Đột kích cơ sở san, chiết, nạp lượng lớn LPG trái phép
Mua máy lọc nước, người dùng cần cảnh giác trước những chiêu trò ‘thổi phồng’ sản phẩm
TP. Hồ Chí Minh: Tạm giữ gần 4.600kg vải Canvas không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Vinfast cam kết tại Việt Nam sẽ cung cấp phụ tùng hậu mãi trong 24 giờ
Lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất cơ sở san, chiết, nạp khí LPG trái phép.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh, Đội QLTT số 4 phối hợp với Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp, Phòng Thanh tra - Pháp chế, Phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh Bắc Ninh, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, ma túy, kinh tế - Công an thị xã Thuận Thành kiểm tra đột xuất cơ sở san, chiết, nạp khí LPG của ông P.V.Đ (địa chỉ: Khu vực bãi ven sông Đuống thuộc địa phận khu phố Đạo Tú, phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành).
Vào thời điểm kiểm tra phát hiện 02 xe bồn chứa 12.020 kg LPG, 320 chiếc vỏ bình gas (nhãn hiệu GP PETROL, PETRO Hồng Hà, VENUS PETROL, PETROL Toàn Cầu và Thăng Long PETRO) cùng các phương tiện san, chiết như máy nén khí, vòi san chiết, cân điện tử… để thực hiện san, chiết, nạp LPG vào chai. Ông P.V.Đ - chủ hộ kinh doanh chưa xuất trình được đăng ký kinh doanh, các điều kiện liên quan đến hoạt động kinh doanh khí LPG, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.
Đoàn kiểm tra đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ tang vật, phương tiện vi phạm trên để xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.
LPG là môi chất có tính cháy nổ cao, vì vậy công tác kiểm định an toàn phải được thực hiện nghiêm ngặt nhằm loại bỏ nguy cơ tiềm ẩn, nguy hiểm có thể xảy ra trong quá trình vận hành thiết bị. Bồn chứa khí dầu mỏ hóa hóa lỏng (LPG, CNG, LNG) là thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về van toàn lao động thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công thương. Chỉ những cá nhân, tổ chức được Bộ Công thương chỉ định mới được phép thực hiện công việc này.
Để kiểm soát chất lượng bồn chứa LPG, các cơ quan chức năng cũng đã ban hành nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn như: QCVN 01:2008/BLĐTBXH, Quy chuẩn kiểm định kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động nồi hơi và bình chịu áp lực; QCVN:10-2012/BCT, Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn trạm cấp khí dầu mỏ hóa lỏng; QTKĐ 03:2017/BCT, Quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn lao động bồn chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG); TCVN 8366: 2010, Bình chịu áp lực - Yêu cầu kỹ thuật an toàn về thiết kế, kết cấu, chế tạo; TCVN6155:1996, Bình chịu áp lực - Yêu cầu kỹ thuật an toàn về lắp đặt, sử dụng, sửa chữa; TCVN6156:1996, Bình chịu áp lực. Yêu cầu kỹ thuật an toàn về lắp đặt, sử dụng, sửa chữa, phương pháp thử; TCVN 6008:2010, Thiết bị áp lực - Mối hàn - Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp kiểm tra; TCVN 7441:2004, Hệ thống cung cấp khí dầu mỏ hoá lỏng - LPG tại nơi tiêu thụ - Yêu cầu thiết kế, lắp đặt và vận hành; TCVN 6486:2008, Khí đốt hóa lỏng -LPG. Tồn chứa dưới áp suất - Yêu cầu về thiết kế và vị trí lắp đặt.
Ngoài ra, tùy trường hợp riêng biệt có thể đánh giá chất lượng theo các tiêu chuẩn của nước ngoài nhưng không thấp hơn mức quy định trong nước.
Điều 38 Nghị định 99/2020/NĐ –CP quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm về điều kiện đối với thương nhân kinh doanh mua bán khí như sau:
Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 39 Nghị định 99/2020/NĐ-CP:
Mua, bán khí khi không có giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân kinh doanh mua bán khí hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân kinh doanh mua bán khí đã hết thời hạn hiệu lực hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân kinh doanh mua bán khí đã bị tước quyền sử dụng hoặc bị thu hồi;
Sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân kinh doanh mua bán khí bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung;
Cho thuê, cho mượn hoặc thuê, mượn để sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân kinh doanh mua bán khí.
Ngoài phạt tiền, thương nhân có hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân kinh doanh mua bán khí từ 01 tháng đến 03 tháng.
Thanh Hiền