Độc tố chứa trong một số loài cua biển có thể gây chết người
Hiện thực hóa ý tưởng của các startup Việt
Sắp diễn ra Triển lãm các sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo Hà Nội 2024
BMW triệu hồi mẫu xe X1 2025 vì lỗi tấm gia cố trụ B
Mới đây, tại Đà Nẵng, Thanh Hóa, Hải Phòng... một vài trường hợp ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng đã được ghi nhận liên quan đến việc ăn phải cua hạt, cua mặt quỷ.
Nạn nhân đã trải qua các triệu chứng nguy cấp như nôn mửa, huyết áp bất ổn và liệt cơ, suy hô hấp sau khi ăn cua đã được nấu chín.
Các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra sự hiện diện của ít nhất ba loài cua biển cực độc tại các vùng biển Việt Nam; đáng chú ý là cua mặt quỷ, cua mảng cầu và cua hạt. Các loài cua này có môi trường sinh sống tập trung chủ yếu thuộc các vùng biển miền Trung và Nam Trung bộ.
Theo phân tích y khoa, thịt và trứng các loài cua này chứa độc tố thần kinh mạnh như Tetrodotoxin, Gonyautoxin và Saxitoxin; những chất độc này có khả năng chịu nhiệt cao nên không bị phân hủy khi nấu chín ở môi trường nhiệt độ sôi bình thường.
Theo chị Dương Thị Tường Vy, ở làng chài Mỹ Khê – Quảng Ngãi, có rất nhiều cua hoặc ghẹ, ốc, cá dân vùng biển chẳng ăn bao giờ vì ngư dân phân biệt được theo kinh nghiệm cha ông truyền lại qua bao đời ngư nghiệp. Nhưng nhiều người không phải dân biển, nhất là du khách, họ không rành nên vẫn ăn, dẫn đến ngộ độc hoặc dị ứng nặng. Ngoài ra, nhiều hải sản vốn không độc nhưng cơ địa người ăn lại dị ứng nặng cũng nguy kịch như một vài loại ốc nếu không biết ăn, ăn xong chảy dãi ngứa ngáy, say sẩm mặt mày.
Theo Viện hải dương học Nha Trang, cua mặt quỷ tên khoa học Zosimus aeneus với độc tố saxitonin. Độc chủ yếu nằm trong thịt, trứng và nhiều nhất nằm trong thịt càng và chân cua. Một người ăn chỉ 0,5g (1 thìa cà phê) thịt càng cua loại này là có thể ngộ độc dẫn đến tử vong.
Sau khi ăn trúng chất độc này, khoảng 10 phút sau có biểu hiện tê đầu lưỡi, tê hai tay và lan xuống chân, suy hô hấp gây khó thở.
Trước đó, trường hợp tương tự, anh ruột ông Cư là ông Phan Văn Chiện cho biết, ông Cư đi ra phía biển gần nhà kéo lưới và bắt về một vài con cua có màu sắc rất sặc sỡ, lạ mắt. Chiều cùng ngày, ông Cư luộc mấy con cua này lên ăn. Sau khi ăn xong, ông cảm thấy trong người mệt mỏi và đi ngủ. Đến chiều tối, ông Cư tỉnh giấc và bị nôn mửa liên tục. Người thân phát hiện và đưa ông đi cấp cứu tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng.
Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ nhận định, ông Cư bị trúng độc sau khi ăn cua lạ. Đây là ca bệnh nặng nên các bác sĩ phải siêu lọc máu và bệnh nhân được chuyển đi cấp cứu tại đơn vị điều trị tích cực (ICU) của Bệnh viện Đà Nẵng. Nhưng không may, bệnh quá nặng nên ông Cư đã tử vong cùng ngày.
“Chúng tôi đi biển hay gặp loại cua này, nhìn màu sắc sặc sỡ. Ở các chợ hải sản chưa bao giờ bán loại cua này nên mỗi lần gặp thì thường vứt bỏ. Hôm ấy, chú Cư ăn 2-3 con cua gì đó, còn lại mấy con để trong tủ lạnh nhưng sau đó chúng tôi lấy đi vứt”, ông Chiện cho biết.
TS. Lâm Quốc Hùng – Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế từng chia sẻ trước đây rằng hầu hết các loại ốc, cá được sử dụng làm thực phẩm, tuy nhiên, có một số loại sinh vật có thể gây hại cho sức khỏe con người do chứa độc tố có thể gây ngộ độc nặng và khiến người sử dụng nguy kịch tới tính mạng.
Được biết, độc tố trong cua mặt quỷ có 3 độc tố chính, trong đó có Saxitoxin và Tetrodotoxin. Đặc biệt, các loại độc tố này không bị phân hủy ngay cả khi chế biến nhiệt độ cao. Do đó, sau khi bị ngộ độc, chỉ sau 30 phút đến 8 giờ thì tùy thuộc vào mức độ ngộ độc nặng hay nhẹ mà người bệnh sẽ bị suy hô hấp cấp, truy tim mạch và tử vong nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời.
Một số chuyên gia khuyến cáo rằng chưa có thuốc giải đặc hiệu do nguyên nhân gây ra ngộ độc từ độc tố Saxitoxin và Tetrodotoxin. Do đó, nếu người sử dụng ăn phải các loại độc tố này cần nhanh chóng kích thích nôn, rửa dạ dày và uống than hoạt tính để thải bớt chất độc ra khỏi cơ thể. Người bị ngộ độc cần nhanh chóng được đưa tới bệnh viện để điều trị kịp thời.
Thanh Hiền (t/h)