‘Việt Nam làm rất tốt ở giai đoạn đầu đại dịch và sẽ đạt thành tích tương tự với vaccine’

author 16:53 14/07/2021

Trao đổi với PV, ông Ken Atkinson, Nhà sáng lập Công ty tư vấn Grant Thornton Vietnam nhận xét, ngay cả trong bối cảnh phức tạp của đợt dịch thứ 4, nền kinh tế Việt Nam vẫn hoạt động rất mạnh mẽ. Ông tin tưởng rằng, GDP của Việt Nam năm 2021 vẫn sẽ tăng trưởng vượt mức 6%.

Việt Nam vẫn sẽ nổi bật hơn cả

Với tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, ông đánh giá như thế nào về triển vọng kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2021?

Đúng là tình hình hiện tại vẫn còn những diễn biến phức tạp của đại dịch, đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ phải áp dụng những biện pháp giãn cách nghiêm ngặt, chặt chẽ hơn trong một vài tuần tới. Nhưng nhìn chung, nền kinh tế Việt Nam đang hoạt động rất mạnh mẽ.

Như số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP đạt 5,64%, đối với quý 2/2021 là 6,61%. Bên cạnh đó, thông thường 2 quý cuối năm luôn là giai đoạn nền kinh tế tăng trưởng mạnh hơn.

Vì vậy, trừ khi một làn sóng dịch bệnh mới xuất hiện và buộc các nhà máy và khu công nghiệp phải đóng cửa, còn không tôi tin rằng tăng trưởng GDP năm nay sẽ đạt mức trên 6%.

Đặc biệt là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nửa đầu năm tăng hơn 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Tôi cho rằng, ngay cả tác động của tình hình hiện tại cũng không có khả năng tác động đáng kể mức tăng trưởng đó. Về FDI thì vẫn có những dấu hiệu tích cực, theo tôi nhớ là tổng vốn FDI vào Việt Nam nửa đầu năm cũng được hơn 15 tỷ USD.

Như vậy thì thời gian tới, những kết quả này cũng sẽ chẳng thay đổi nhiều. Nếu có thay đổi, tôi nghĩ số lượng công ty rời Trung Quốc sẽ mạnh mẽ hơn. Và đương nhiên, Việt Nam vẫn ghi điểm với vị thế là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Những yếu tố như nền chính trị ổn định, cơ sở hạ tầng được cải thiện nhanh chóng, hay môi trường kinh doanh thân thiện là những điểm cộng lớn.

Nếu đứng trên cương vị nhà đầu tư, khi nhìn vào thị trường Đông Nam Á, chúng ta có thể thấy Myanmar không phù hợp, Thái Lan, Indonesia cũng vậy. Do đó, chỉ còn Việt Nam là địa điểm nổi bật hơn cả.

Phòng dịch nghiêm ngặt trong nhà máy để đảm bảo an toàn cho sản xuất.

Điều gì khiến ông đặt kỳ vọng cao vào làn sóng đầu tư từ các doanh nghiệp rời Trung Quốc đến Việt Nam như vậy?

Theo tôi nhận thấy, không chỉ các doanh nghiệp đa quốc gia mà thậm chí, cả doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang dần rời khỏi Trung Quốc và tìm các thị trường mới. Nếu nhìn vào số liệu thống kê, Trung Quốc đứng thứ 4 trong danh sách các đối tác đầu tư vào Việt Nam nửa đầu năm nay.

Tôi nghĩ, điều này phần lớn được thúc đẩy bởi chi phí lao động rẻ, cũng như việc các doanh nghiệp tận dụng lợi thế của một số hiệp định thương mại tự do của Việt Nam.

Để chuỗi cung ứng không bị tổn thương

Ông đánh giá như thế nào về các biện pháp chống dịch vừa qua của Việt Nam, đặc biệt trong hoạt động sản xuất?

Tôi nghĩ rằng, cũng như những lần trước, Việt Nam đang áp dụng các biện pháp kịp thời và hiệu quả. Đặc biệt lần này, đối tượng ưu tiên bao gồm cả những công nhân nhà máy hoặc các khu công nghiệp.

Nhiều người bạn của tôi điều hành các doanh nghiệp đều chia sẻ rằng, họ thậm chí còn chuẩn bị lều để phòng trường hợp dịch bùng, thì nhà máy vẫn có thể tiếp tục vận hành, các công nhân có thể tạm thời ở trong khuôn viên nhà máy.

Đây cũng là một phương án nhằm bảo vệ chuỗi cung ứng, cũng như đảm bảo Việt Nam tiếp tục sản xuất và xuất khẩu trong khả năng tốt nhất có thể.

Ông đánh giá như thế nào về việc Việt Nam đã chuyển từ trạng thái "phòng ngự" sang "tấn công", với "vũ khí" là vaccine phòng Covid-19?

Tôi tin rằng mọi thứ đang dần trở lại bình thường. Việt Nam đã làm rất tốt ở giai đoạn "tiền tuyến" của đại dịch. Do vậy, đến giai đoạn này chúng ta cũng sẽ đạt được những thành quả tương tự khi việc triển khai vaccine đã có nhiều tín hiệu tích cực.

Phương án ăn, ngủ và sản xuất tại nhà máy là giải pháp giúp cho chuỗi cung ứng vận hành thông suốt trong đại dịch.

Tính đến vừa rồi, tôi nhớ là Việt Nam đã có khoảng 4 triệu liều vaccine, và còn 11 triệu liều nữa sẽ được chuyển giao sang tháng 7 và tháng 8. Đó là một sự gia tăng đáng kể. Hơn nữa, các khu công nghiệp đã quay trở lại hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng được giữ nguyên vẹn.

Hay mới đây nhất, Bộ Y tế cũng đã đàm phán để có được 130 triệu liều vaccine và phần lớn sẽ được giao trong quý 3 và quý 4 năm nay. Cùng với đó, chúng ta cũng đang nghiên cứu phát triển và sản xuất vaccine "made in Việt Nam".

Hộ chiếu Vaccine ở Phú Quốc và triển vọng phục hồi du lịch

Năm ngoái, cũng vào thời điểm này, khi trao đổi với Trí Thức Trẻ, ông đã dự báo rằng cuối năm nay, ngành du lịch có thể dần khôi phục. Liệu dự báo này vẫn còn giá trị ở thời điểm hiện tại?

Kể ra thì lúc ấy, dự báo của tôi cũng có thể nói là như một đứa trẻ vậy (cười). Nhưng tôi nghĩ dựa trên các cuộc thảo luận hiện tại, chúng ta có thể sẽ sớm thấy những tín hiệu tích cực của lĩnh vực này.

Nhất là vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, phương án, quy trình thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc. Tôi nghĩ rằng Chính phủ sắp tới cũng sẽ sẵn sàng thử nghiệm các dự án thí điểm khác để thu hút khách du lịch nước ngoài tại các điểm đến khác.

Theo ông, việc thí điểm hộ chiếu vacicne tại Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) sẽ có ý nghĩa như thế nào trong việc phục hồi ngành du lịch của Việt Nam?

Tôi nghĩ là hiện tại chúng ta sẽ tương đối khó khăn để có thể thực hiện triển khai tiêm chủng cho toàn dân, hay ít nhất là 75-80% dân số. Vì vậy lựa chọn Phú Quốc là khu vực thí điểm cũng sẽ dễ kiểm soát hơn vì là hòn đảo tương đối biệt lập, đủ cơ sở hạ tầng như sân bay, cơ sở lưu trú nên nhiều thuận lợi để thí điểm hộ chiếu vaccine.

Ngoài ra, tỉnh Kiên Giang vừa qua cũng góp ý trong dự thảo Chiến lược phát triển Văn hóa Việt Nam đến năm 2030, ngành y tế Kiên Giang lên kế hoạch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho toàn dân Phú Quốc, cho nhân viên phục vụ tại các khu và điểm du lịch để chuẩn bị thí điểm đón khách quốc tế.

Bên cạnh vaccine thì Việt Nam cũng nên thu hút khách du lịch quay trở lại bằng cách tạo điều kiện cấp thị thực và miễn thị thực, từ đó tăng tính cạnh tranh với các điểm đến du lịch châu Á còn lại.

Phú Quốc đã có sẵn những lợi thế như trên. Mặc dù không thể kỳ vọng sẽ là một con số lớn, nhưng tôi nghĩ đến cuối năm, chúng ta sẽ thấy một lượng khách du lịch nước ngoài quay trở lại Việt Nam.

Ông Ken Atkinson là nhà sáng lập, Tư vấn cấp cao Hội đồng quản trị Grant Thornton Vietnam, đồng thời là Phó Chủ tịch của Hiệp hội Tư vấn Du lịch (TAB) và Thành viên Hội đồng quản trị Hội Doanh nghiệp Anh tại Việt Nam. Ông thành lập Grant Thornton Vietnam từ năm 1993 và đã có gần 30 năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

Theo Trí thức trẻ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang