Mỹ điều tra Facebook vì nghi ngờ 'dung túng' cho tin giả mạo và nội dung độc hại

author 16:02 18/10/2021

(VietQ.vn) - Liên minh các Tổng chưởng lý của 14 tiểu bang Mỹ đang điều tra Facebook vì nghi ngờ công ty này đang "dung túng" cho tin tức giả mạo và nội dung độc hại trên nền tảng của mình không.

Thông tin trên được Tổng chưởng lý bang Connecticut William Tong thông báo trên trang web chính thức của bang này. Theo đó, một liên minh gồm tổng chưởng lý của 14 tiểu bang đang hợp tác cùng nhau để điều tra và tìm kiếm thêm thông tin bổ sung về chương trình XCheck (đọc là "Cross Check"), là một "chế độ đặc biệt" của Facebook dành cho những người dùng nổi tiếng và có nhiều người theo dõi, bao gồm các chính trị gia, ngôi sao bóng đá, nghệ sĩ, người có tầm ảnh hưởng…

Liên minh các Tổng chưởng lý của 14 tiểu bang muốn tìm hiểu xem liệu Facebook có "dung túng" cho tin tức giả mạo và các nội dung độc hại thông qua chương trình XCheck hay không.

"Giờ đây, chúng tôi biết rằng Facebook có hai bộ quy tắc, một bộ quy tắc dành cho những người giàu có và quyền lực, cùng một bộ quy tắc dành cho những người bình thường khác. Facebook cần phải làm rõ về chương trình XCheck của mình và liệu họ có cấp quyền bảo vệ cho những người có tầm ảnh hưởng lớn đưa ra những thông tin thiếu thận trọng và sai sự thật về COVID-19 hay không?", Tổng chưởng lý William Tong của bang Connecticut cho biết.

Facebook bị điều tra vì "dung túng" cho tin giả và nội dung độc hại. Ảnh minh họa 

Liên minh tổng chưởng lý này cũng đã gửi một bức thư đến cho CEO Mark Zuckerberg của Facebook, yêu cầu trả lời những câu hỏi để phục vụ cho quá trình điều tra, như "Khi nào Facebook biết được thuật toán của mình đang quảng cáo nội dung sai sự thật về vaccine? Và Facebook sẽ làm gì để ngăn chặn điều này?"…

Thông tin về chương trình XCheck được tiết lộ lần đầu tiên vào tháng 9 vừa qua, khi tờ báo The Wall Street Journal đăng tải những tài liệu nội bộ của Facebook và dẫn lời các nguồn tin thân cận với mạng xã hội này, cho biết những người dùng nổi tiếng được chương trình XCheck "bảo hộ" sẽ được phép đăng tải những nội dung vi phạm các chính sách cộng đồng của Facebook, như tin tức sai sự thật, hình ảnh khỏa thân, bạo lực… mà không bị xử lý.

Thông thường, với những người dùng khác, khi đăng tải các nội dung sai sự thật hoặc nội dung độc hại như hình ảnh khỏa thân, bạo lực… lập tức sẽ bị đội ngũ kiểm duyệt hoặc hệ thống trí tuệ nhân tạo của Facebook xử lý và tự động xóa bỏ các nội dung này. Nhưng với những người dùng thuộc chương trình XCheck, các nội dung do họ đăng tải vẫn sẽ được tồn tại trên Facebook và phải thông qua một hội đồng kiểm duyệt mới đưa ra quyết định có xóa bỏ các nội dung này hay không.

Các nguồn tin cho biết, vào năm 2020, có khoảng 5,8 triệu người dùng Facebook được hưởng các chế độ "VIP" từ chương trình XCheck. Tuy nhiên, bản thân những người dùng này có thể không hay biết về việc họ đang được Facebook "bảo hộ" thông qua chương trình XCheck.

Một số người dùng Facebook được XCheck "bảo hộ" có thể kể đến cầu thủ Neymar của Brazil, khi vào năm 2019, cầu thủ này từng đăng tải những hình ảnh khỏa thân của một cô gái lên Facebook, nhưng các hình ảnh này không bị ẩn hay xóa đi ngay, mà phải mất một thời gian mới bị Facebook gỡ bỏ và tài khoản của Neymar vẫn "bình an vô sự".

Dù CEO Mark Zuckerberg của Facebook từng nhấn mạnh rằng mọi người dùng đều bình đẳng như nhau và phải tuân theo chính sách cộng đồng của Facebook, nhưng trên thực tế, những người dùng nổi tiếng với các nội dung mang lại nhiều tương tác và có tầm ảnh hưởng lớn vẫn nhận được những ưu ái lớn hơn từ phía Facebook.

Nếu liên minh các Tổng chưởng lý xác định rằng Facebook "dung túng" cho các tin tức giả mạo và các nội dung độc hại thông qua chương trình XCheck, mạng xã hội này có thể sẽ phải nhận án phạt nặng.

Theo New York Times, những sóng gió liên tiếp vừa qua cho thấy Facebook ở trong giai đoạn suy giảm chậm và đều đặn. Đó là dấu hiệu của một công ty đang chết dần.

Trước đó, hồi tháng 6, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) cũng ra mức phạt kỷ lục 5 tỷ USD với Facebook vì liên quan tới vụ bê bối dữ liệu Cambridge Analytica. Năm 2015, công ty Cambridge Analytica (hiện phá sản) đã thu thập thông tin cá nhân của 87 triệu người dùng Facebook mà họ không hề hay biết. Những dữ liệu này được cho là đã bị phân tích và khai thác để hiển thị các nội dung quảng cáo liên quan tới chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ 2016 của ông Donald Trump.

Vụ bê bối Cambridge Analytica đã thúc đẩy nhận thức ngày càng tăng về quyền riêng tư tại Mỹ và châu Âu, khiến Facebook và các công ty công nghệ khác liên tục bị chất vấn, điều tra và phải thực hiện các điều chỉnh về chính sách để hoạt động minh bạch hơn.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang