Dự án FIRST: 'Cú hích' thương mại hóa các nghiên cứu khoa học công nghệ

author 06:52 18/12/2019

(VietQ.vn) - Sau 5 năm triển khai, Dự án FIRST đã trở thành một trong những “kênh” đầu tư hiệu quả của Bộ KH&CN và các bộ, ngành chủ quản để thúc đẩy năng lực khoa học và công nghệ (KH&CN) cho các tổ chức KH&CN công lập theo định hướng thị trường, tự chủ và phát triển bền vững.

Dự án FIRST là dự án đầu tiên Ngân hàng Thế giới (WB) tập trung hỗ trợ Việt Nam thí điểm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST), KH&CN. Qua 5 năm triển khai, đã thu được những kết quả rất đáng khích lệ.

“Kênh” đầu tư hiệu quả

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc, Dự án FIRST là một trong những “kênh” đầu tư hiệu quả của Bộ KH&CN và các bộ, ngành chủ quản để thúc đẩy năng lực KH&CN cho các tổ chức KH&CN công lập theo định hướng thị trường, tự chủ và phát triển bền vững. Dự án FIRST dành nguồn lực để hỗ trợ các tổ chức KH&CN công lập tăng năng lực nghiên cứu bao gồm: tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các phòng thí nghiệm, đào tạo chuyên sâu theo nhóm cho các nhà khoa học, làm chủ một số công nghệ cốt lõi và thông qua đó tạo ra một số sản phẩm chủ lực để thương mại hóa, phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện chiến lược chuyển đổi theo định hướng thị trường, tự chủ và phát triển bền vững về tài chính của chính đơn vị.

Theo Giám đốc Ban Quản lý Dự án FIRST Lương Văn Thắng, Dự án thu hút được hơn 90 chuyên gia, trong đó hơn 30 chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài trực tiếp thực hiện các dự án hợp tác, chuyển giao công nghệ với các viện/trường ở Việt Nam; trực tiếp nâng cao trình độ nghiên cứu chuyên sâu cho hơn 120 nhà khoa học Việt Nam ở các cơ sở nghiên cứu tiên tiến tại Nhật Bản, Australia, Hoa Kỳ, Israel, CHLB Đức; trực tiếp giúp các nhà khoa học Việt Nam giải quyết được một số thách thức về KH&CN trong nước đang gặp phải.

Dự án FIRST cũng hỗ trợ năng lực xây dựng thể chế, xây dựng được khung giám sát đánh giá năng lực của các tổ chức KH&CN tiệm cận các quy chuẩn quốc tế, có thể được áp dụng ở Việt Nam; tiếp thu, áp dụng được phương pháp của OECD để điều tra năng lực ĐMST trong các doanh nghiệp - được thí điểm điều tra thành công hơn 7.000 doanh nghiệp ở Việt Nam. Đồng thời, chuẩn hóa các phương pháp thống kê hiện đại, hài hòa với thông lệ quốc tế trong thống kê KHCN & ĐMST ở Việt Nam.

Ảnh minh họa 

Có thể khẳng định, sự hỗ trợ từ Dự án FIRST của Bộ KH&CN đã góp phần tạo cú hích đáng kể để đơn vị thực hiện có hiệu quả chiến lược tự chủ của mình. Bên cạnh đó, bản thân đơn vị - với bề dày kinh nghiệm chuyên môn, sự năng động trong tái cấu trúc quản trị, tối ưu đầu tư, chủ động liên kết với doanh nghiệp - đã và đang chuyển đổi tổ chức mình theo lộ trình đề ra.

Ví dụ, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long sau khi thực hiện dự án, đã nâng cấp và hiện đại hóa được sáu phòng thí nghiệm, các cán bộ được đào tạo tại Hoa Kỳ và Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế. Viện đã làm chủ được công nghệ chọn tạo giống lúa mới trên cơ sở kết hợp lai hữu tính và sử dụng chỉ thị phân tử. Nhiều giống lúa mới của Viện đã được chuyển giao cho doanh nghiệp, và được dùng thay thế các giống lúa trước đây.

Hay Phòng thí nghiệm trọng điểm lọc, hóa dầu, qua thực hiện Dự án đã có hai phòng thí nghiệm được đầu tư nâng cấp; làm chủ được công nghệ sản xuất 11 loại dung môi sinh học thay thế dung môi hóa thạch… Các sản phẩm đã được thương mại hóa, góp phần tăng gấp đôi doanh thu của đơn vị, sẽ tiến tới tự chủ hoàn toàn trong 5 năm tới.

Những tín hiệu vui từ quá trình thương mại hóa

Ông Lương Văn Thắng cho biết, 16 tổ chức KH&CN công lập nhận tài trợ từ Dự án FIRST đã làm chủ được những công nghệ cốt yếu đồng thời tạo ra một số sản phẩm chủ lực được thương mại hóa hiệu quả, làm tăng nguồn thu một cách đáng kể, giúp đơn vị tự chủ về tài chính để tiếp tục tái đầu tư phát triển. Sau khi kết thúc Dự án FIRST, có những đơn vị đã đạt tự chủ 100%, mức doanh thu tăng sau 2 năm hơn 30% (lên tới hàng chục tỷ đồng).

Một số đơn vị tiêu biểu có thể kể đến như Viện điện tử - tin học – tự động hóa, Viện nghiên cứu Ngô, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I... đã đưa ra một số sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu, góp phần tiết kiệm ngân sách Nhà nước; góp phần gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu. Các sản phẩm được ứng dụng công nghệ nổi bật như hoàn thiện công nghệ sản xuất cá chim vây vàng theo quy mô công nghiệp, mực in nano bạc dùng trong chế tạo‎ linh kiện vi điện tử, thuốc từ tế bào gốc đầu tiên của Việt Nam, các phụ gia sinh học, giống lúa được công nhận là giống quốc gia đã được chuyển giao và và sử dụng rộng rãi...

Ngoài ra, điều đáng lưu ý là với sự đầu tư từ Dự án FIRST về trang thiết bị, các đơn vị thụ hưởng đã được bổ sung nguồn lực kịp thời để xây dựng nên những phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế về ISO và VILAS. Điều này giúp các đơn vị triển khai dịch vụ KH&CN với trình độ cao, đồng thời tiếp cận được các chuẩn mực quốc tế.

11 Nhóm liên kết doanh nghiệp - viện/trường thuộc Dự án đã hoàn thiện và chứng minh được dây chuyền sản xuất tạo ra được những sản phẩm mới được kiểm chuẩn, kiểm tra chất lượng, đăng ký bảo hộ và bước đầu thương mại hóa. Ngay sau khi kết thúc dự án, các nhóm liên kết này tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô nhà máy và dây chuyền sản xuất để tạo ra những sản phẩm mới trên thị trường.

Thu Cúc

Nhiều chỉ số KPI của dự án FIRST được Ngân hàng Thế giới đánh giá vượt xa với yêu cầu(VietQ.vn) - Đánh giá về kết quả triển khai dự án FIRST, World Bank tại Việt Nam đã khẳng định, các chỉ số đánh giá hiệu suất công việc (KPI) cũng đã đạt được kỳ vọng với 2/3 chỉ số chính vượt mức yêu cầu.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang