Đừng bao giờ nghĩ: ‘Ai rồi cũng thành F0’!

author 06:42 09/03/2022

(VietQ.vn) - Thay vì cố gắng phòng chống Covid-19 nhiều người lại tặc lưỡi cho rằng “ai rồi cũng thành F0” dẫn đến việc chủ quan, lơ là, thậm chí chính bản thân họ trở thành nguồn lây bệnh, gây thêm bao gánh nặng cho xã hội vốn đang phải gồng mình chiến đấu với dịch bệnh.

Hãy loại bỏ ngay suy nghĩ "ai rồi cũng thành F0".  

Liên tiếp những ngày qua, số ca mắc Covid-19 gia tăng chóng mặt, mỗi ngày có tới hàng chục nghìn người nhiễm bệnh. Điều này khiến nhiều người cho rằng việc trở thành F0 không còn là vấn đề đáng lo ngại như thời điểm dịch mới bùng phát nữa.

Trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo hoặc Tiktok, việc đưa hình ảnh mình “2 vạch” với kít xét nghiệm nhanh thể hiện kết quả dương tính Covid-19 dường như trở thành “trend”. Bên dưới các bình luận, thay vì khuyên nhủ người bệnh giữ gìn sức khỏe, hạn chế tiếp xúc có người lại bình luận rằng “trước sau gì cũng đến lượt”, có người còn chúc mừng “khổ chủ” vì đã được Covid-19 hỏi thăm sớm, nhiễm sớm thì sẽ âm tính sớm.

Có người chủ quan, lơ là đến mức khi test nhanh mình là F0 sau vài ngày ở nhà cách ly, mặc dù kết quả xét nghiệm còn 2 vạch “mờ mờ” nhưng vẫn cho rằng đã có thể tái hòa nhập cộng đồng mà chẳng cần đeo khẩu trang hay cách ly đủ ngày như trước. Khi cho rằng nồng độ vi rút trong người mình thấp, người ta tự cho mình quyền được đi lại, giao tiếp như một người khỏe mạnh bình thường.

Thế nhưng, vô hình chung chính những suy nghĩ trên có thể là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng các ca nhiễm ngày càng tăng cao như hiện nay.

Hiện, Việt Nam đang thuộc nhóm nước có độ bao phủ vaccine cao trên thế giới. Tính đến hết tháng 2/2022, cả nước đã triển khai tiêm trên 194 triệu liều vaccine phòng Covid-19; tỷ lệ người dân tiêm đủ liều đạt 78,9%, trong đó có gần 39% người dân đã tiêm mũi nhắc lại. 

Tuy nhiên, hàng ngày nước ta vẫn ghi nhận nhiều ca tử vong do Covid-19. Bởi vậy, đừng bao giờ có suy nghĩ “ai rồi cũng sẽ thành F0”, vì thể trạng, sức đề kháng của mỗi người hoàn toàn khác nhau. Có thể chúng ta nhìn thấy bạn bè, người thân dù nhiễm Covid-19 nhưng chỉ chưa đầy 1 tuần là khỏi, nhưng có những người, dù triệu chứng ban đầu rất bình thường nhưng chỉ sau 1 đêm đã diễn biến nặng và dẫn đến tử vong.

Liệu có ai trong chúng ta muốn thử “chơi đùa” với Covid-19 khi kết quả chưa biết chắc sẽ ra sao? Hơn nữa, khi một người trở thành F0 sẽ trở thành nguồn lây cho gia đình và người xung quanh. Đối với những gia đình có người cao tuổi có bệnh nền, hoặc trẻ em có sức đề kháng yếu lại trở thành vấn đề hết sức đáng lo ngại.

Thực tế, quan điểm của Việt Nam là sống chung an toàn với dịch bệnh, không có nghĩa là để dịch bệnh tự do lây nhiễm trong cộng đồng. Trong mọi điều kiện chúng ta cần cố gắng hạn chế dịch lây lan để số ca F0 trong tầm kiểm soát nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.

Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra, ngay cả khi đã khỏi bệnh, bệnh nhân có nguy cơ phải đối mặt với hàng loạt di chứng hậu Covid-19 như ho, sốt, khó thở, mệt mỏi, xơ phổi, tim đập nhanh, rối loạn tiêu hóa, rối loạn vị giác hoặc khứu giác, rối loạn tâm lý, trí nhớ giảm sút, trầm cảm... mà chưa biết khi nào sẽ hết.

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tâm lý, ý thức là yếu tố quan trọng quyết định đến khả năng thắng thua. Ngay từ ban đầu, chúng ta đã xác định “chống dịch như chống giặc”, thì thật là uổng phí công sức mấy năm nay của cả xã hội, của các lực lượng tuyến đầu chống dịch, của những giọt mồ hôi, nước mắt... khi ta coi nhẹ Covid-19.

Mỗi chúng ta, hãy cố gắng gìn giữ sức khỏe của bản thân, đừng để đến khi nhiễm bệnh, gánh hậu quả nặng nề do Covid-19 để lại lúc ấy có hối hận cũng đã muộn!

Thanh Tùng 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang