EU cấm tiêu hủy quần áo tồn kho nhằm ngăn chặn xu hướng thời trang nhanh và giảm thiểu rác thải

author 17:13 06/12/2023

(VietQ.vn) - Mới đây, Nghị viện châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua các quy định mới, trong đó có lệnh cấm các hãng thời trang tiêu hủy quần áo tồn kho nhằm ngăn chặn xu hướng thời trang nhanh và giảm thiểu lượng rác thải xả ra môi trường hàng năm.

Cụ thể, Kế hoạch cấm tiêu hủy các mặt hàng tồn kho đã được Ủy ban châu Âu (EC) công bố vào năm ngoái. Theo đó, khi quy định được thực thi, EC có thể sẽ mở rộng phạm vi lệnh cấm đối với những sản phẩm tồn kho khác.

Luật tiêu hủy hàng hóa tồn kho sẽ đưa ra những yêu cầu cụ thể đối với nhiều mặt hàng tiêu dùng chủ chốt nhằm tăng tính bền vững của sản phẩm, trong đó ưu tiên đối với những sản phẩm có tác động lớn đến môi trường như quần áo, đồ nội thất, nệm và hàng điện tử.

Theo quy định mới, các doanh nghiệp phải bổ sung mã kỹ thuật số, như mã QR trên mọi sản phẩm. Đây được xem như "hộ chiếu" điện tử cho các mặt hàng khi nhập khẩu vào thị trường EU. Thêm vào đó, những doanh nghiệp lớn cũng sẽ phải báo cáo hằng năm về lượng sản phẩm đã loại bỏ cũng như giải trình lý do cụ thể. EU hy vọng, với những quy định trên sẽ giúp ngăn chặn các doanh nghiệp từ bỏ hành động xả rác thải lãng phí ra môi trường. 

Đại diện của Ủy ban châu Âu cho biết, dệt may là một trong những ngành có tác động lớn thứ tư đối với môi trường và biến đổi khí hậu chỉ sau sản xuất thực phẩm, nhà ở và giao thông.

Lệnh cấm được miễn áp dụng đối với các doanh nghiệp vừa trong vòng 6 năm và miễn hoàn toàn đối với các doanh nghiệp nhỏ. Các doanh nghiệp sẽ có 2 năm để thích nghi sau khi luật cấm tiêu hủy chính thức có hiệu lực.

  EU cấm các hãng thời trang tiêu hủy quần áo tồn kho nhằm ngăn chặn xu hướng thời trang nhanh và ô nhiễm môi trường. Ảnh minh họa

Năm 2017, thương hiệu thời trang H&M của Thụy Điển cho biết đốt 12 tấn áo quần không bán được mỗi năm kể từ năm 2013. Các thương hiệu thời trang và phụ kiện xa xỉ như Louis Vuitton, Coach, Michael Kors, Juicy Couture cũng chọn giải pháp này đối với hàng ế. Đốt hàng tồn kho được cho là cách tiết kiệm chi phí nhất để các thương hiệu xa xỉ bảo vệ tính độc quyền và tránh làm giảm giá trị hình ảnh của họ. Thời trang xa xỉ là biểu tượng của địa vị, vì vậy, việc đốt hàng tồn kho dư thừa, thay vì bán giảm giá, sẽ duy trì giá trị và tính độc quyền của thương hiệu.

Nhiều thương hiệu cũng e ngại “thị trường xám”, nơi hàng cao cấp chính hãng được mua với giá rẻ rồi bán lại. Richemont (Thụy Sĩ), công ty mẹ của các thương hiệu đồng hồ cao cấp như Cartier và Montblanc, đã vướng vào tranh cãi sau khi mua lại những chiếc đồng hồ không bán được trị giá gần 500 triệu euro từ các nhà bán lẻ chỉ để tiêu hủy nhằm ngăn chặn chúng bị bán giảm giá ở mức quá rẻ.

Tháng 3 năm ngoái, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU, đưa ra dự thảo về Quy định thiết kế sinh thái cho sản phẩm bền vững (ESPR) nhằm khuyến khích tái chế và tái sử dụng các sản phẩm tiêu dùng trên toàn khối. EC lưu ý việc tiêu hủy các sản phẩm tiêu dùng không bán được hoặc bị trả lại, chẳng hạn như hàng dệt may và giày dép đã trở thành “một vấn đề môi trường phổ biến” do doanh số bán hàng trực tuyến tăng trưởng nhanh chóng.

Theo Ủy ban châu Âu, đề xuất cấm tiêu hủy quần áo không bán được sẽ giúp tránh lãng phí đồng thời không khuyến khích sản xuất quá mức. Bên cạnh đó, biện pháp này cũng ngăn chặn tình trạng méo mó của thị trường, cũng như giúp giảm tác động môi trường của ngành dệt may.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang