Hải Dương: Xử phạt hộ kinh doanh buôn bán lượng lớn hàng giả mạo nhãn hiệu

author 14:41 14/12/2023

(VietQ.vn) - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh Vũ Đức Chung về hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hiệu.

Cụ thể, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương ký ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh Vũ Đức Chung (địa chỉ: số 72 phố Nguyễn Ngọc Hàm, phường Việt Hòa, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương) do có hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu với tổng số tiền 18 triệu đồng, tịch thu 450 chiếc quần dài nỉ giả mạo nhãn hiệu “adidas” ; 320 đôi tất chân giả mạo nhãn hiệu “adidas” và “hình”; 210 đôi tất chân giả mạo nhãn hiệu “nike” và “lô gô hình lưỡi liềm của nike”.

Theo lực lượng chức năng, trước đó 4 tháng, vào tháng 8 năm 2023, cơ sở này cũng bị Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương xử phạt 23,5 triệu đồng về 2 hành vi: Buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định, đồng thời tịch thu 254 chiếc áo phông cộc tay giả mạo nhãn hiệu "yody và hình". Đây là một trong số nhiều vụ việc do đơn vị phát hiện, xử lý trong đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

 Lượng lớn hàng hóa gả mạo nhãn hiệu bị phát hiện tại một cửa hàng kinh doanh. (Ảnh: Cục QLTT Hải Dương)

Theo lực lượng chức năng, hàng giả là những sản phẩm hàng hóa được sản xuất trái pháp luật, có hình dáng giống như sản phẩm, hàng hóa được Nhà nước cho phép sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ trên thị trường hoặc những sản phẩm, hàng hóa không có giá trị sử dụng đúng với nguồn gốc, bản chất tự nhiên, tên gọi, công dụng của nó; là loại sản phẩm, hàng hóa mang nhãn hiệu hàng hóa giống hệt hoặc tương tự có khả năng làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn với sản phẩm, hàng hóa thật.

Hàng giả bao gồm: Giả chất lượng và công dụng. Đây là hàng hóa không có giá trị sử dụng hoặc giá trị sử dụng không đúng với nguồn gốc, bản chất tự nhiên, tên gọi và công dụng của hàng hóa.

Giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa: Hàng hóa giả mạo tên, địa chỉ của thương nhân khác trên nhãn hoặc bao bì cùng loại hàng hóa; giả mạo chỉ dẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp trên nhãn hoặc bao bì hàng hóa.

Giả mạo về sở hữu trí tuệ: Gồm hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý; hàng hóa là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan.

Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả: Gồm các loại đề can, nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tem chất lượng, tem chống giả, phiếu bảo hành, niêm màng co hàng hóa có nội dung giả mạo tên, địa chỉ thương nhân, nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa.

Tác hại của hàng giả là không nhỏ. Đối với sự phát triển kinh tế - xã hội hàng giả tác động tiêu cực đến môi trường cạnh tranh lành mạnh, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài để phát triển kinh tế - xã hội. Hàng giả còn gây hậu quả phức tạp, nặng nề về mặt đạo đức và xã hội. 

Đối với người tiêu dùng, việc mua và sử dụng hàng giả làm thiệt hại đến lợi ích kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng, nhất là các sản phẩm như: thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm giả. Đối với doanh nghiệp, hàng giả làm giảm trực tiếp doanh thu, lợi nhuận, uy tín; gây mất lòng tin đối với người tiêu dùng.

Do đó, để nhận biết hàng giả, người tiêu dùng cần chủ động trang bị kiến thức tiêu dùng cho mình; tham khảo từ nhiều nguồn thông tin khác nhau như người xung quanh, đặc biệt là nhà sản xuất, phân phối, các hiệp hội ngành hàng, hội bảo vệ người tiêu dùng và các cơ quan chuyên môn.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang