Thuốc Remdesivir phát huy hiệu quả trong điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng

author 19:14 09/09/2021

(VietQ.vn) - Bộ Y tế cho hay, việc đưa thuốc Remdesivir vào điều trị đã và đang góp phần cứu sống nhiều ca bệnh COVID-19 nặng.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ ngày 12/8 đến nay đã có gần 230.000 lọ thuốc Remdesivir được Bộ Y tế phân bổ cho các cơ sở điều trị COVID-19, trong đó số lượng phân bổ dành phần lớn cho các Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 tại TP.HCM và các địa phương có số ca mắc nhiều.

Cùng với nỗ lực của các y bác sĩ, trang thiết bị y tế hiện đại và các thuốc khác, việc đưa thuốc Remdesivir vào điều trị đã và đang góp phần cứu sống nhiều ca bệnh COVID-19… 

Cũng theo thông tin từ Bộ Y tế, từ ngày 5/8 những lô thuốc Remdesivir điều trị COVID-19 đầu tiên đã về Việt Nam. Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã thống nhất bổ sung Remdesivir vào phác đồ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 và sử dụng Remdesivir điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một số cơ sở y tế.

 Thuốc Remdesivir là niềm hy vọng cho bệnh nhân mắc Covid-19 nặng. Ảnh minh họa

Thuốc Remdesivir là chất tương tự nucleotide (nucleotide analog), một trong những dạng thuốc kháng virus lâu đời nhất, được chỉ định theo đường tiêm tĩnh mạch. Chúng có khả năng ngăn chặn sự sinh sôi của virus bằng cách không cho RNA polymerase hoạt động. Điều này khiến virus không thể nhân bản trong cơ thể vật chủ. Từ đó ngăn chặn virus gây ảnh hưởng tới cơ thể người bệnh.

Thuốc này được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt khẩn cấp để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 từ tháng 10/2020. Thuốc được phê duyệt cho người lớn và trẻ em trên 12 tuổi nặng trên 40 kg mắc COVID-19 cần nhập viện điều trị, bất kể mức độ bệnh như thế nào.

Các chuyên gia điều trị cho biết, thuốc Remdesivir được cấp phép khẩn cấp tại các quốc gia chủ yếu dựa trên dữ liệu từ nghiên cứu NIAID-ACTT-1, được tài trợ bởi Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ (NIAID), cộng với dữ liệu hỗ trợ từ các nghiên cứu khác về Remdesivir.

ACTT-1 là thử nghiệm đa quốc gia, ngẫu nhiên có đối chứng với giả dược trên 1062 bệnh nhân COVID-19. Remdesivir được dùng trong 10 ngày hoặc cho đến khi tử vong hoặc xuất viện. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhóm bệnh nhân sử dụng Remdesivir thời gian hồi phục nhanh hơn so với giả dược (hồi phục trong nghiên cứu này được định nghĩa là xuất viện hoặc tiếp tục nằm viện nhưng không cần liệu pháp oxy hoặc chăm sóc y tế liên tục).

Với khả năng rút ngắn thời gian chữa trị và đẩy nhanh phục hồi ở bệnh nhân diễn tiến nặng, Remdesivir đã được 50 quốc gia như Mỹ, EU, Úc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ... đưa vào phác đồ điều trị. Đây là một trong những loại thuốc đặc trị khó tiếp cận hàng đầu thế giới.

Về vấn đề này, PGS. TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế đã phát huy hiệu quả trong chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19. Việt Nam cũng luôn cập nhật các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị về COVID-19 trên thế giới.

Tại cuộc họp của Hội đồng chuyên môn mới đây, theo Cục Quản lý khám, chữa bệnh, trong các thuốc được cập nhật, các thành viên Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế cũng đã thảo luận về việc sử dụng thuốc Remdesivir, được khuyến cáo sử dụng cho bệnh nhân COVID-19 nặng, có SpO2 từ 94% trở xuống, bệnh nhân thở máy, điều trị ECMO (tim, phổi nhân tạo), bệnh nhân cần oxy...

Theo các chuyên gia của hội đồng, hiệu quả của các thuốc, đặc biệt là thuốc mới, sẽ thường có các bàn luận, tranh cãi. Tuy nhiên, với bệnh nhân nặng, thuốc mới chính là thêm cơ hội được điều trị. Với thuốc kháng virus mới, cũng là thêm cơ hội cho bệnh nhân, đặc biệt với bệnh nhân nặng và ngành y tế luôn điều trị các bệnh nhân với tinh thần còn nước còn tát.

Theo PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Remdesivir là thuốc mới nên việc sử dụng thuốc cho người bệnh phải được bác sĩ chỉ định. Liều dùng của thuốc tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Trong quá trình điều trị, các cơ sở y tế cũng cần theo dõi chặt chẽ chất lượng, hiệu quả của thuốc.

Hiện nay, ngoài thuốc Remdesivir dạng nước, phải bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C, Remdesivir cũng đã được bào chế dưới dạng đông khô, dễ bảo quản trong nhiệt độ khoảng 25 độ C giúp vận chuyển dễ dàng hơn. Điều này giúp đơn vị điều trị bệnh nhân dễ dàng bảo quản, nhất là các bệnh viện dã chiến. Do tính cao cấp này nên giá mua cao hơn nhiều loại phải trữ trong nhiệt độ 2-8 độ C tốn kém thiết bị trữ.

Ngoài thuốc trên, hiện nay Việt Nam cũng đang sử dụng thuốc Molnupiravir. Đây là loại thuốc kháng virus thứ hai được sử dụng. Thuốc do công ty Ridgeback Biotherapeutics và hãng dược Merck hợp tác phát triển. Merck cho biết hãng sẽ có dữ liệu đầy đủ vào tháng 9 hoặc tháng 10 và thuốc có thể sẵn sàng vào cuối năm nay. Thuốc này đã được Bộ Y tế đưa vào chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát các trường hợp mắc Covid-19 tại nhà và cộng đồng (home-based care). Thuốc bao gồm viên nang 200 mg, 400 mg do Ấn Độ và Việt Nam sản xuất, dùng đường uống, ngày hai lần với liều dùng 1.600 mg/ngày. Thuốc đang thử nghiệm cho bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và ở mức độ vừa.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang