Gạo Việt Nam xuất khẩu đã tiếp cận được những tiêu chuẩn khắt khe trên thế giới
Muốn kinh doanh xuất khẩu gạo, phải có đủ những điều kiện gì?
Vụ giấy phép xuất khẩu gạo 20.000 USD là 'không đúng sự thật'
Bộ Công Thương xác minh thông tin vụ 20.000 USD xin giấy phép xuất khẩu gạo
Việt Nam là một trong 3 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới
Phát biểu tại Hội nghị quốc tế mặt hàng gạo Việt Nam”, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay, sản xuất, xuất khẩu gạo có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Những năm gần đây, ngành gạo Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Hàng năm, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu trên toàn thế giới. Tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu trên 4,89 triệu tấn gạo, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2017, giá trị xuất khẩu đạt 2,46 tỷ USD, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2018 tăng tăng 21,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Phong Lâm
Hiện nay, mặt hàng gạo của Việt Nam đã có mặt tại gần 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với các sản phẩm tương đối đa dạng như: gạo hạt dài, hạt ngắn, gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản, gạo hữu cơ, gạo đồ… đã bước đầu thâm nhập vào được các thị trường có yêu cầu về chất lượng cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, EU. Năm 2017, Việt Nam tiếp tục duy trì được vị trí là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Ấn Độ và Thái Lan.
Những tiến bộ trong sản xuất và cơ cấu giống, mùa vụ, cùng với những biện pháp canh tác thích hợp đã từng bước nâng cao chất lượng gạo Việt Nam như OM 4900, OM 6162, OM 6677, OM 6561, OM 6976. Ngoài ra, những giống lúa thơm chất lượng cao nhằm phục vụ các phân khúc thị trường cao cấp cũng được quan tâm hơn như các giống Jasmine 85, Nàng Hoa, ST 5, ST 20, OM 4900…
Về mặt chính sách, vào ngày 15/8/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 4 tháng 11 năm 2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, có hiệu lực từ ngày 1/10/2018. Nghị định tiếp tục tạo dựng môi trường thông thoáng , thúc đẩy đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, thương mại gạo.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Phong Lâm
Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách khác cũng như Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo, Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam, Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo sẽ góp phần thúc đẩy tăng cường liên kết, gắn sản xuất với thị trường theo chuỗi giá trị, đảm bảo chất lượng gạo xuất khẩu, xây dựng và khẳng định uy tín thương hiệu gạo Việt Nam.
Chất lượng gạo xuất khẩu ngày càng được nâng cao
Theo ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng Giám độc Tập đoàn Lộc Trời, trong những năm qua, bên cạnh việc tăng số lượng xuất khẩu mặt hàng gạo sang nước ngoài, chất lượng các loại gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng từng bước được nâng cao bởi các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Cũng trong quá trình sản xuất lúa gạo, nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đến việc đầu tư kinh phí để cùng các nhà khoa học, các viện nghiên cứu tiến hành thí nghiệm, nghiên cứu, trồng thử nghiệm các giống cây lúa gạo mới cho năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng của khách hàng.
“Thế giới chắc chắn sẽ nhớ tới đóng góp của Việt Nam trong việc đưa lúa gạo, đặc biệt là những loại gạo chất lượng, gạo ngon ra xuất khẩu. Hiện tại, gạo của Việt Nam đang được thế giới vô cùng ưa chuộng bởi các sản phẩm của chúng ta đã tiếp cận được những tiêu chuẩn về chất lượng gạo của cả những phân khúc khách hàng thông thường lẫn những phân khúc khách hàng khó tính”, ông Huỳnh Văn Thòn cho hay.
Ông Huỳnh Văn Thòn đánh giá cao chất lượng của gạo Việt Nam khi mang đi xuất khẩu. Ảnh: Phong Lâm
Tổng Giám đốc Huỳnh Văn Thòn cho biết thêm, về mặt chính sách, thời gian qua, Nhà nước ta cũng đã có nhiều hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gạo nói riêng.
“Đây cũng là thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam có thể yên tâm sản xuất, cho ra những sản phẩm vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường về đơn đặt hàng, chủng loại, số lượng, vừa đáp ứng chất lượng theo yêu cầu của khách hàng, góp phần đưa thương hiệu gạo Việt Nam vươn xa hơn nữa”, ông Thòn nhấn mạnh.
Liên quan tới vấn đề trên, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, gạo mang thương hiệu Việt Nam hiện đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới và dành được nhiều sự khen ngợi từ cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, xét trên thực tế, nếu nói về chất lượng, gạo Việt Nam vẫn đang ở mức trung bình. Thêm vào đó, số lượng các loại gạo ngon xuất khẩu ra nước ngoài, phù hợp với phân khúc thị trường khó tính còn ít, chưa đa dạng.
“Tôi cho rằng cách doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gạo của Việt Nam phải có những thay đổi mang tính bước ngoặt. Từ chỗ cải tiến quá trình sản xuất, cùng hợp tác thúc đẩy nghiên cứu ra những cây giống mới cho năng suất, chất lượng cao đến việc mở rộng thị trường xuất khẩu.
Với lợi thế là một nước có tài nguyên nông nghiệp dồi dào, cùng sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan Nhà nước, tôi tin rằng trong tương lai, thương hiệu gạo Việt Nam sẽ khẳng định được vị trí tốp đầu của mình trên bản đồ ngành gạo thế giới”, ông Hải nhấn mạnh.
Phong Lâm