Hàng giả nhãn hiệu nổi tiếng tràn lan trên sàn thương mại điện tử

author 15:56 29/12/2023

(VietQ.vn) - Mặc dù thời gian qua cơ quan chức năng đã nỗ lực ngăn chặn nhưng hàng giả, hàng nhái vẫn công khai bán trên các sàn thương mại điện tử với giá rẻ bất ngờ và với đủ chủng loại.

Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, trong 2 - 3 năm trở lại đây, tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng lậu qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội vẫn là chủ để "nóng". Số vụ vi phạm không ngừng gia tăng, tính chất và diễn biến phức tạp. Không chỉ hàng hóa tiêu dùng thông thường mà nguy hiểm hơn, nhiều thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh… cũng bị làm giả với số lượng lớn để kinh doanh online, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. 

Theo ghi nhận của báo Thanh Niên, trên sàn Shopee, khi vào mục túi ví nữ, đập vào mắt khách hàng là nhưng mẫu sản phẩm được giới thiệu "túi cốp 325 size 20 chữ nhật da mềm có hộp giá 269.000 đồng, giảm 7% so với giá gốc 289.000 đồng". Đáng chú ý, hình ảnh quảng bá cho sản phẩm này là chiếc túi hộp in rõ nhãn hiệu Louis Vuitton (LV) kèm cả hộp giấy cứng của thương hiệu nổi tiếng thế giới. Tuy nhiên trên thực tế, tất cả khách hàng đều biết một chiếc túi LV chính hãng có giá từ 40 triệu đồng trở lên. Trên trang web chính hãng Louis Vuitton tại Việt Nam, sản phẩm kiểu dáng túi hộp như hình ảnh rao bán trên Shopee nói trên có giá 71,5 triệu đồng.

Tương tự, hàng loạt túi, ví khác nhau được giới thiệu na ná như túi HM với hình dáng dễ nhận thấy của sản phẩm đắt đỏ Hermes có giá chỉ từ 143.000 - 200.000 đồng; túi "Đ" mini với hình ảnh sản phẩm nhái thương hiệu Dior được bán giá 335.000 đồng…

 Hàng giả trên sàn thương mại vẫn phức tạp và có xu hướng gia tăng, đa dạng về chủng loại và tinh vi về hình thức

Chuyển sang mục giày thể thao, hàng fake cũng rao bán nhan nhản. Hình ảnh đôi giày hiệu MLB được giới trẻ yêu thích nhiều năm nay được giới thiệu với giá chỉ 219.000 đồng, giảm 27% so với giá gốc 299.000 đồng.

Shop này còn đưa ra hàng loạt cam kết như "hoàn tiền 100% nếu hàng không giống ảnh, cam kết 1 đổi 1 nếu hàng lỗi hoặc bất kỳ vấn đề gì xin hoàn tiền. Uy tín đã được đảm bảo qua hàng vạn đơn hàng trên khắp cả nước. Freeship đổi trả toàn quốc nếu hàng lỗi, bảo hành hàng 3 tháng, cam kết rẻ nhất, hàng xịn sò nhất, giá tận xưởng, uy tín tận tâm, sản phẩm cam kết hình ảnh thật, tự chụp 100% có thể yên tâm ảnh và video chính chủ chụp…".

Cũng chung tình trạng này, hàng loạt gian hàng rao bán điện thoại di động iPhone trên sàn Lazada với giá rẻ bất thường. Cụ thể, sản phẩm có hình ảnh quảng cáo giống iPhone 15 chỉ hơn 1 triệu đồng. Chiếc điện thoại này được giới thiệu là "chính hãng 2 SIM, RAM 12G/512G, Camera sau: Chính 50 MP & Phụ 32 MP, 48 MP Camera trước: 16 MP, Cấu hình mạnh đỉnh Cày PUBG/Liên Quân/Free Fire/Tiktok siêu mượt, chống rung, làm đẹp khuôn mặt, toàn cảnh, pin thật: 6800MAh…".

Thông tin về sản phẩm này ông Lê Trần Hà, Giám đốc Trung tâm dịch vụ kỹ thuật và bảo hành FPT Shop, xác nhận trên thị trường hiện nay có sự tồn tại của các sản phẩm iPhone giả. Với sự nổi tiếng của iPhone, các nhà sản xuất nhỏ lẻ luôn cố gắng sao chép và bán các phiên bản giả mạo. 

Không chỉ với quần áo, giày dép, túi xách hay điện thoại di động, những sản phẩm thực phẩm chức năng cũng được bán tràn lan trên các sàn thương mại điện tử với giá rẻ bất ngờ. Với từ khóa "Blackmore", khách hàng dễ dàng tìm kiếm được hàng chục shop cung cấp mặt hàng thực phẩm chức năng này trên các sàn Shopee, Lazada. Sản phẩm bán chạy nhất là "Viên Tinh dầu Hoa anh thảo Blackmores Evening Primrose Oil 190 viên" chỉ khoảng 362.000 đồng/hộp.

Trong khi đó, cũng với sản phẩm tương tự, viên tinh dầu hoa anh thảo được niêm yết trên website của nhà thuốc Long Châu là 736.440 đồng/hộp. Đánh vào tâm lý chuộng giá rẻ, các shop trên sàn Shopee, Lazada… thoải mái tung ra "mê hồn trận" các mức giá thấp hơn rất nhiều so với hàng chính hãng được phân phối trên thị trường.

Liên quan tới tình trạng kinh doanh hàng giả, Cục Nghiệp Vụ - Tổng cục Quản lý Thị trường thống kê, chỉ tính riêng trong năm 2023, đơn vị này đã kiểm tra và xử lý hàng trăm nghìn vụ việc khác nhau. Trong đó, liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và hàng hóa sai phạm quyền sở hữu trí tuệ có khoảng 30 nghìn vụ.

Thông tin của Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng năm 2023, toàn ngành hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 14.589 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 11.521 tỷ đồng. Cơ quan hải quan đã khởi tố 35 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 166 vụ; số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 474 tỷ đồng.

Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng thống kê, từ đầu năm đến nay, số vụ vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ lên tới trên 4.000 vụ, tăng trên 126%, so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có nhiều vụ việc đã được chuyển cho cơ quan công an khởi tố với tội danh liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các lô hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được cơ quan hải quan phát hiện thời gian qua chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc; trong đó, có những vụ nhập khẩu hàng với số lượng lớn.

Cơ quan chức năng nhận định, những hành vi này đang có xu hướng gia tăng, đa dạng về chủng loại và tinh vi về hình thức. Điều này đã và đang gây không ít khó khăn cho công tác thực thi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng khẳng định, hàng giả, hàng vi phạm trên mạng “có từ gói thuốc lào đến bao diêm Thống Nhất”. Cơ quan quản lý biết là hàng hóa vi phạm nhưng để xử lý thì không dễ dàng.

Theo ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT, trên thực tế, vẫn còn tâm lý “ngại” xử lý đối với các vụ vi phạm thương  mại điện tử ngay tại lực lượng cơ sở, bởi mất thời gian và dễ bị khiếu kiện vì người bán có thể xóa bỏ, thay đổi nội dung, chứng cứ một cách nhanh chóng. Vì vậy, cơ quan quản lý liên quan cần rà soát các văn bản quy định về hành nghề thương mại thông qua các nền tảng số; yêu cầu các sàn thương mại điện tử đăng ký kê khai số gian hàng tham gia trên sàn để nắm số lượng người bán. Thậm chí rà soát cả các hộ gia đình, cá nhân có hoạt động bán hàng qua mạng.

Tương tự, Phó Trưởng ban 389 TP Hà Nội Chu Xuân Kiên cũng kiến nghị, các Bộ, ngành nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách quản lý hoạt động giao dịch điện tử. Theo đó, cần có cơ chế hướng dẫn, quản lý các mạng xã hội, bổ sung hệ thống tra cứu dễ dàng. Đồng thời tăng tính chịu trách nhiệm của chủ kênh/tài khoản trên mạng xã hội, kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi sai phạm.

Người tiêu dùng cần có trách nhiệm hơn

Từ năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 98/2020-NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo chuyên gia nhận định mức phạt trong Nghị định này vẫn chưa đủ sức răn đe.

Trong nội dung Nghị định 98 đã tăng mức phạt và thậm chí tăng nhiều so với Nghị định cũ. Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng mua bán, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn ra. Từ đó chúng ta thấy được, mức xử phạt ở Nghị định 98 chưa đủ mức răn đe.

Để giảm thiểu tình trạng nêu trên, ngoài việc nghiên cứu, sửa đổi và ban hành Nghị định mới, người tiêu dùng cũng cần có một phần trách nhiệm. Khi vẫn còn không ít người dùng ham rẻ, sử dụng các sản phẩm kém chất lượng.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ trình lên Chính phủ một Nghị định mới thay thế Nghị định 98. Trong đó, có những chế tài không chỉ áp dụng đối với người sản xuất kinh doanh truyền thống mà còn ở sàn thương mại điện tử.

Các doanh nghiệp khi phát hiện hàng hóa của mình bị làm giả, làm nhái phải báo lên cơ quan chức năng để có biện pháp xử lí. Đối với người tiêu dùng, hãy tìm hiểu thật kỹ sản phẩm trước khi mua, nói không với các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cục Nghiệp Vụ - Tổng cục Quản lý Thị trường sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường. Không để xảy ra các tụ điểm nóng, tập kết, tàng trữ hàng hóa vi phạm.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang