phòng vệ thương mại trong suốt quá trình của vụ việc.

Kiến nghị gỡ khó cho doanh nghiệp

Một mấu chốt quan trọng của mặt hàng tôm nuôi là vấn đề giống. Nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất đạt chất lượng, giảm giá thành sản xuất, VASEP kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm soát chất lượng con giống tôm nuôi, đảm bảo không có con giống kém chất lượng, dịch bệnh ra thị trường.

Hiện nay, chi phí thức ăn nuôi tôm chỉ chiếm 30-40% chi phí nuôi. Do giá thức ăn tôm cao, hơn 30.000 đồng/kg nên khi tăng 3.000 – 5.000 đồng/kg xem như tăng 10-15%. Ngoài chi phí thức ăn, chi phí điện cũng tăng đáng kể (chiếm 10% chi phí nuôi tôm, đặc biệt đối với nuôi công nghệ cao). Tuy nhiên, giá điện nuôi tôm hiện nay được tính theo giá điện dịch vụ và theo nhiều mức giá khác nhau nên ảnh hưởng đến giá thành nuôi nguyên liệu. VASEP kiến nghị tính điện 1 giá cho cơ sở nuôi tôm.

Nắm bắt cơ hội nhưng thách thức không ít, ngành tôm cần sự chung tay của Chính phủ, chính quyền địa phương, các mắt xích trong toàn chuỗi. Ngành chế biến phải không ngừng tiếp cận xu thế người tiêu dùng, thị trường để có sản phẩm mới đáp ứng kịp thời nhất. Ngành nuôi cần có sự căn cơ hơn, tổ chức sản xuất quy mô lớn hơn nhằm có nền tảng quy hoạch tổng thể khu nuôi mang tính khoa học, hợp lý… Với sự cạnh tranh mạnh từ các nước sản xuất đối thủ, hiện tại ngành tôm nên tập trung vào khâu nuôi nhiều hơn để chất lượng và giá thành ổn định, giúp tăng khả năng cạnh tranh của con tôm Việt Nam.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot