Doanh nghiệp tham gia cuộc đua kinh doanh thực phẩm tươi trên sàn TMĐT

author 10:03 14/11/2021

(VietQ.vn) - Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp gia nhập cuộc đua kinh doanh thực phẩm tươi sống trên sàn TMĐT và thu được kết quả tích cực.

Báo cáo thị trường thương mại điện tử Việt Nam quý III/2021 cho thấy sự "thất thế" của nhóm doanh nghiệp nội so với đối thủ ngoại. Tuy nhiên, điểm sáng là cùng thời điểm, nguồn vốn đầu tư lên đến hàng trăm triệu USD đã được "bơm" thêm cho doanh nghiệp Việt, tiếp thêm nguồn lực cạnh tranh trên một mặt trận rất nóng hậu giãn cách - "cuộc chiến hàng tươi sống".

Cụ thể, trong quý III/2021, lượng truy cập website của top 4 sàn thương mại điện tử đa ngành cho thấy 2 cái tên ngoại tiếp tục nới rộng khoảng cách với doanh nghiệp Việt.

Thậm chí Sendo bị sụt giảm 40% lượng truy cập so với quý trước. Dù vậy mới đây Tiki vẫn nhận được vòng vốn đầu tư lớn lên đến gần 260 triệu USD. Theo đại diện sàn, một phần lý do là doanh nghiệp đã chứng minh được với nhà đầu tư về năng lực bán hàng tươi sống trực tuyến ngay trong tâm dịch. Để bán được hàng tươi sống trên thương mại điện tử, doanh nghiệp phải thuê 4 chiếc container làm thành kho lạnh lưu động để bảo quản. Nhiệt độ luôn phải duy trì ở mức -18 độ C mới có thể bảo quản được chất lượng của mặt hàng thịt cá.

Dịch bệnh COVID-19 đã thúc đẩy nhu cầu ngành hàng bách hóa, thực phẩm tươi sống trên thương mại điện tử lên gấp 2 - 3 lần. Ảnh minh hoạ
 

Với nguồn vốn đầu tư mới lên đến gần 260 triệu USD, doanh nghiệp thương mại điện tử cho biết sẽ tiến tới xây dựng hẳn những kho lạnh riêng có quy mô để mặt hàng tươi sống trở thành lợi thế cạnh tranh.

Bối cảnh dịch đã thúc đẩy nhu cầu ngành hàng bách hóa, thực phẩm tươi sống trên thương mại điện tử lên gấp 2 - 3 lần giúp các sàn nội phát huy lợi thế. Điển hình như nhóm sàn của doanh nghiệp bưu chính, vốn có sẵn mạng lưới logistics, đã vận chuyển được cả nghìn tấn nông sản cho người dân. Nhờ đó lượng truy cập website quý 3 tăng mạnh 40 - 70%. Hậu giãn cách đây là ngành hàng mà doanh nghiệp Việt có thể tạo ra khác biệt so với các đối thủ ngoại.

Trong cùng diễn biến, trước thực trạng nhiều doanh nghiệp mở rộng kinh doanh trên sàn TMĐT, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) cho biết, phát triển TMĐT là xu thế tất yếu trong hoạt động thương mại, kinh doanh xuất nhập khẩu. Từ năm 2014 đến 2020 tốc độ tăng trưởng TMĐT xuyên biên giới toàn cầu tăng 17-41% với giá trị 1.250 tỷ USD, trong khi các dự đoán trước đây chỉ dừng ở con số thấp hơn nhiều.

Điều đó cho thấy, hành vi mua sắm từ trực tiếp chuyển sang trực tuyến đã tăng mạnh ở nhiều thị trường trên thế giới, đặc biệt là từ khi xảy ra dịch COVID-19. 

Tại Mỹ, có đến 68% người mua sắm trực tuyến thuộc nhóm trung bình và cao. Còn tại Việt Nam mua sắm trực tuyến phần lớn là người có thu nhập trung bình. Nhưng gần đây, số lượng người mua hàng giá trị cao trên TMĐT cũng ngày càng nhiều như xe máy, xe hơi, sản phẩm nghe nhìn… Điều này cũng từng bước tạo niềm tin mua sắm TMĐT đối với người tiêu dùng.

Theo đại diện Công ty CP Tiki, trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, doanh số Tiki đã tăng mạnh, trong đó có phần đóng góp rất lớn của một lĩnh vực mới toanh đó là hàng tươi sống. Lúc đầu, Tiki kết hợp với siêu thị, doanh nghiệp… để giao hàng, nhưng sau đó thấy nhu cầu đặt hàng của người tiêu dùng quá lớn nên Tiki đã chủ động nhập các mặt hàng rau củ, trái cây, hải sản… về để bán.

Với xu thế phát triển của TMĐT, ông Trần Ngọc Thái Sơn, Tổng Giám đốc công ty CPTiki cho rằng, nhiệm vụ cuả doanh nghiệp là phục vụ khách hàng. Vậy doanh nghiệp có 2 sự lựa chọn: “Khách hàng tới tôi” hoặc “Khách hàng ở đâu tôi tới”.

Tuy nhiên, với xu hướng TMĐT phát triển như hiện nay thì doanh nghiệp phải quan tâm khách hàng hơn. Bởi, bán hàng online có nhiều lựa chọn cho doanh nghiệp như: bán trên facebook , tiktok, Zalo, website… và việc thanh toán, giao hàng ngày càng tốt hơn và đặc biệt là chi phí thấp.

Chẳng hạn, trung bình 1 doanh nghiệp đưa hàng vào siêu thị chi phí 30-50%, chi phí thuê mặt bằng 15-20%, trong khi chi phí cho sàn TMĐT (bao gồm giao) hàng dưới 15%, có nhiều sàn TMĐT 5%, 2%, 1% thậm chí 0% nhưng tính chi phí bắt buộc như chi phí thanh toán thẻ tín dụng 2%. Bán hàng trên sàn TMĐT cũng hiệu quả hơn nhiều và tiếp cận với khách hàng nhiều hơn.

Nói về TMĐT xuyên biên giới thì phải nói đến 2 người “khổng lồ” là Amazon (Trung tâm bán lẻ TMĐT lớn nhất thế giới) và Alibaba (Trung tâm bán sỉ TMĐT lớn nhất thế giới). Tại Việt Nam, Amazon đã xây dựng đội ngũ để hỗ trợ DN Việt Nam bán hàng sang các thị trường thế giới. DN Việt Nam chỉ đưa hàng đến kho Amazon, mở tài khoản trên Amazon. Những vấn đề còn lại là nhân viên Amazon thực hiện, bán hàng và thu tiền cho DN.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng phân tích, hiện các sản phẩm ưa chuộng và bán chạy nhất của doanh nghiệp Việt Nam trên Amazon là mây, tre, chiếu cói, lục bình,đồ dùng nhà bếp… Các sản phẩm khi đưa lên Amazone sẽ có các tiêu chuẩn khắc khe về sản xuất, chất lượng, hình ảnh sản phẩm… Ông nghĩ doanh nghiệp bán lẻ trên Amazon được thị trường Mỹ chấp nhận thì tên tuổi và hình ảnh sẽ được thị trường toàn cầu chấp nhận. 

Diệu Hương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang