Dự báo xuất khẩu thủy sản trên đà phục hồi, thị trường Trung Quốc giảm sâu

author 16:18 14/11/2021

(VietQ.vn) - Xuất khẩu (XK) thủy sản của Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ sau khi nhiều biện pháp phòng chống Covid - 19 phát huy hiệu quả.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Trung Quốc là thị trường chiếm 17-18% tổng XK thủy sản Việt Nam trong 2 năm qua với trên 1,4 tỷ USD, là 1 trong 3 thị trường XK hàng đầu của thủy sản Việt Nam.

Tuy nhiên, do sụt giảm liên tục từ đầu năm đến nay nên 3 quý đầu năm 2021, XK thủy sản sang Trung Quốc chỉ còn chiếm 11% tổng XK thủy sản của Việt Nam.

 Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang trường Trung Quốc giảm.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, với chính sách zero Covid-19, Trung Quốc kiểm tra ngặt nghèo hàng đông lạnh nhập khẩu, trong đó có thủy sản nên thời gian thông quan kéo dài. Thời gian qua, hàng loạt lô hàng từ Ấn Độ, Nga bị Trung Quốc phát hiện có virus SARS-CoV-2 trên bao bì khiến nhà nhập khẩu e ngại mua hàng.

Người dân Trung Quốc chuyển hướng tiêu dùng thủy sản nội địa. Điều này khiến nhu cầu tiêu thụ cá tra ở kênh dịch vụ ăn uống tại Trung Quốc cũng giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu nhiều mặt hàng thủy sản của Việt Nam. Các mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang Trung Quốc là cá tra và tôm đều giảm. Trong đó, tôm hùm giảm đến 82%.

Theo VASEP, năm 2019, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt hơn 1,4 tỉ USD, năm 2020 còn 1,27 tỉ USD và dự báo năm nay chỉ còn hơn 1 tỉ USD.

Từ tháng 4/2021, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc liên tục giảm bởi việc kiểm soát Covid-19 tại các cảng chính gây tắc nghẽn và tốn kém cho nhà nhập khẩu. Đặc biệt, từ tháng 7, dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam khiến xuất khẩu giảm sâu với mức giảm đến 51% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm 2020.

Tính đến cuối tháng 9/2021, XK thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc đạt 768 triệu USD, giảm 20,5% so với cùng kỳ. Trong đó, 2 sản phẩm chủ lực là tôm và cá tra chiếm lần lượt 39% và 36% tổng giá trị XK thủy sản sang thị trường này, đạt 298 triệu USD và 279 triệu USD, giảm 23% và 20% so với cùng kỳ năm 2020.

Mới đây, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết sẽ tăng cường kiểm tra đối với thủy sản chuỗi lạnh. Trước tình hình kiểm soát khắt khe này, dự báo XK thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc tiếp tục giảm sâu 3 trong các tháng cuối năm nay.

Dự báo XK thủy sản sang Trung Quốc quý 4/2021 đạt 242 triệu USD (giảm 40%) và cả năm 2021 đạt khoảng 1 tỷ USD, giảm 26% so với năm ngoái.

Trong những tháng còn lại của năm 2021, thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nhìn chung đang khá thuận lợi. Hầu hết các thị trường chính của tôm Việt Nam đang trên đà phục hồi nhờ tiêm ngừa vacxin diện rộng và triển khai các gói hỗ trợ sau Covid-19.

Lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, du lịch… đang từng bước được mở cửa trở lại ở nhiều thị trường. Vì vậy, mảng dịch vụ thực phẩm sẽ tăng mạnh vào cuối năm nay. Qua đó, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thủy sản nói chung ở các hệ thống, chuỗi dịch vụ thực phẩm.

 Nhìn chung ngành thủy sản vẫn đang trên đà phục hồi tích cực

Bên cạnh đó, do tác động của dịch Covid-19, người tiêu dùng ở nhiều thị trường vẫn đang tiếp tục xu hướng ưa chuộng thực phẩm chế biến sâu, tích hợp tiện ích, thuận lợi trong việc chế biến món ăn nhanh nhất. Chế biến sâu lại đang là lợi thế cạnh tranh cùa ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt với mặt hàng cá tra, basa và tôm với nhiều nhà máy có hệ thống trang thiết bị hiện đại, đảm bảo các yêu cầu cao về an toàn thực phẩm và đội ngũ công nhân lành nghề.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, kết quả xuất khẩu thủy sản trong tháng 10/2021 đạt 918 triệu USD, tương đương với cùng kỳ năm 2020 và tăng 47% so với tháng 9/2021. Để đạt con số này, các sản phẩm chính đều tăng trưởng trở lại như cá ngừ, mực, bạch tuộc, tôm; trong đó, cá ngừ và mực, bạch tuộc đều tăng 18%, cua ghẹ tăng 13%, tôm tăng 1,6%.

Tính đến hết tháng 10/2021, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 7,1 tỷ USD, tăng nhẹ 2,4%; trong đó, tôm đạt 3,2 tỷ USD tăng 2,6%, cá tra đạt 1,2 tỷ USD tương đương cùng kỳ năm ngoái, cá ngừ đạt 598 triệu USD tăng 10%, mực bạch tuộc đạt 475 triệu USD tăng 4,5%, các loại cá khác giảm gần 1% đạt 1,36 tỷ USD. Riêng nhuyễn thể hai mảnh vỏ vẫn giữ được tăng trưởng cao 39% sau 10 tháng, đạt 113 triệu USD.

Mỹ vẫn là thị trường trọng điểm của thủy sản Việt Nam, chiếm 24% kim ngạch với gần 1,7 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ. Tiếp đến là Nhật Bản chiếm 15% với 1,08 tỷ USD, giảm 7%. Thị trường Trung Quốc và châu Âu đều chiếm 12% với giá trị lần lượt là 872 triệu USD giảm 24% và 864 triệu USD tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc chiếm 9% đạt 643 triệu USD, tăng nhẹ 2%.

Ví dụ, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc trong quý cuối năm nay vẫn ghi nhận tăng trưởng dương. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này cả năm 2021 dự kiến tăng khoảng 3-5% so với năm ngoái.

Tính từ đầu năm tới nửa đầu tháng 10/2021, XK tôm Việt Nam sang Hàn Quốc đạt gần 278 triệu USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Dấu hiệu phục hồi XK tôm sang thị trường Hàn Quốc cũng nằm trong kế hoạch của doanh nghiệp đẩy mạnh xuất sang các thị trường châu Á nhằm tận dụng lợi thế khoảng cách gần và chi phí logistics thấp hơn so với đi các thị trường châu Âu và Mỹ. Trong những tháng cuối năm này, thị trường Hàn Quốc đang tăng nhu cầu NK để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân cho Tết Nguyên đán năm nay.

Hàn Quốc NK chủ yếu tôm chân trắng từ Việt Nam với tỷ trọng tôm chân trắng XK sang thị trường này chiếm tới 85% trong khi tỷ trọng tôm sú chỉ chiếm 4%. 9 tháng đầu năm nay, Hàn Quốc tăng NK tôm chân trắng chế biến (HS 16) và tôm sú sống/tươi/đông lạnh (HS03) lần lượt 5% và 12%, NK tôm biển sống/tươi/đông lạnh (HS03) tăng mạnh nhất 41%.

Các sản phẩm tôm chủ yếu Việt Nam xuất sang Hàn Quốc gồm tôm chân trắng bỏ đầu, lột vỏ còn đuôi, tôm chân trắng Nobashi tươi, đông lạnh, tôm chân trắng sushi xẻ bướm tươi, đông lạnh, tôm chân trắng nhúng PD đông lạnh. 9 tháng đầu năm nay, giá XK trung bình tôm sú của Việt Nam sang Hàn Quốc dao động từ 11,7 – 14,6 USD/kg trong khi giá trung bình XK tôm chân trắng dao động trong khoảng 7,9 - 8,3 USD/kg.

Theo thống kê của ITC, 8 tháng đầu năm nay, Việt Nam vẫn là thị trường cung cấp tôm hàng đầu của Hàn Quốc, chiếm thị phần lớn 44% tổng giá trị XK tôm của Hàn Quốc. 8 tháng đầu năm nay, Hàn Quốc NK trên 541,5 triệu USD tôm, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số nguồn cung tôm chính cho thị trường Hàn Quốc gồm Thái Lan, Canada, Ecuador, Argentina, Trung Quốc, Malaysia…NK tôm vào Hàn Quốc từ các nguồn cung chính đều tăng trưởng dương trong 8 tháng đầu năm nay.

 Nguyễn Hương (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang