Đồng loạt triển khai các hoạt động thúc đẩy thực hiện Đề án về truy xuất nguồn gốc

author 17:42 27/07/2019

(VietQ.vn) - Thực hiện nhiệm vụ xây dựng, triển khai, ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thống nhất trong cả nước, thời gian qua, Trung tâm MSMV Quốc gia (NBC) đã ‘bắt tay’ triển khai hoạt động này.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Theo đó, công tác hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa đã được đẩy mạnh thông qua hàng loạt các hoạt động cụ thể như: Thành lập Ban kỹ thuật tiêu chuẩn Quốc gia về Mã số Mã vạch với mục tiêu thực hiện các nhiệm vụ xây dựng TCVN, QCVN trong Đề án 100. Trong năm 2019, Trung tâm đang triển khai xây dựng 03 dự thảo TCVN và 01 dự thảo QCVN về truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau, quả.

  Dự thảo QCVN về truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau, quả đang được xây dựng.

Theo ông Bùi Bá Chính, Phụ trách Trung tâm NBC, để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, triển khai, ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thống nhất trong cả nước, đến nay Trung tâm đã gửi công văn của Bộ KH&CN gửi Sở KH&CN tại 63 tỉnh thành hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án 100; phối hợp cùng các chi cục TCĐLCL thúc đẩy hoạt động truy xuất nguồn sản phẩm của các DN ở địa phương;

Tính đến thết tháng 7/2019, đã hướng dẫn xây dựng kế hoạch triển khai Đề án 100 cho các tỉnh như: Bắc Giang, Hà Giang, Sơn La, Thái Nguyên, Bình Dương, Hậu Giang, Trà Vinh, Bình Phước, Đồng Tháp, Lâm Đồng…

Triển khai các hoạt động truy xuất nguồn gốc tại các tỉnh thành như phối hợp với Sở KH&CN tỉnh Thái Nguyên về việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm chè; triển khai dự án thí điểm áp dụng Hệ thống truy xuất nguồn gốc với Công ty TNHH Sữa Đà Lạt tại tỉnh Lâm Đồng đồng thời triển khai thí điểm truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của huyện Lạc Dương như: a-ti-sô, nấm hương và cà chua thân gỗ.

Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc

Nhằm định hướng cho năm 2020 với mục tiêu đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc, Trung tâm đã xúc tiến tìm hiểu các quy định và hướng dẫn của pháp luật để thực hiện xây dựng tài liệu hướng dẫn truy xuất nguồn gốc cho các nhóm sản phẩm hoa quả xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Cụ thể mới đây, thông qua ký kết hợp tác giữa NBC và Tập đoàn Chứng nhận và Kiểm định Trung Quốc (CCIC) đã đạt thỏa thuận hợp tác xây dựng và khai thác Hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc.

 Các hoạt động hợp tác quốc tế được NBC đẩy mạnh nhằm thúc đẩy hoạt động truy xuất nguồn gốc được triển khai nhanh chóng.

Qua đó, hai bên thống nhất NBC sẽ xây dựng Hệ thống truy xuất nguồn gốc để kết nối với hệ thống chung của CCIC; đồng thời thúc đẩy hải quan hai bên công nhận toàn diện kết quả truy xuất nguồn gốc lẫn nhau, thực hiện thuận tiện giao dịch thương mại.

Theo lãnh đạo NBC, không chỉ thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc, thời gian qua, NBC cũng đã kết nối và đàm phán với GS1 Thái Lan, đồng ý phối hợp GS1 Việt Nam thực hiện cùng xin tài trợ để phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc chung cho 4 nước sông Mê Kông: Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia. Nội dung chủ yếu về đào tạo, tập huấn, xây dựng, kết nối dữ liệu và thừa nhận kết quả lẫn nhau trong khu vực.

Bên cạnh đó NBC cũng đạt thỏa thuận với GS1 Hồng Kông sẽ cùng GS1 Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác về truy xuất nguồn gốc, xúc tiến hợp tác triển khai Nền tảng Eztrack. Nội dung hợp tác chủ yếu về việc phát triển tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc, tăng cường nhận thức và hỗ trợ xây dựng nền tảng truy xuất nguồn gốc phục vụ cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Hồng Kông, Trung Quốc.

Hiện, NBC cũng đã có kết nối và đàm phán với GS1 Malaysia, GS1 Nhật Bản đạt thỏa thuận sẽ hỗ trợ đào tạo, tập huấn và bồi dưỡng nghiệp vụ cho GS1 Vietnam về dịch vụ kiểm tra chất lượng mã số mã vạch, tiến tới có thể đạt thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau kết quả kiểm tra và phối hợp xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về phân loại sản phẩm.

Ngày 19/01/2019, tại Quyết định số 100/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc. Đề án nhằm hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, văn bản, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa.

Năm giải pháp đã được đề cập trong Đề án 100 bao gồm:
1. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
2. Xây dựng, triển khai, ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thống nhất trong cả nước.
3. Nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động truy xuất nguồn gốc.
4. Thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế trong truy xuất nguồn gốc.
5. Thiết lập, xây dựng, vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia

 

Việt Nam - Trung Quốc thúc đẩy hợp tác truy xuất nguồn gốc cho hàng hóa xuất khẩu(VietQ.vn) - Trung tâm Mã số, mã vạch Quốc gia (NBC) và Tập đoàn CCIC Trung Quốc ký thỏa thuận hợp tác thực hiện Truy xuất nguồn gốc trên các sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Thanh Uyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang