Gần 200 sản phẩm phụ kiện điện thoại có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu

author 15:10 03/08/2021

(VietQ.vn) - Lực lượng Quản lý Thị trường tỉnh Hà Giang vừa phát hiện và thu giữ nhiều sản phẩm phụ kiện điện thoại có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng.

Cục Quản lý Thị trường (QLTT) Hà Giang cho biết, đơn vị vừa ban hành kế hoạch đấu tranh chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2021 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Đội QLTT số 1 đã tăng cường công tác nắm bắt thông tin, quản lý địa bàn, tiếp tục phát hiện thêm một cơ sơ kinh doanh đang bày bán hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.

Cụ thể, Đội QLTT số 1 tiến hành kiểm tra đột xuất cửa hàng linh kiện, phụ kiện điện thoại Ngọc Thái, địa chỉ số nhà 506, đường Lý Thường Kiệt, tổ 05, phường Ngọc Hà, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang do ông Đinh Văn Bảy, sinh năm 1984 làm chủ.

Tại thời điểm kiểm tra phát hiện 198 sản phẩm, hàng hóa là sạc điện thoại, pin điện thoại các loại có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu SAMSUNG đã được bảo hộ tại Việt Nam, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tỉnh hợp pháp của số hàng hóa trên.

Đội QLTT số 1 đã tạm giữ toàn bộ hàng hóa có dấu hiệu giả mạo để tiến hành xác minh làm rõ hành vi vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.

 Nhiều phụ kiện điện thoại giả mạo nhãn hiệu bị thu giữ. Ảnh: Cục QLTT Hà Giang

Cũng theo Cục QLTT tỉnh Hà Giang, thời gian qua việc bùng phát dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động nhiều ngành, lĩnh vực trên cả nước nói chung và lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) Hà Giang nói riêng. Trước diễn biến diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều chính sách, giải pháp đã được triển khai quyết liệt.

Bám sát chỉ đạo, Đội QLTT số 1 đã chỉ đạo các kiểm soát viên cùng với công tác phòng dịch phải chủ động thực hiện đồng bộ chương trình công tác đã xây dựng, đặc biệt là kế hoạch kiểm tra năm 2021 của Cục QLTT tỉnh đã được Tổng Cục QLTT phê duyệt và Kế hoạch đấu tranh chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2021 trên địa bàn.

Theo ghi nhận của lực lượng QLTT, đối tượng kinh doanh gian lận thương mại có những thủ đoạn ngày càng tinh vi để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát, nếu không có sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan chức năng và chủ thể quyền để ngăn chặn ngay từ đầu, trên khâu vận chuyển, lưu thông sẽ khó đạt hiệu quả như mong đợi. Ý thức được điều đó từng kiểm soát viên Đội QLTT số 1 chủ động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, phối hợp đồng bộ, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao sự chuyên nghiệp và năng lực chuyên môn để đáp ứng được yêu cầu của công tác..

Trong 7 tháng đầu năm, Đội QLTT số 1 đã phát hiện, xử lý 116 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước 670 triệu đồng, xử lý hàng hóa vi phạm trị giá gần 1.3 tỷ đồng. Điển hình là 13 vụ xử lý hàng giả mạo nhãn hiệu, 6 vụ xử lý hàng hóa nhập lậu, buộc tiêu hủy hàng hóa không được phép lưu thông trị giá trên 250 triệu đồng. Kết quả này sẽ là đòn giáng mạnh vào các đối tượng có tư tưởng lợi dụng tình hình dịch bệnh để gian lận, tăng giá bất hợp lý, đưa những mặt hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vào thị trường tiêu thụ.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang