Cuộc gọi hỏi tiêm chủng vắc xin đang lan truyền trên mạng xã hội là tin giả

author 16:26 29/08/2021

(VietQ.vn) - Trung tâm Xử lý Tin giả Việt Nam (VAFC) - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trên mạng xã hội đang lan truyền cuộc gọi về tiêm chủng vắc xin, nhằm chiếm đoạt thông tin cá nhân. Qua xác mình, cơ quan chức năng xác nhận đây là tin giả.

Theo đó, Trung tâm Xử lý Tin giả Việt Nam (VAFC) - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết nội trên mạng xã hội lan truyền thông tin: “Vừa rồi đồng nghiệp của tôi nhận được một cuộc gọi hỏi rằng anh ấy đã được tiêm phòng chưa. Nếu anh ta tiêm phòng, hãy nhấn phím 1; nếu anh ta chưa được tiêm phòng, nhấn phím 2. Kết quả là anh ta nhấn phím 1, điện thoại bị chặn và thông tin ngân hàng trực tuyến và thẻ thanh toán thường xuyên sử dụng của anh ta đều được chuyển...”.

 Nội dung lan truyền trên mạng xã hội khiến nhiều người hoang mang (ảnh tư liệu). 

Thông tin này được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội với mức chóng mặt vì rất nhiều người nghĩ rằng đó là thông tin cảnh báo thật, hoặc nửa tin nửa ngờ, cứ gửi cho bạn bè, nhóm chat/mạng xã hội để đề phòng vẫn hơn, chính vì thế mỗi lúc càng nhiều người dùng nhận được.

Qua xác minh từ cơ quan chức năng, VAFC khẳng định nội dung thông tin trên là giả mạo. VAFC khuyến cáo người dân và cộng đồng mạng không chia sẻ thông tin nói trên. Khi có yêu cầu hỗ trợ liên quan đến dịch bệnh, hãy gọi ngay cho đường dây nóng của chính quyền địa phương, ngành y tế, công an và lực lượng chức năng khác. VAFC cho biết vụ việc sẽ được chuyển cơ quan chức năng để xem xét, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Trước thông tin trên, ông Nguyễn Minh Đức - Giám đốc dịch vụ an ninh mạng CyRadar cho biết, những loại tin cảnh báo như trên thuộc dạng chiêu trò dọa nạt trên mạng (hoax - chơi khăm, đánh lừa). Một số dấu hiệu để người dùng nhận biết dạng tin này như: nội dung thông tin gây sợ hãi, kêu gọi lan truyền tin, không có nguồn tin chính xác (báo chính thống, tác giả uy tín).

Ông Ngô Tấn Vũ Khanh, Giám đốc phát triển quốc gia, hãng bảo mật Kaspersky, cho rằng 99,9% đây là chiêu trò làm hoang mang người dùng. 0,01% xảy ra có thể là do điện thoại người dùng bản chất đã bị hack và chiếm quyền trước đó, kẻ xấu chỉ gọi điện để xác nhận danh tính và toàn bộ thông tin của nạn nhân (trên một danh sách thông tin đã có). 

Các chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo, người dùng nên cẩn trọng và cảnh giác cho điện thoại cũng như thông tin ngân hàng của mình. Tốt nhất người dùng nên cài đặt phần mềm bảo mật điện thoại uy tín để bảo vệ mình.

An Nguyên (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang