Kinh phí làm chương trình, SGK: Sao lãnh đạo Bộ GD lại mâu thuẫn?

author 14:42 25/04/2014

(VietQ.vn) - “Về kinh phí cho đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa, tại sao giữa Bộ trưởng và Thứ trưởng lại có những lý giải mâu thuẫn như vậy? Không phải nghiễm nhiên mà báo chí lại có con số 34.000 tỷ đồng”.

Bà Ngô Thị Minh (ảnh), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đặt vấn đề tại phiên họp toàn thể của Ủy ban lần thứ  sáu, 25/4.

Ngay đầu phiên họp, các đại biểu đều không khỏi bất ngờ khi Bộ GD-ĐT gửi văn bản đề nghị Ủy ban  rút nội dung thảo luận về Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo dục phổ thông ra khỏi chương trình làm việc.

Lý do mà Bộ GD đưa ra là bởi việc hoàn thiện và thẩm định bộ hồ sơ  trước khi gửi sang Ủy ban thường vụ Quốc hội cần phải có thời gian, nên không thể kịp hoàn thành để phục vụ cho phiên họp ngày 25/4.

Mặc dù vậy, câu chuyện về chương trình đổi mới sách giáo khoa vẫn được nhiều đại biểu nhắc tới. Cụ thể là số kinh phí thực hiện chương trình.

Theo đó, bà Ngô Thị Minh đã nhắc lại diễn biến cho thấy những phát ngôn “mâu thuẫn” với nhau giữa Thứ trưởng và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Cụ thể tại buổi họp với Thường vụ Quốc hội vừa qua, về kinh phí thực hiện đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Để xây dựng chương trình và SGK, dạy thử nghiệm và đại trà... sẽ cần 34.275 tỷ đồng. Đó là chưa kể tiền xây dựng cơ sở vật chất ở những trường chưa đủ điều kiện…”.

Tuy nhiên, trong chương trình Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời cuối tuần qua, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận lại phú nhận con số trên.

“Vào những ngày UBTVQH tổ chức cuộc giải trình này, tôi phải đi công tác nước ngoài trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục các nước ASEAN nên không thể tham gia trực tiếp. Nếu cần phải có đến 34.000 tỷ đồng chỉ để biên soạn chương trình SGK mới thì tôi cũng không đồng tình, cũng là lãng phí, phi lý”, Bộ trưởng Luận nói.

Trước những phát ngôn trên, bà Minh cho biết cử tri hiện đang thắc mắc tại sao lãnh đạo bộ lại đưa ra quan điểm mâu thuẫn chỉ trong một thời gian ngắn như vậy?

“Về nguyên tắc, khi Bộ trưởng đi vắng đã ủy quyền cho thứ trưởng, cũng có nghĩa thứ trưởng sẽ là người chịu trách nhiệm về phát ngôn của mình. Không phải nghiễm nhiên mà báo chí lại có con số 34.000 tỷ đồng. Tôi được biết, trong đề án tuy Bộ GD-ĐT không nhắc đến kinh phí song khi  các thành viên trong Thường vụ Quốc hội yêu cầu thì Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển mới  trả lời như vậy.

Dù câu trả lời trên  không đáp ứng yêu cầu thì Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng không nên phủ nhận như vậy trên đài truyền hình. Điều này khiến cử tri cảm thấy sự không nhất quán trong nội bộ lãnh đạo của Bộ GD-ĐT”, bà Minh nói.

Về phần mình, bà Ngô Thị Minh nhận định, Bộ GD-ĐT nên tạm dừng đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

“Tôi nhận được rất nhiều ý kiến của cử tri cho rằng tình hình giáo dục của nước ta đang còn rối bời chưa xong chương trình này đã tới chương trình khác. Tại sao Bộ GD-ĐT lại không mổ xẻ sửa chữa những lỗi, khiếm khuyết trong chương trình hiện tại mà cứ bắt con em phải chạy theo đến mệt mỏi. Cử tri không đồng tình thay đổi sách giáo khoa, mà thay vào đó Bộ GD-ĐT nên chú trọng khâu thẩm tra sách tham khảo, bởi hiện nay thị trường loại sách này đang bị lợi dụng gây nhiễu loạn cho học sinh và phụ huynh”, bà Minh nói.

Hoàng Vũ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang