EVFTA và quan hệ kinh tế Việt Nam - Tây Ban Nha

author 10:24 17/08/2022

(VietQ.vn) - Với việc khai thác hiệu quả lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Tây Ban Nha được dự báo sẽ có triển vọng tốt trong thời gian tới.

Tóm tắt: Quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước Việt Nam - Tây Ban Nha thời gian qua phát triển tốt đẹp. Hai nước đã chính thức thiết lập quan hệ “Đối tác chiến lược” vào tháng 12/2009 và Tây Ban Nha cũng là quốc gia châu Âu đầu tiên mà Việt Nam thiết lập quan hệ này. Với việc khai thác hiệu quả lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Tây Ban Nha được dự báo sẽ có triển vọng tốt trong thời gian tới.

1. Quan hệ kinh tế Việt Nam - Tây Ban Nha những năm gần đây

Về thương mại

Việt Nam - Tây Ban Nha là 2 đối tác chiến lược mang tính bổ trợ cho nhau, trao đổi thương mại song phương được duy trì, phát triển ổn định với tốc độ tăng trung bình khoảng 15,8% trong nhiều năm qua. Quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư đang phát triển triển tốt đẹp, kim ngạch thương mại hai nước trong những năm qua đạt khoảng 3 tỷ USD. Tây Ban Nha là bạn hàng quan trọng của Việt Nam trong khi Việt Nam là một trong các đối tác thương mại chủ yếu của Tây Ban Nha ở châu Á.

Trước đại dịch Covid-19, nhìn chung quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Tây Ban Nha tăng trưởng khá ổn định về cả giá trị và cơ cấu mặt hàng. Tây Ban Nha là một trong những nước EU có tốc độ tăng trưởng thương mại với Việt Nam ở mức cao. Theo thống kê cập nhật của Hải quan Tây Ban Nha, tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương có xu thế gia tăng, cụ thể năm 2018 và năm 2019 tương ứng là 2,80% và 9,05%.

Năm 2019, kim ngạch thương mại hai chiều đạt mức kỷ lục 3,25 tỷ USD, mức cao nhất trong lịch sử, tăng gấp 3 lần so với năm 2009 (1,12 tỷ USD). Do ảnh hưởng của đại dịch trong suốt năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương của 10 tháng năm 2020 sụt giảm 15,00%.

Trong 10 tháng năm 2020 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Tây Ban Nha đạt xấp xỉ 2,08 tỷ Euro (giảm 16,35%), nhập khẩu đạt khoảng 0,34 tỷ Euro (giảm 5,82%), xuất siêu tiếp tục ở mức cao là 1,74 tỷ Euro (giảm 18,15%).

Trong những năm qua Việt Nam liên tục ở trạng thái xuất siêu lớn sang Tây Ban Nha và điểm đáng chú ý là: trong năm 2020, Việt Nam vẫn duy trì được thị phần xuất khẩu như năm 2019 đạt 0,92% trong thị phần nhập khẩu chung của Tây Ban Nha với thế giới. Hiện tại Việt Nam đã vươn lên là nước có thị phần và kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong số các nước ASEAN xuất khẩu sang thị trường Tây Ban Nha, đứng ngang bằng với thị phần xuất khẩu của Hàn Quốc.

Các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam từ Tây Ban Nha hiện có giá trị lớn nhất lần lượt là: máy móc thiết bị điện, điện tử; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác; hàng dệt may; dược phẩm; các chất chiết xuất làm thuốc nhuộm thuộc da; thịt và phụ phẩm; nhựa và các sản phẩm nhựa; sản phẩm từ sắt thép; đồ gốm sứ; các sản phẩm hóa chất; dụng cụ, thiết bị quang học, đo lường, y tế và phụ kiện; da sống và da thuộc.

Có thể nói hầu hết mặt hàng này nhập khẩu để phục vụ trực tiếp đầu vào cho sản xuất trong nước của Việt Nam. Cũng do tác động tiêu cực của đại dịch, kim ngạch nhiều mặt hàng nhập khẩu bị suy giảm mạnh gồm: da sống và da thuộc (59,46%); sắt thép các loại (49,01%); nhựa và các sản phẩm nhựa (26,44%); đồ gốm sứ (20,85%); hàng dệt may (19,78%); đồ uống (19,34%); phế liệu và phế thải từ ngành công nghiệp thực phẩm (18,00%); máy móc thiết bị điện, điện tử (14,92%); chế phẩm từ ngũ cốc, bột, tinh bột sữa và các loại bánh (12,92%); dụng cụ, thiết bị quang học, đo lường, y tế và phụ kiện (10,57%); các sản phẩm hóa chất (10,22%); các chất chiết xuất làm thuốc nhuộm thuộc da (10,16%).

Từ trước đến nay các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Tây Ban Nha chủ yếu vẫn là: Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, các nước Trung Nam châu Mỹ (Brasil, Colombia, Ecuador, Argentina) và một số nước ASEAN (Indonesia, Myamar, Thái Lan), một số quốc gia châu Âu (Bồ Đào Nha, Italia, Pháp) và châu Phi (Maroc, Nam Phi).

Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện có giá trị lớn nhất sang Tây Ban Nha lần lượt là: điện thoại các loại và linh kiện; hàng dệt may; giày dép các loại; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; cà phê; đồ chơi, thiết bị trò chơi và dụng cụ thể thao; đồ nội thất; hàng du lịch và da thuộc; các chế phẩm từ động vật thịt cá; cao su và các sản phẩm cao su; quả và quả hạnh ăn được; thủy sản; nhựa và các sản phẩm nhựa; dụng cụ đồ nghề kim loại và đồ bếp; thảm và các loại hàng dệt trải sàn khác;...

Năm 2020 do ảnh hưởng hết sức nặng nề từ các giải pháp phòng chống đại dịch bao gồm việc áp đặt tình trạng cảnh báo quốc gia, hạn chế tối đa vận chuyển đi lại tiếp xúc trong nước và đồng thời đóng cửa biên giới đã dẫn dến nhu cầu tiêu dùng trong nước và nhập khẩu hàng hóa giảm sâu so với năm 2019.

Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Tây Ban Nha nhìn chung đều bị suy giảm. Các mặt hàng bị suy giảm xuất khẩu nhiều nhất phải kể đến là: nhựa và các sản phẩm nhựa (32,86%); đồ uống (30,11%); thủy sản (28,72%); dụng cụ đồ nghề kim loại và đồ bếp (27,64%); giày dép các loại (27,58%); các chế phẩm từ động vật thịt cá (24,05%); hàng dệt may (23,25%); điện thoại các loại và linh kiện (23,08%); quả và quả hạnh ăn được (18,28%); cà phê (12,71%).

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Tây Ban Nha trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng 12,3% so với cùng kỳ năm 2020, đạt hơn 1,1 tỷ USD. Trong số các nhóm hàng chủ yếu của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Tây Ban Nha 6 tháng đầu năm nay, nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện đứng đầu về kim ngạch, chiếm 27% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại sang thị trường này, đạt 300,23 triệu USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong những năm qua, Việt Nam liên tục xuất siêu sang Tây Ban Nha. Đặc biệt, với việc khai thác hiệu quả lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Tây Ban Nha từ cuối năm 2021 đã đạt kết quả tích cực, dù cả hai nước đều chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch COVID-19. 4 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 1.246 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu trên 1.070 triệu USD, xuất siêu 909 triệu USD.

Hình 1: Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Tây Ban Nha

Về đầu tư

Tuy lĩnh vực này hiện còn hạn chế về số lượng dự án nhưng có triển vọng lớn về tiềm năng vốn và chất lượng châu Âu. Dù sự hiện diện của doanh nghiệp Tây Ban Nha còn khiêm tốn nhưng sự quan tâm của các doanh nghiệp Tây Ban Nha đang ngày càng tăng, trong đó có những tập đoàn lớn như Repsol - công ty dầu khí lớn nhất của Tây Ban Nha và Tập đoàn khách sạn đa quốc gia Melia đang mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Việc mở nhà máy sản xuất linh kiện điện tử áp dụng công nghệ cao của Tập đoàn PREMO tại Đà Nẵng, hay việc tư vấn xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai của GETINSA, là những minh chứng cho khẳng định trên.

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Tây Ban Nha đến Việt Nam đầu tư, đặc biệt trong các ngành phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển bền vững của hai nước. Với đà tăng trưởng của Việt Nam như hiện nay, có hai lĩnh vực chính mà Tây Ban Nha đã có rất nhiều kinh nghiệm và có thể giúp ích rất nhiều cho Việt Nam, đó chính là kết cấu hạ tầng và năng lượng. Hai quốc gia cũng đã đẩy mạnh hợp tác trong những lĩnh vực trên.

Về kết cấu hạ tầng, Tây Ban Nha có rất nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng và quản lý sân bay. Rất nhiều doanh nghiệp Tây Ban Nha đã và đang chuẩn bị tham gia đấu thầu vào việc xây dựng hệ thống và cung cấp trang thiết bị sân bay như radar, quản lý giao thông sân bay tại Việt Nam. Có thể nói, Tây Ban Nha là một trong những quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực này ở châu Âu cũng như châu Mỹ Latin.

Về lĩnh vực năng lượng, tại Việt Nam cũng đã có sự xuất hiện của các doanh nghiệp Tây Ban Nha chuyên về năng lượng tái tạo. Đây là lĩnh vực cực kỳ quan trọng đối với mọi quốc gia trên thế giới.

Có thể nói, những kinh nghiệm của Tây Ban Nha trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, du lịch, công nghệ cao, xây dựng và kiến trúc sẽ là những đóng góp quý báu cho Việt Nam. Việc cải cách khung pháp lý và Hiệp định tự do thương mại với EU có hiệu lực giúp củng cố niềm tin của các công ty Tây Ban Nha đối với thị trường Việt Nam.

Việc các doanh nghiệp Tây Ban Nha quan tâm đầu tư vào các dự án kết cấu hạ tầng lớn tại Việt Nam, kể cả hình thức hợp tác đối tác công - tư (PPP) cho thấy xu hướng đầu tư này phù hợp và góp phần thúc đẩy chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam.

Thực tế, các doanh nghiệp Tây Ban Nha cũng tận dụng đón bắt cơ hội đầu tư tại Việt Nam từ EVFTA. Cuối năm 2019, Tập đoàn chuyên về cơ sở hạ tầng và năng lượng tái tạo của Tây Ban Nha là ACCIONA đã chính thức thành lập và ra mắt Công ty ACCIONA Việt Nam để tham gia đầu tư các dự án hạ tầng tại Việt Nam.

Sự hiện diện của ACCIONA tại đã đánh dấu một bước ngoặt cho sự mở rộng hợp tác và đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cũng như trở thành một bước tiến lớn trong việc kêu gọi các doanh nghiệp Tây Ban Nha khác nắm bắt cơ hội khai thác tiềm năng của Việt Nam. ACCIONA sẽ làm việc với các đối tác bản địa để tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng dựa vào thế mạnh của tập đoàn xây dựng Tây Ban Nha này, bao gồm xây dựng cầu, sân bay, tàu điện, cảng, bệnh viện, nhà máy sản xuất năng lượng tái tạo và nhà máy lọc nước.

Tính đến tháng 04 năm 2022, Tây Ban Nha đứng thứ 46 trên 139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 85 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký là 140,65 triệu USD.

Về hợp tác phát triển

Tây Ban Nha là một trong số các nước châu Âu dành viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn cho Việt Nam. ODA của Tây Ban Nha dành cho Việt Nam tăng theo từng năm, tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên, như: nâng cao năng lực cơ quan nhà nước, nâng cao đời sống con người, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, bảo vệ môi trường và khu sinh quyển, hợp tác văn hóa song phương, bình đẳng giới.

Đến nay, hai bên đã ký kết và đang thực hiện ba nghị định thư tài chính, cụ thể là: năm 1994 - 1996: 80 triệu USD; năm 1997 - 2000: 102 triệu USD; năm 2001 - 2003: 135 triệu USD. Tháng 02 năm 2008, hai bên ký kết Chương trình hợp tác tài chính lần thứ tư, theo đó Tây Ban Nha cam kết cung cấp cho Việt Nam khoảng 80 triệu euro vốn ODA giai đoạn 2008 - 2010, ưu tiên vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng, năng lượng, thông tin liên lạc, quản lý nước và 3 triệu euro viện trợ không hoàn lại để các công ty của Tây Ban Nha giúp Việt Nam thực hiện các loại hồ sơ của dự án mà hai bên thỏa thuận.

Cam kết của Tây Ban Nha từ hơn 20 năm qua tại Việt Nam thông qua 4 chương trình hợp tác tài chính trị giá trên 600 triệu euro để thực hiện các chương trình xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, y tế, cung cấp nước sạch đã góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Trước đây Tây Ban Nha ưu tiên viện trợ phát triển cho Việt Nam, tập trung vào phát triển bền vững và thúc đẩy bình đẳng giới, tiến bộ của phụ nữ. Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Tây Ban Nha (AECID) đã viện trợ 19 triệu euro cho các dự án tăng cường bảo vệ phụ nữ tại Việt Nam, đặc biệt là các nạn nhân bạo lực giới.

Tây Ban Nha ưu tiên quan hệ với Việt Nam và dành hơn 300 triệu USD ODA cho các dự án hợp tác song và đa phương hơn 10 năm qua. Năm 2018, Tây Ban Nha vẫn tiếp tục dành khoảng 350 triệu USD cho các dự án phát triển hạ tầng tại Việt nam, trong đó có dự án đường Metro số 5 tại TP Hồ Chí Minh.

2. Những ưu đãi của Việt Nam và Tây Ban Nha dành cho hàng hoá của nhau trong EVFTA

Tây Ban Nha là bạn hàng quan trọng của Việt Nam trong khi Việt Nam là một trong các đối tác thương mại chủ yếu của Tây Ban Nha ở châu Á. Ảnh minh họa. 

Về phía Việt Nam

Theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Việt Nam dành ưu đãi về thuế quan cho hàng hóa từ các nước EU trong đó có Tây Ban Nha. Hàng hóa nhập khẩu từ Tây Ban Nha nếu đáp ứng quy tắc và thủ tục chứng nhận xuất xứ EVFTA được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo EVFTA, nếu không đáp ứng được về xuất xứ thì hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi. Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với hàng hóa nhập khẩu từ EU vào Việt Nam trong giai đoạn 2020 - 2022 thực hiện theo Nghị định số 111/2020/NĐ-CP ngày 18/09/2020 của Chính phủ.

Về phía Tây Ban Nha

Cũng như Việt Nam, theo hiệp định này, các nước EU trong đó có Tây Ban Nha dành những ưu đãi thuế quan quan trọng cho hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

Ngoài ra, từ nhiều năm nay, EU trong đó có Tây Ban Nha duy trì cơ chế Ưu đãi Thuế quan Phổ Cấp (GSP - Generalized System of Preferences) dành cho các nước đang và kém phát triển, trong đó có Việt Nam.

Trong khoảng thời gian từ 01/08/2020 đến 31/07/2022 (trong vòng 2 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực), doanh nghiệp được hưởng song song hai chế độ ưu đãi thuế quan theo EVFTA và GSP và được quyền chọn ưu đãi nào phù hợp hơn. Trường hợp chọn ưu đãi GSP thì sản phẩm phải đáp ứng quy tắc và thủ tục chứng nhận xuất xứ của GSP; trường hợp chọn ưu đãi thuế quan theo EVFTA thì sản phẩm phải đáp ứng quy tắc và thủ tục chứng nhận xuất xứ EVFTA. Từ 01/08/2022, cơ chế ưu đãi thuế quan GSP tự động chấm dứt, doanh nghiệp áp dụng cơ chế ưu đãi thuế quan theo EVFTA. Tuy nhiên, EVFTA cho phép trong trường hợp thuế EVFTA cao hơn thuế GSP thì vẫn được hưởng thuế GSP. Dù chọn mức thuế ưu đãi nào, sản phẩm phải đáp ứng quy tắc và thủ tục chứng nhận xuất xứ EVFTA.

3. Những thuận lợi, khó khăn

Thuận lợi

Thứ nhất, hợp tác Việt Nam - Tây Ban Nha phù hợp bối cảnh quốc tế và tình hình mới của thế giới, với xu thế toàn cầu hóa và xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là xu hướng chuyển dịch kinh tế sang phía Đông cùng sự phát triển năng động của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Thứ hai, hai nước đều có chung lợi ích trong các tổ chức quốc tế và khu vực, như Liên Hợp Quốc, WTO, ASEM, ASEAN - EU, IPU...

Thứ ba, Việt Nam và Tây Ban Nha còn nhiều điểm có thể bổ sung, hỗ trợ cho nhau cùng phát triển. Là nền kinh tế lớn thứ năm của EU và thứ 19 trên thế giới về chỉ số GDP, Tây Ban Nha đang nắm giữ rất nhiều công nghệ hiện đại trên thế giới như cơ sở hạ tầng (hệ thống đường sắt tốc độ cao dài nhất với 2.900 km, cơ sở hạ tầng đường bộ, đường thủy và cảng hàng không hiện đại), năng lượng tái sinh, lọc dầu, tài chính, nông nghiệp công nghệ cao. Đây cũng là những lĩnh vực Việt Nam đang cần phát triển.

Thứ tư, Việt Nam và Tây Ban Nha đều là hai thị trường lớn, mở và với việc ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), trao đổi thương mại giữa hai nước càng có điều kiện thuận lợp để phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Ngoài ra, mỗi nước đều có thể là một đầu cầu cho nước kia trong quan hệ với những khu vực khác: Tây Ban Nha giúp Việt Nam tăng cường quan hệ với EU, Mỹ Latin; Việt Nam giúp Tây Ban Nha mở rộng hợp tác với các nước ASEAN.

Thứ năm, doanh nghiệp Việt Nam cần kinh nghiệm, công nghệ tiên tiến và cầu nối để thâm nhập và phát triển tại thị trường EU thông qua các đối tác Tây Ban Nha. Ngược lại, Tây Ban Nha cũng cần nguồn cung cấp các sản phẩm tiêu dùng có chất lượng và cầu nối Việt Nam để thâm nhập thị trường ASEAN đầy tiềm năng.

Thứ sáu, Tây Ban Nha là quốc gia có nền kinh tế dịch vụ chiếm 75% GDP, công nghiệp 15%, xây dựng 7%, nông nghiệp và đánh bắt 3%. Tây Ban Nha nằm trong số ít các nước thành viên EU có nền nông nghiệp và đánh bắt chế biến thủy hải sản truyền thống, phát triển phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu ra thế giới. Với lĩnh vực du lịch đóng góp trên 12% GDP, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của Tây Ban Nha có phần đa dạng hơn so với các nước EU khác.

Thứ bảy, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA), chính thức có hiệu lực từ ngày 01/08/2021, thiết lập khuôn khổ pháp lý và cơ chế thúc đẩy cơ hội hợp tác giữa hai nước. Thỏa thuận trên sẽ thúc đẩy việc cắt giảm thuế và các hàng rào phi thuế quan, thực hiện các cam kết, nhằm phát huy tiềm năng hợp tác song phương cũng như đạt được kỳ vọng mà Việt Nam và Tây Ban Nha đã đặt ra.

Thứ tám, Tây Ban Nha là một trong những quốc gia dẫn đầu về năng lượng tái tạo, nhất là lĩnh vực năng lượng gió, giữa Việt Nam và EU cũng có những cam kết chung về lĩnh vực này cùng hướng đến lợi ích chung theo tiêu chuẩn quốc tế. Những cam kết này rất có lợi cho việc thúc đẩy đầu tư, phát triển về các sản phẩm thuộc lĩnh vực này giữa 2 nước trong thời gian tới nhờ những lợi ích từ EVFTA.

Đây là hiệp định mang lại lợi ích lớn nhất từ trước đến nay cho các doanh nghiệp Việt Nam và EU, trong đó có Tây Ban Nha với mức độ mở cửa chưa từng có: gần như 100% các dòng thuế về 0% sau 7 đến 10 năm cùng nhiều ưu đãi khác trong các ngành dịch vụ, tài chính, vận tải, bảo hiểm, mua sắm Chính phủ.

Thứ chín, Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mô hình tăng trưởng mới. Theo đó, việc thu hút FDI với xu hướng thân thiện môi trường là chủ trương quan trọng. Hiện Việt Nam định hướng thu hút FDI đến những lĩnh vực có công nghệ cao, đặc biệt là thân thiện với môi trường. Với định hướng mới đó, các nước phát triển, trong đó có Tây Ban Nha sẽ trở thành đối tác ngày càng quan trọng của Việt Nam bởi các doanh nghiệp Tây Ban Nha hiện nắm giữ nhiều công nghệ hàng đầu thế giới.

Khó khăn

Nói về khó khăn, khi nhắc đến thương mại quốc tế, chúng ta thường nói về các rào cản thuế quan và phi thuế quan. Đối với các rào cản thuế quan, Hiệp định EVFTA sẽ gỡ bỏ hầu hết các loại thuế quan trong 7 năm tới. Đối với các rào cản phi thuế quan, chúng ta thường nhắc đến các quy định như hạn chế định lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, giấy phép,... Không phải sản phẩm nào cũng có thể nhập khẩu vào Việt Nam. Khi nhắc đến các sản phẩm nông sản, các sản phẩm này cần được kiểm tra, kiểm soát kỹ lưỡng. Quá trình kiểm tra này thường tốn nhiều thời gian, đôi khi bên nhập khẩu và xuất khẩu có quan điểm trái ngược nhau và đây là khó khăn cần hai bên cùng tháo gỡ.

Tây Ban Nha thuộc EU nên các khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam gặp phải khi xuất khẩu sang thị trường Tây Ban Nha tương tự như xuất sang EU, gồm: các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định về chứng nhận, bao bì...

Nhiều cơ chế hợp tác giữa hai bên chưa phù hợp, cần phải tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho hai nước giao lưu phát triển kinh tế - thương mại. Bên cạnh đó, ngoài những yếu tố khách quan, như: tình hình khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, tác động của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, yếu tố chủ quan như thiếu hụt thông tin chuyên sâu về thị trường, sự cách trở về địa lý, sự khác biệt về chế độ chính trị - xã hội và ý thức hệ, sự khác biệt về văn hóa, tâm lý, thói quen, cũng khiến mối quan hệ hợp tác chiến lược đã được thiết lập giữa hai bên chưa đạt được những bước tiến như mong muốn.

4. Giải pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt Nam - Tây Ban Nha

Tây Ban Nha cũng là một nước chú trọng phát triển nông nghiệp, đánh bắt, nuôi trồng chế biến thủy, hải sản xuất khẩu. Các nông, thủy sản, rau quả kể cả tươi sống và chế biến của Tây Ban Nha được xuất khẩu đi khắp thế giới, nhất là tiêu thụ trong khối EU. Do vậy, đối với nhóm hàng này, nước ta chỉ có thể xuất khẩu sang thị trường Tây Ban Nha các nông thủy sản đặc thù nhiệt đới. Hay nói cách khác, Tây Ban Nha là thị trường ngách để tránh đụng hàng nhau, ví dụ như cá basa, tôm nước ấm, thanh long, mít, dừa, rau thơm.

Đối với doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản như cá ngừ, tôm, mực vào thị trường EU nói chung và thị trường Tây Ban Nha nói riêng, doanh nghiệp cần lưu ý đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu đánh bắt, bảo quản cho đến khâu chế biến, chuyên chở để không vi phạm các quy định an toàn thực phẩm hiện hành của EU, Tây Ban Nha.

Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam hợp tác cùng xây dựng thương hiệu chung cho hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam với bạn hàng sở tại để vừa đảm bảo đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật vừa đảm bảo chỗ đứng lâu dài của hàng Việt tại thị trường sở tại.

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương trực tuyến và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến tại các sự kiện hội chợ và triển lãm quốc tế sở tại; Tăng cường theo dõi và kịp thời cập nhật khuyến cáo liên quan về các các yêu cầu kỹ thuật và các trường hợp có thông báo vi phạm các yêu cầu kỹ thuật, kiểm dịch, an toàn môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm của các lô hàng xuất khẩu của Việt Nam đến Tây Ban Nha; Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp xuất nhập khẩu của hai nước để phục vụ thường xuyên hoạt động xúc tiến thương mại - xúc tiến đầu tư, tiếp thị và kết nối giao thương.

Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu của hai nước, một số lĩnh vực mà hai nước có thể và cần tập trung tăng cường hợp tác trong thời gian tới bao gồm: Cơ sở hạ tầng đường bộ, đường sắt và sân bay; năng lượng mới, năng lượng tái tạo góp phần phát triển bền vững; du lịch văn hóa, sinh thái... để du lịch thực sự trở thành ngành công nghiệp quan trọng; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chế biến hàng nông lâm sản và nhập khẩu hàng nông sản của Việt Nam theo các tiêu chuẩn của EU.

Kết luận

Năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt trong quan hệ giữa Việt Nam và Tây Ban Nha khi hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trên chặng đường gần nửa thế kỷ qua, vượt qua mọi biến động lịch sử, mối quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp Việt Nam - Tây Ban Nha ngày càng bền chặt và đóng góp vào sự ổn định, thịnh vượng chung của hai khu vực châu Á và châu Âu.

Vượt qua sự xa cách về địa lý, Việt Nam và Tây Ban Nha đã cùng nhau tiến những bước dài trên con đường hợp tác. Hai bên đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục... Việt Nam là đối tác thương mại chính trong ASEAN của Tây Ban Nha. Tây Ban Nha cũng là đối tác thương mại lớn của Việt Nam ở châu Âu.

Tuy nhiên, dư địa và tiềm năng để mở rộng quan hệ hợp tác song phương còn rất lớn, nhất là khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Hiệp định mở ra những cơ hội mới để hai bên thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư nói riêng, phát triển hợp tác toàn diện trong tất cả các lĩnh vực nói chung.

45 năm qua, Việt Nam và Tây Ban Nha đã gặt hái nhiều thành tựu về phát triển quan hệ song phương. Mối quan hệ truyền thống giữa Việt Nam và Tây Ban Nha góp phần nối những nhịp cầu hợp tác vững chắc giữa hai khu vực châu Á và châu Âu. Với nền tảng tốt đẹp của quan hệ đối tác chiến lược, với quyết tâm từ hai phía, quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Tây Ban Nha, một quốc gia phát triển hàng đầu ở châu Âu và Việt Nam, một quốc gia đang phát triển năng động ở châu Á sẽ ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất.

Ths. Đinh Thị Ngọc Linh - Viện Nghiên cứu châu Âu

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang