DongA Bank và PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung: Không liên quan nhưng rất liên quan?

author 07:06 11/09/2019

(VietQ.vn) - Bà Cao Thị Ngọc Dung từng tuyên bố PNJ không liên quan tới DongA Bank, tuy nhiên, soi vào cơ cấu cổ đông của nhà băng này, nhóm người liên quan đến gia đình bà Dung đang chiếm 10,24%, nhóm PNJ chiếm 7,7% vốn điều lệ.

Sự kiện: Doanh nghiệp

Người PNJ vẫn mang đậm dấu ấn DongA Bank

Mới đây, Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) bất ngờ thông báo sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 26/9 để tiến hành Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2019 sau hơn 4 năm kể từ thời diểm Ngân hàng nhà nước (NHNN) đưa nhà băng này vào diện kiểm soát đặc biệt (tháng 8/2015).

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao công bố vào ngày 12/10/2018, vốn điều lệ của DongA Bank tại thời điểm đó là 5.000 tỷ đồng với 100% cổ đông trong nước. Trong đó, cổ đông sáng lập chiếm 13,21% và cổ đông thường chiếm 86,79%.

Cụ thể, nhóm gia đình ông Trần Phương Bình, nguyên TGĐ, Phó chủ tịch HĐQT DongA Bank sở hữu 10,24% vốn điều lệ; nhóm CTCP vàng bạc đá quí Phú Nhuận (PNJ) chiếm 7,7%; nhóm CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 chiếm 12,73%; Văn phòng Thành ủy TP.HCM chiếm 12,79%.

Còn theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2015, tính đến thời điểm 30/6/2015 (số liệu gần nhất trước khi DongA Bank bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt), ông Trần Phương Bình sở hữu 3% vốn.

Dấu ấn lãnh đạo PNJ ở DongA Bank. Ảnh Đức Anh

Vợ ông Bình là bà Cao Thị Ngọc Dung (Chủ tịch HĐQT PNJ) cùng 3 con gái Trần Phương Ngọc Thảo, Trần Phương Ngọc Giao và Trần Phương Ngọc Hà sở hữu tổng cộng 6,676% cổ phần. Ngoài ra, anh và em trai ông Bình cũng sở hữu khoảng 0,027% cổ phần DongA Bank. Em gái bà Dung - bà Cao Thị Ngọc Hồng là người đại diện theo pháp luật của CTCP Vốn An Bình - một cổ đông lớn khác đang nắm giữ 5,4% cổ phần của DongA Bank.

Năm 2018, bà Cao Thị Ngọc Dung đã từ nhiệm chức TGĐ PNJ để tập trung vào vai trò Chủ tịch HĐQT. PNJ bổ nhiệm ông Lê Trí Thông (1979), người cũ tại DongA Bank làm CEO PNJ thay bà Cao Thị Ngọc Dung.

DongA Bank - PNJ và số tiền hơn 395 tỷ chưa thể thu hồi

Chưa kể, PNJ đã rót hơn 395 tỷ đồng vào DongA Bank trong bối cảnh nhà băng này làm ăn kém hiệu quả, thậm chí bị NHNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý II/2015, PNJ đã trích lập dự phòng 55 tỷ đồng cho DongA Bank và lãi sau thuế hợp nhất 6 tháng thu về hơn 175 tỷ đồng.

Tuy nhiên sau soát xét, PNJ đã tăng trích lập dự phòng cho khoản đầu tư vào DongA Bank, nâng số dư khoản trích lập dự phòng rủi ro đầu tư dài hạn tại PNJ từ 55 tỷ lên 141 tỷ đồng, làm tăng chi phí tài chính trong kỳ và kéo giảm lợi nhuận sau thuế hợp nhất xuống còn 107 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước đó.

Điều đáng chú ý, khi chưa thể thu về số tiền đầu tư trên, PNJ tiếp tục đầu tư vào DongA Bank (2017) làm tổng vốn lên tới hơn 395 tỷ đồng. Khoản đầu tư này gấp 1,7 lần lợi nhuận sau thuế quý IV/2018 của PNJ.

Đến quý I/2019, trong báo cáo tào chính, PNJ cũng cho biết những rủi ro mà họ gặp phải trong hoạt động kinh doanh, trong đó khoản trích lập dự phòng 100% đầu tư vào cổ phiếu DongA Bank với số tiền hơn 395 tỷ đồng vẫn còn “mắc kẹt”.

Mới đây ngày 21/4, trả lời các cổ đông tại đại hội cổ đông thường niên 2019, Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung (vợ ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc DongA Bank) cho biết, PNJ không có liên quan gì đến DongA Bank.

Như vậy, có thể thấy giữa DongA Bank và PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung vẫn còn mối quan hệ khăng khít, không chỉ trên phương diện vợ chồng mà còn là “cái bóng” ám ảnh PNJ từ sự thất bại của ông Trần Phương Bình từ việc tìm người kế nhiệm cho đến việc DongA Bank bị kiểm soát đặc biệt.

 Thảo Nguyên (T/H)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang