Doanh nghiệp Việt cứ nghe thấy kiện là hoang mang

author 06:35 07/11/2015

(VietQ.vn) - “Doanh nghiệp nghe thấy kiện, điều tra là bắt đầu ‘khớp’, hoang mang, e ngại, dù rằng đây chỉ là một vấn đề hành chính”.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tôn Hoa Sen Vũ Văn Thanh đã nhấn mạnh như trên, khi tham dự Hội thảo “Kinh nghiệm ứng phó và sử dụng hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại, nhằm bảo vệ sản xuất trong nước” vừa được tổ chức ở TP.HCM ngày 6/11.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Phương Nam – Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái, các nước đang tăng cường các biện pháp bảo vệ nền sản xuất trong nước bằng nhiều biện pháp phòng vệ trong thương mại, thì các doanh nghiệp Việt phải chuẩn bị đầy đủ các công cụ để ứng phó trong bối cảnh hội nhập.

Trong thời gian gần đây, nhiều mặt hàng của Việt Nam xuất đi các nước đã bị đe dọa kiện chống bán phá giá, áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại. Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, nếu trước năm 2005, Việt Nam chỉ có 14 vụ kiện chống bán phá giá, thì từ năm 2005 đến tháng 10/2015 có tới 44 vụ kiện. Chỉ tính từ đầu năm 2015 cho tới nay đã có 14 vụ kiện chống bán phá giá.

Các nước không chỉ kiện đơn lẻ, mà kiện thành chùm nhiều nước cùng khởi kiện cùng 1 lúc, kiện cả chống bán phá giá và kiện cả trợ cấp, dễ dẫn đến chúng ta sẽ bị đánh trùng thuế.

                                                 Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh Nguyễn Phương Nam phát biểu tại Hội thảo - ảnh: H.T

Các vụ kiện chống bán phá giá của chúng ta hầu hết đều nhằm vào các mặt hàng là thị trường xuất khẩu chủ lực, sử dụng nhiều lao động, sản xuất đồng loạt, giá trị gia tăng không cao. Ngoài ra, còn có một điều bất lợi là hàng hóa bị kiện chống bán phá giá của Việt Nam thường bị gắn liền với hàng hóa xuất cùng loại của nhiều nước có kim ngạch xuất khẩu lớn.

Ông Nguyễn Phương Nam cho rằng, nguyên nhân là do quá trình tự do hóa thương mại ngày càng sâu rộng, lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào các nước ngày càng tăng. Nếu doanh nghiệp Việt bị kiện chống bán phá giá sẽ rất chật vật để đối phó, năng lực cạnh tranh và kim ngạch xuất khẩu đều giảm, nguy cơ mất thị trường lớn.

Còn khi doanh nghiệp quay về lại thị trường hàng hóa trong nước, thì cũng đã bị hàng hóa của nước ngoài chiếm lĩnh.

Chính vì vậy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tôn Hoa Sen Vũ Văn Thanh chia sẻ: “Các doanh nghiệp nghe thấy kiện, điều tra là bắt đầu ‘khớp’, hoang mang, e ngại, dù rằng đây chỉ là một vấn đề hành chính”.

                                                  Quang cảnh buổi Hội thảo vừa được tổ chức trong ngày 6/11 tại TP.HCM - ảnh: H.T

Đại diện cho lãnh đạo Tập đoàn Tôn Hoa Sen đã đưa ra dẫn chứng, năm ngoái, Úc áp dụng một vụ kiện chống bán phá giá đối với mặt hàng tôn kẽm nhập khẩu đến từ Việt Nam. Tuy nhiên, khi Tôn Hoa Sen cử đại diện sang tận Úc, trả lời một bản câu hỏi của phía Úc. Tiếp nữa, Úc còn cử Thương vụ sang ta thẩm tra số liệu mất gần 1 năm. Cuối cùng, kết quả mà Tôn Hoa Sen nhận được là không có bán phá giá, không vi phạm các quy định của Tổ chức thương mại Thế giới.

Do vậy, ông Vũ Văn Thanh đã khuyên các doanh nghiệp là cứ thẳng thắn đối mặt với các vụ phòng vệ thương mại của nước ngoài, nếu có kiện chống bán phá giá thì sẵn sàng đối diện để bảo vệ sản xuất của mình, không cần phải e ngại.

Kết luận vấn đề này, ông Nguyễn Phương Nam đã đưa ra khuyến cáo: Các doanh nghiệp Việt cần phải nâng cao hiểu biết về phòng vệ thương mại để bảo vệ mình, chủ động thu thập thông tin về các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài, cũng như là các nhà sản xuất trong nước, tăng cường sự phối hợp giữa các doanh nghiệp trong cùng 1 ngành, sẵn sàng tham vấn các cơ quan điều tra về áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại khi cần thiết.

Nhiều chuyên gia về kinh tế tham dự Hội thảo cũng cho rằng, cần phải nâng cao hơn nữa vai trò của các Hiệp hội. Bởi lẽ, đây chính là cầu nối hữu ích nhất giữa doanh nghiệp và Chính phủ. Tại nhiều nước phát triển, Hiệp hội chính là nguyên đơn để khởi kiện, yêu cầu Chính phủ phải áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, nhưng vai trò Hiệp hội ở Việt Nam còn khá lu mờ.

Hà Trang

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang