Ép trẻ em làm việc nặng, nguy hiểm sẽ bị xử lý hình sự

author 09:14 29/07/2012

(VietQ.vn) - Bắt trẻ em, tập hợp, chứa chấp trẻ em, cho thuê, cho mượn trẻ em để đi lang thang kiếm sống, ăn xin hoặc thực hiện các hoạt động khác nhằm mục đích trục lợi là hành vi vi phạm quyền trẻ em bị pháp luật cấm.

Hỏi: Hiện nay trên thực tế tôi thường thấy trẻ em lang bán vé số, bán bánh kẹo, sách, gương, lược và các loại hàng rong khác tại dọc các quán nhậu về ban đêm. Hầu hết những trường hợp này bị ép buộc, có người chăn dắt. Theo quy định của pháp luật thì những người ép buộc trẻ em ăn xin, bán vé số như trên bị xử lý như thế nào?

(Trần Tuấn Anh, TP HCM)

Trả lời: Theo khoản 2 Điều 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004, được hướn dẫn tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 71/2011/NĐ-CP ngày 22/8/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thì việc “Bắt trẻ em, tập hợp, chứa chấp trẻ em, cho thuê, cho mượn trẻ em để đi lang thang kiếm sống, ăn xin hoặc thực hiện các hoạt động khác nhằm mục đích trục lợi.” là hành vi vi phạm quyền trẻ em bị pháp luật cấm. Đối chiếu với quy định trên thì việc ép buộc trẻ em đi ăn xin, bán vé số để trục lợi là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định số 91/2011/NĐ-CP ngày 17/10/2011 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thì “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi tập hợp, chứa chấp trẻ em lang thang để bán vé số, sách, báo, tranh, ảnh, bán hàng rong hoặc các hoạt động khác nhằm mục đích trục lợi.”  Còn theo khoản 2 Điều 13 Nghị định số 91/2011/NĐ-CP thì phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi tổ chức, bắt trẻ em đi xin ăn; cho thuê, cho mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn.

Ngoài ra, hành vi vi phạm quy định về  sử dụng lao động trẻ em còn có thể xử lý hình sự. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 228 Bộ luật hình sự 1999 quy định, người nào sử dụng trẻ em làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục mà Nhà nước quy định gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Như vậy, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm khác nhau, hành vi sử dụng lao động trẻ em trái pháp luật sẽ phải chịu những hình thức, chế tài khác nhau như chúng tôi viện dẫn ở trên.


Luật sư
Phạm Phùng Trọng Nghĩa
Công ty Luật hợp danh FDVN
(193 Nguyễn Tri Phương, TP Đà Nẵng,
ĐT: 05113. 890 568, www.fdvn.vn)

Mọi thắc mắc, khiếu tố của bạn đọc có thể gửi về Email: [email protected] hoặc liên hệ qua đường dây nóng 0904.065.256 & 0913.96.57.58 để được tư vấn, hỗ trợ.
 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang