Tình hình Biển Đông ngày 10/11: “Giấc mơ châu Á – Thái Bình Dương” của Tập Cận Bình

author 06:42 10/11/2014

(VietQ.vn) - Tình hình Biển Đông liên tục tăng nhiệt do những hành động gây hấn của Trung Quốc là minh chứng rõ ràng và tiêu biểu nhất cho cái gọi là “Giấc mơ châu Á – Thái Bình Dương” của ông Tập Cận Bình.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất trên báo chí, trong một bài phát biểu gần đây tại Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình đã đề cập đếnề tầm nhìn của Trung Quốc cho một "giấc mơ châu Á - Thái Bình Dương", gợi đến "giấc mơ Trung Quốc" mà ông thường nêu ra.

Tại buổi khai mạc Hội nghị thượng đỉnh các Tổng giám đốc, diễn ra ở Bắc Kinh, trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, “Chúng ta có trách nhiệm tạo dựng và hiện thực hóa một giấc mơ châu Á-Thái Bình Dương cho người dân sống trong khu vực.” Theo ông, đó là giấc mơ "lấy nền tảng từ vận mệnh chung của tất cả các nước trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương".

Tình hình Biển Đông ngày 10/11: Bản đồ lưỡi bò, giàn khoan Hải Dương 981 là 2 trong số nhiều động thái gây hấn của Trung Quốc ở biển Đông

Tình hình Biển Đông ngày 10/11: Bản đồ lưỡi bò, giàn khoan Hải Dương 981 là 2 trong số nhiều động thái gây hấn của Trung Quốc ở biển Đông. Ảnh minh họa

Đồng thời, ông Tập cũng cho hay Trung Quốc sẽ tập trung "xử lý tốt các vấn đề của riêng mình" trong khi vẫn tìm cách "mang tới nhiều lợi ích hơn cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới". Được biết, Bắc Kinh được kỳ vọng đầu tư khoảng 1,25 nghìn tỷ USD ra nước ngoài trong 10 năm tới. "Đối với châu Á - Thái Bình Dương và thế giới nói chung, sự phát triển của Trung Quốc sẽ tạo ra cơ hội và lợi ích vô cùng lớn", ông Tập nói.

Cũng theo lời ông Tập Cận Bình, "Khi sức mạnh tổng thể của Trung Quốc gia tăng", nước này sẽ sẵn sàng đem tới "những sáng kiến và tầm nhìn mới nhằm tăng cường hợp tác trong khu vực", "Trung Quốc muốn sống hòa hợp với tất cả các nước láng giềng". Tuy nhiên trên thực tế, Bắc Kinh hiện tại đang vướng vào tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản tại các đảo trên biển Hoa Đông, và một số nước khác ở Biển Đông, nơi có vị trí chiến lược quan trọng.

Mới đây nhất, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản báo cáo, gần 200 tàu cá Trung Quốc tình nghi khai thác trái phép san hô đỏ sau khi tránh bão và rời khỏi duyên hải Nhật Bản vào tối ngày 6/11, một bộ phận tàu cá lại quay trở lại khu vực xung quanh quần đảo Bonin, Nhật Bản. Sáng sớm ngày 7/11, lực lượng này đã xác nhận số lượng tàu cá quay lại trên 100 chiếc. Trước tình hình này, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản tiếp tục tăng cường tàu tuần tra cảnh giới ở hiện trường, đồng thời hợp tác với tàu điều tra của cơ quan thủy sản và Tokyo, tiến hành giám sát 24/24. 

Tình hình Biển Đông ngày 10/11: Trung Quốc bị tố dùng tàu cá quy mô lớn xâm phạm lãnh hải Nhật Bản

Tình hình Biển Đông ngày 10/11: Trung Quốc bị tố dùng tàu cá quy mô lớn xâm phạm lãnh hải Nhật Bản. Ảnh Giáo Dục

Đối với việc xuất hiện tàu cá Trung Quốc nhiều như vậy, dư luận Nhật Bản vô cùng lo ngại. Hầu như tất cả đài truyền hình đều đưa tin về hình ảnh tàu cá Trung Quốc trên biển, nhiều phương tiện truyền thông chủ yếu đã cử phóng viên đến các khu vực như Phúc Kiến để phỏng vấn, làm rõ phương thức đánh bắt, khai thác của ngư dân Trung Quốc lạc hậu và phá hoại môi trường như thế nào. Có phóng viên còn đến quần đảo Bonin, phỏng vấn người dân trên đảo kể về hoạt động của tàu cá Trung Quốc.

Trong khi đó, báo Trung Quốc lại cho rằng, do “thiếu hiểu biết” về Trung Quốc, có ngư dân trên đảo nói trước ống kính truyền hình rằng, rất lo ngại tàu cá Trung Quốc lén lút xâm nhập lên đảo, đồng thời gây những thương tổn cho con cái trong gia đình. Đối với vấn đề này, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản ngày đêm cử lực lượng cảnh giới lên đảo, tăng cường tuần tra và tăng thêm nhân viên để tăng cường khả năng cảnh giới trên đảo.

Thậm chí, tờ "Sankei Shimbun" Nhật Bản còn cho rằng: "Đoàn tàu cá Trung Quốc là đội tiền trạm của Hải quân Trung Quốc, mục đích là quấy rối chuỗi đảo thứ hai". Theo bài báo, những tàu cá này của Trung Quốc đã tạo ra mối đe dọa đối với các hòn đảo của Nhật Bản, xâm phạm ồ ạt "là để gây bất ổn cho lãnh thổ, lãnh hải của Nhật Bản".

Trước đó, giáo sư Yoshihiko Yamada, Đại học Hoa Đông (Tokai University), Nhật Bản trả lời phỏng vấn đài TV Asahi cho rằng, đây là hành động có ý đồ của Chính phủ Trung Quốc, mục đích là thông qua lượng lớn tàu cá để do thám năng lực cảnh giới trên biển của Nhật Bản.

Trung Quốc thường xuyên có những động thái làm tăng nhiệt tình hình Biển Đông và Hoa Đông

Trung Quốc thường xuyên có những động thái làm tăng nhiệt tình hình Biển Đông và Hoa Đông. Ảnh minh họa

Theo tờ "Mainichi Shimbun" Nhật Bản, vấn đề khai thác trộm san hô ở vùng biển xung quanh quần đảo Bonin ngày càng nghiêm trọng, Chính phủ Nhật Bản quyết định tăng cường quy định trừng phạt đối với việc khai khác trái phép, đồng thời tranh thủ thông qua dự luật sửa đổi liên quan tại Quốc hội khóa này. Hiện nay, Nhật Bản quy định, người nước ngoài nếu vi phạm luật này, sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu yên trở xuống, nếu bị bắt với tội danh này, giao nộp khoản tiền vài triệu yên là có thể được thả.

Tuy nhiên, không ít ý kiến tỏ ra không hài lòng với những biện pháp này, thậm chí kiến nghị sử dụng vũ lực. Tờ "Sankei Shimbun" dẫn lời một cựu quan chức Lực lượng Phòng vệ Biển cho rằng, ngoài hành động liên hợp của Lực lượng Phòng vệ và Lực lượng Bảo vệ bờ biển, còn phải xem xét sử dụng lực lượng cơ động.

Nội bộ Đảng Tự do Dân chủ (LDP) cũng yêu cầu Chính phủ ra mệnh lệnh hành động cảnh giới trên biển, để Lực lượng Phòng vệ điều động ứng phó tàu cá Trung Quốc. Cựu Cục trưởng Bảo đảm an ninh Atsuyuki Sassa cũng nói trên truyền hình rằng, đề nghị Nhật Bản xây dựng Luật cảnh giới lãnh hải và nới lỏng hạn chế sử dụng vũ khí cho nhân viên bảo đảm an ninh trên biển.

Minh Thùy (tổng hợp từ Vnexpress, Giáo Dục)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang