Chuyên gia khuyến cáo: Đông trùng hạ thảo nuôi cấy đơn giản tiềm ẩn hóa chất độc hại

author 10:41 09/08/2022

(VietQ.vn) - Đông trùng hạ thảo được coi là một loại biệt dược quý, có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên hiện nay trên thị trường bán rất nhiều loại Đông trùng hạ thảo với giá rẻ người tiêu dùng nên cẩn trọng.

Quy trình nuôi cấy Đông trùng hạ thảo rất khắt khe, bài bản

Đông trùng hạ thảo là vị thuốc đông y nổi tiếng về cả tác dụng và giá trị của nó trên thị trường. Tác dụng của đông trùng hạ thảo đã được chứng minh ở cả lý thuyết và thực tiễn. Đặc biệt, ở những quốc gia có nền y học cổ truyền phát triển mạnh như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc…, Đông trùng hạ thảo được sử dụng rộng rãi để chữa bệnh và hỗ trợ điều trị cho nhiều căn bệnh khác nhau cũng như dùng để bồi bổ, nâng cao sức khoẻ cho con người.

Đông trùng hạ thảo còn là loại dược liệu được công nhận trong nhiều tài liệu y học trên thế giới. Đây là một dạng cộng sinh giữa một loài nấm túi có tên Đông trùng hạ thảo – tên khoa học là Cordyceps sinensis (Berk.) Sacc. với sâu non (ấu trùng) của một loài côn trùng thuộc chi Hepialus. Thường gặp nhất là sâu non của loài Hepialus armoricanus. Ngoài ra còn 40 loài khác thuộc chi Hepialus cũng có thể bị Cordyceps sinensis ký sinh.

TS. Phạm Văn Nhạ, Viện Nghiên cứu Thảo dược Việt Nam là người nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu và làm chủ nhiều quy trình nhân nuôi Đông trùng hạ thảo. TS. Nhạ cho biết, hiện ở các diễn đàn mạng xã hội, người ta đăng bán những loại Đông trùng hạ thảo có giá rất rẻ, chỉ vài trăm ngàn đồng/kg khô. Điều này là không tưởng đối với nấm Đông trùng hạ thảo được nuôi cấy bài bản với công nghệ và kỹ thuật cao và đòi hỏi rất khắt khe để duy trì sự phát triển của Đông trùng hạ thảo.

Theo TS Nhạ, hiện có hai cách để nhân nuôi cấy Đông trùng hạ thảo là nuôi trên vật chủ là nhộng tằm và lên men xốp, hay còn gọi là nuôi trên giá thể. Với cách 1, từ khi con nhộng tằm còn đang sống đã được phun bào tử nấm Đông trùng hạ thảo lên. Bản chất của bào tử nấm Đông trùng hạ thảo này là chúng bán ký sinh.

Ban đầu chúng gây bệnh lên côn trùng, khi hệ sợi của chúng phát triển sẽ sản sinh ra enzym giết chết vật chủ và chuyển sang pha hoại sinh, nghĩa là sử dụng dinh dưỡng của vật chủ phát triển nốt vòng đời của mình. Từ thời điểm nhiễm nấm đến lúc có quả thể nấm để thu hoạch kéo dài từ 90-105 ngày. 

 Đông trùng hạ thảo chất lượng được nuôi cấy với công nghệ và kỹ thuật khắt khe, bài bản. Ảnh minh họa

Quá trình nuôi cấy này trải qua hai giai đoạn là pha tối và pha sáng. Ban đầu, nhộng tằm được nuôi ở pha tối (giống như giai đoạn nấm ngoài tự nhiên mọc ở dưới đất trước khi chui lên khỏi mặt đất). Trong pha tối, nấm bắt đầu xâm nhập vào con tằm khiến côn trùng nhiễm nấm. Khi sợi nấm phát triển, ăn toàn bộ mô của con tằm thì hoàn thành pha này, thời gian khoảng 10-14 ngày.

Ở pha sáng, tằm được nuôi trong điều kiện chiếu sáng nửa tối là 12/12, giống như điều kiện tự nhiên, với độ sáng từ 550-700Lux, nhiệt độ 17-19 độ C, độ ẩm 85-90% trong suốt quá trình nuôi. Đây là điều kiện tối ưu để tạo ra Đông trùng hạ thảo, theo TS. Phạm Văn Nhạ.

Với cách nuôi Đông trùng hạ thảo bằng lên men xốp, bào tử nấm sẽ được phun lên giá thể. Giá thể này gồm tằm dâu nghiền và gạo lứt. Giá thể được hấp khử trùng 121 độ C trong khoảng 1 tiếng và được phun bào tử nấm Đông trùng hạ thảo lên. Sau khâu này, quy trình nuôi cũng trải qua hai pha tối và sáng nêu trên, thời gian, điều kiện nuôi là giống nhau.

Theo TS. Phạm Văn Nhạ, yêu cầu về điều kiện tự nhiên để duy trì sự phát triển ổn định của nấm là rất khắt khe, vì thế việc đầu tư công nghệ khá tốn kém. Nếu chẳng may gặp sự cố về điện hay kỹ thuật nào đó có lỗi, cả một mẻ nuôi lớn có thể bị hủy ngay lập tức. Trong các chi phí để nuôi cấy, chi phí về điện năng là tốn kém nhất bởi phải duy trì nhiệt độ lạnh liên tục trong suốt thời gian trồng nấm. Ngoài ra còn có chi phí về trang thiết bị máy móc, nhân viên kỹ thuật….

"Lợi nhuận của người làm nấm dược liệu Đông trùng hạ thảo rất thấp, nếu không có kiến thức có thể làm hỏng cả mẻ, lỗ nặng. Trong khi thời gian nuôi cấy dài, năng suất thấp…", TS. Nhạ cho biết.

Tuy nhiên hiện nay trên thị trường xuất hiện những địa chỉ bán Đông trùng hạ thảo online, rao bán với giá chỉ vài trăm nghìn đồng/kg. Chất lượng sản phẩm có thực như quảng cáo?

Chỉ khảo sát riêng thị trường online cho thấy, có tới hàng trăm cơ sở bán Đông trùng hạ thảo online, với đủ loại, từ Đông trùng hạ thảo nguyên con, dạng sợi, dạng bột, chế biến thành trà, dạng viên con nhộng… loạn giá bán. Đặc biệt, có shop hàng chào bán dạng sợi 1kg với giá “rẻ như cho”.

Trên lazada chào bán 1kg Đông trùng hạ thảo sấy khô loại ngon, “vàng mềm” của Tây Tạng giá chỉ 366.800đ cùng với quảng cáo “Đông trùng 100% thiên nhiên, không chất bảo quản, không phụ gia, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Trên shopee thì quảng cáo, nấm Đông trùng ngăn ngừa được các loại virus viêm gan B, lao và AIDS xâm nhập vào cơ thể. Sản phẩm có nguồn gốc 100% từ thiên nhiên, không chất bảo quản - chất tạo màu - hương liệu”, giá chỉ từ 170.000 – 320.000đ/kg.

Đông trùng hạ thảo giá rẻ sử dụng quy trình nuôi cấy dễ dàng nhưng độc hại

Liên quan tới Đông trùng hạ thảo giá rẻ bán tràn lan trên mạng, TS. Nhạ chia sẻ, Đông trùng hạ thảo có giá rẻ chỉ vài trăm ngàn đồng/kg khô điều này là không tưởng đối với nấm Đông trùng hạ thảo được nuôi cấy bài bản. Bởi chỉ riêng tiền điện để sấy đông khô 1 kg Đông trùng hạ thảo đã lên đến trên 1 triệu đồng/kg, chưa nói tiền chi phí nuôi, đầu tư máy móc, công nghệ, nhà xưởng….

Vậy loại nấm giá rẻ được rao bán trên các chợ mạng làm bằng gì? Theo TS. Nhạ, nó vẫn là Đông trùng hạ thảo nhưng sử dụng công nghệ tổng hợp hóa chất để tạo ra nấm chứ không phải là nguyên liệu hữu cơ nhộng tằm như chúng ta vẫn biết.

Với công nghệ tổng hợp hóa chất, khi có bào tử nấm, người ta dễ dàng tạo ra Đông trùng hạ thảo giống như thật, nhưng lại rất nguy hại. Bởi quá trình đồng hóa dưỡng chất trong khi nuôi sẽ tồn dư hóa chất độc hại, đặc biệt là những loại hóa chất không tinh khiết, thì rất độc cho con người. Mà hóa chất không tinh khiết, bán trôi nổi có giá chênh lệch hàng trăm lần với hóa chất tinh khiết.

Một điều nữa khi mua Đông trùng hạ thảo là phân biệt được nấm dược liệu và nấm thực phẩm. Quy trình để trồng nấm thực phẩm đơn giản hơn, chỉ 32-40 ngày là cho thu nhập, năng suất cao hơn khoảng 2,5 lần so với nấm dược liệu. Loại nấm thực phẩm phát triển nhanh, thân nấm mập mạp, đầu quả thể tròn, nhũn.

Có thể nhổ dễ dàng ra khỏi giá thể. Khi để ngăn mát tủ lạnh, nấm sẽ bị nhũn, rạp xuống. Còn nấm dược liệu có đầu quả thể vót nhọn, mảnh, nhỏ. Cấu trúc rắn chắc, bấm tay vào thấy cứng, giòn. Để trong tủ lạnh có thể bị khô lại nhưng không bị rạp xuống mà thân nấm luôn cứng.

Cách phân biệt Đông trùng hạ thảo thật hay giả

TS Võ Văn Năm, nguyên Phó trưởng Bộ môn Dược liệu, Trường Đại học Y Dược TPHCM cho biết, Đông trùng hạ thảo nếu đúng là tự nhiên 100% thì chỉ có ở vùng Tây Tạng (Trung Quốc), loại này cực hiếm, được cho là “thiên dược”, có giá hàng tỷ đồng. Nó được cấu tạo gồm 2 phần: nấm và côn trùng. Côn trùng là nơi nấm ký sinh để phát triển. Côn trùng có thể là ấu trùng bướm, ấu trùng ve sầu hoặc là bất kể loại côn trùng nào khác mà nấm có thể ký sinh. Hiện loại Đông trùng hạ thảo tự nhiên trên thị trường chỉ sử dụng ấu trùng bướm, còn những loại khác rất dễ bị ngộ độc thần kinh.

Do đó, để nhận biết Đông trùng hạ thảo thật giả, người mua có thể quan sát qua màu sắc của nấm. Đông trùng hạ thảo nuôi cấy tại Việt Nam dựa trên chủng nấm Cordyceps militaris có màu cam, gần tương tự như Đông trùng hạ thảo Hàn Quốc, sản phẩm thật có sắc cam đậm, rõ ràng hơn do được trải qua quy trình sấy thăng hoa và chiếu xạ ngừa nấm mốc. Còn sản phẩm làm giả có màu sắc nhợt nhạt, sợi nấm xấu và không qua chiếu xạ nên dễ bị nấm mốc. Ngoài ra, để nhận biết được chính xác Đông trùng hạ thảo còn dưỡng chất không, cần phải đem mẫu đi phân tích trong phòng thí nghiệm.

GS. Bùi Công Hiển, Hội Côn trùng học Việt Nam cho biết, loại Đông trùng hạ thảo nuôi cấy ở Việt Nam hiện có rất nhiều đơn vị sản xuất nhưng lại chưa có nghiên cứu chính thức nào về các phân tích sinh hóa và chất lượng của chúng. Từ đó các cơ quan chức năng cũng khó để kiểm tra thành phần dược chất. Còn người tiêu dùng thì như đứng trước ma trận.

Thứ hai là về giá thành, theo GS. Hiển, việc phun nấm Đông trùng hạ thảo lên con nhộng tằm để tạo ra Đông trùng hạ thảo không tốn nhiều kinh phí, nhưng giá Đông trùng hạ thảo lại rất cao là điều bất hợp lý. Người tiêu dùng bỏ tiền triệu ra mua Đông trùng hạ thảo, trong khi chất lượng nó thế nào thì chỉ người bán hàng mới biết được.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang