Dự án kiên cố hóa trường lớp nhiều sai phạm

author 16:51 04/07/2012

(VietQ.vn) - Thanh tra chính phủ (TTCP) vừa có báo cáo kết quả bước đầu việc triển khai thanh tra chuyên đề diện rộng việc thực hiện đề án kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 – 2012.

Sai phạm ở nhiều địa phương 

TTCP chỉ ra một số dạng sai phạm bước đầu trong quá trình thanh tra tại 1 số tỉnh thành cả nước như xác định số lượng phòng học không đúng với mục tiêu, tiêu chí của đề án đề ra; nhiều công trình xây dựng không theo thiết kế mẫu của Bộ Xây dựng; việc xây dựng các công trình phòng học và nhà công vụ cho giáo viên chưa đúng với số lượng, cấp học, diện tích đã được phê duyệt; nhiều điểm trường chưa được cấp giấy chứng  nhận quyền sử dụng đất theo quy định.
 
Một góc trường học ở khu vực miền núi
Một góc trường học ở khu vực miền núi
 
Ngoài ra, TTCP còn chỉ ra một số sai phạm trong đầu tư xây dựng công như: sai về đơn giá vật liệu, sai nguồn vật liệu, tính sai số lượng cấu kiện, chi phí lưu thông, khối lượng phát sinh không có ký nhận của thiết kế kỹ thuật, hồ sơ phát sinh không được điều chỉnh phê duyệt; một số điểm trường được đầu tư không đúng mục tiêu đã được quy định tại Quyết định 20/2008/QĐ-TTg ngày 01/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ; việc khảo sát, xây dựng đề án không chặt chẽ dẫn đến xây dựng không đúng địa điểm, sử dụng vào mục đích khác (đối với nhà công vụ cho giáo viên).
 
 
Thanh tra Chính phủ hướng dẫn toàn ngành triển khai thanh tra chuyên đề diện rộng về thực hiện đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 - 2012. Hiện nay, đã có 61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thanh tra theo chuyên đề này, trừ TPHCM và Bình Dương.
 
 
Đáng kể, một số công trình xây dựng không có giấy phép, giám sát công trình chưa tốt dẫn đến để đơn vị thi công khai khống khối lượng, thi công sai so với thiết kế ban đầu làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình; cơ quan thẩm định quyết toán chậm, dẫn đến nhiều công trình xây dựng xong nhưng chưa được quyết toán; việc thực hiện vốn đối ứng của các địa phương còn thấp… 
 
Bộ Tài Chính liên đới
 
TTCP cho rằng, trong quá trình triển khai dự án, việc ban hành quy chế hoạt động của ban chỉ đạo đề án ở Trung ương còn chậm; ban chỉ đạo chưa tổ chức họp định kỳ theo quy chế hoạt động; kế hoạch giao ban định kỳ với ban chỉ đạo các địa phương chưa thực hiện theo đúng yêu cầu.
 
TTCP nêu: Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định số lượng phòng học cần được kiên cố hóa và số nhà ở công vụ trong cả nước trên cơ sở tổng hợp từ số liệu các địa phương báo cáo tình hình cơ sở vật chất trường học tại thời điểm cuối tháng 7/2007, số liệu này chưa được rà soát, kiểm tra thực tế nên chưa đảm bảo chính xác về số lượng cũng như mục tiêu kê khai.
 
"Bộ Giáo dục và Đào tạo đã áp dụng đơn giá xây dựng trung bình đối với phòng học là 1,8 triệu đồng/m2 sàn đến 2,5 triệu đồng/m2, đối với nhà ở công vụ cho giáo viên là 1,66 triệu đồng/m2 sàn (tại thời điểm năm 2007) để tính tổng mức đầu tư của đề án, chưa tính đến yếu tố trượt giá trong quá trình thực hiện đề án. Đến nay, nguồn vốn TPCP hỗ trợ cho các địa phương thực hiện đề án đã được phân bổ 100%; nguồn vốn bố trí từ ngân sách địa phương và huy động xã hội hóa đạt 127% kế hoạch cả giai đoạn nhưng mới chỉ triển khai xây dựng được khoảng 60% số phòng học, 40,3%  số phòng công vụ cho giáo viên theo Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, mục tiêu của đề án chưa thực hiện được theo yêu cầu đề ra", TTCP chỉ ra.
 
Trong thông cáo phát đi, TTCP khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo bố trí, phân bổ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ các địa phương thực hiện đề án; xây dựng phương án phân bổ ngân sách, hướng dẫn cơ chế quản lý, sử dụng các nguồn vốn thực hiện đề án; tham gia kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện... Bộ Tài chính chưa thường xuyên kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất tình hình thực hiện công tác quyết toán dự án hoàn thành của các địa phương.
 
Trong quá trình triển khai thực hiện đề án, UBND tỉnh Sơn La và UBND tỉnh Quảng Bình là 2 đơn vị bị "nhắc" nhở nhiều nhất. Theo đó, UBND tỉnh Sơn La chưa kịp thời phát hiện, thu hồi và điều chuyển vốn của các dự án giải ngân chậm, không đảm bảo tiến độ để phân bổ cho các dự án khác, dẫn đến số vốn TPCP khoảng 44 tỷ đồng đã bị thu hồi do hết thời hạn thanh toán; sử dụng nguồn vốn TPCP để mua sắm trang thiết bị cho phòng học và nhà công vụ chưa phù hợp với mục tiêu của đề án. 
 
Về áp dụng thiết kế mẫu, TTCP cho biết, UBND tỉnh Quảng Bình không triển khai áp dụng thiết kế mẫu theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại văn bản số 24/BXD-KHCN, đã giao Sở Xây dựng làm chủ đầu tư thiết kế mẫu mới để áp dụng trên địa bàn tỉnh.
 
"Việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác quyết toán dự án hoàn thành của các chủ đầu tư chưa nghiêm (nhất là với chủ đầu tư là UBND xã do trình độ chuyên môn, năng lực quản lý, điều hành của các chủ đầu tư này còn nhiều yếu kém, phụ thuộc vào các nhà tư vấn, nhà thầu), giá trị phê duyệt quyết toán so với giá trị giải ngân đạt thấp (Quảng Bình 13,4%, Sơn La 39,13%). Hiện tại, 2 tỉnh nêu trên chưa có giải pháp, cơ chế cụ thể bắt buộc các chủ đầu tư thực hiện nhiệm vụ quyết toán công trình hoàn thành đảm bảo đúng quy định hiện hành của Nhà nước. Ban Chỉ đạo tỉnh chưa thực hiện nghiêm chế độ báo cáo theo định kỳ; chưa xây dựng quy chế báo cáo, phối hợp giữa Ban chỉ đạo huyện với các sở, ban ngành của tỉnh", Thanh tra Chính phủ nêu rõ. 
 
"Đề án Kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012 được triển khai xây dựng từ năm 2007, Chính phủ phê duyệt ngày 1/2/2008, thời gian này giá vật liệu xây dựng, nhân công thấp; Trong qúa trình thực hiện giá vật liệu xây dựng và nhân công tăng cao, định mức đầu tư cho một phòng học: suất đầu tư/m2 xây dựng có trượt giá so với thời điểm lập danh mục đăng ký vốn đầu tư, nhiều loại vật liệu tăng đột biến, nên nhu cầu vốn đầu tư xây dựng cao hơn nhiều so với vốn trong kế hoạch được duyệt. Do thiếu vốn nên số lượng phòng học, nhà công vụ đã triển khai thi công xây dựng đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch của đề án. Đặc biệt, ở một số tỉnh miền núi biên giới, địa hình chia cắt, dân cư phân bố không đều, hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập, thời tiết khắc nghiệt… nên việc vận chuyển nguyên vật liệu đến chân công trình còn nhiều khó khăn, dẫn đến suất đầu tư cao", báo cáo của TTCP nêu rõ. 
 
Duy Ngọc
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang