Giá thịt lợn hơi giảm mạnh, người chăn nuôi 'đứng ngồi không yên'

author 14:30 01/12/2023

(VietQ.vn) - Giá thịt lợn hơi thường sẽ tăng vào dịp cuối năm do nhu cầu tiêu thụ nhiều vào dịp Tết. Tuy nhiên, hiện nay giá thịt lợn hơi đồng loạt giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg ở nhiều tỉnh thành trong cả nước khiến giá bình quân chỉ còn 49.300 đồng/kg, tạo nên tâm lý bất an cho người chăn nuôi.

Theo ghi nhận của PV, giá lợn hơi tại miền Bắc ngày 30/11 tiếp tục giảm 1.000 đồng/kg. Theo đó, hầu hết địa phương ở khu vực này đều thu mua lợn hơi ở mức 49.000 đồng/kg. Các khu vực khác giảm rải rác ở một số nơi và đà giảm chưa có dấu hiệu dừng lại.

Khu vực miền Trung Tây nguyên giảm 2.000 đồng, ghi nhận ở Lâm Đồng và Bình Thuận; Riêng Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Đắk Lắk, Ninh Thuận giảm 1.000 đồng. Giá heo ở Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Bình Thuận chỉ còn 48.000 đồng, các tỉnh còn lại là 49.000 đồng. Đây cũng là mức giá phổ biến ở các địa phương còn lại. Mức giá cao nhất 50.000 đồng/kg ghi nhận được tại Quảng Bình và Quảng Ngãi.

 Giá thịt lợn hơi giảm mạnh, người chăn nuôi “đứng ngồi không yên”. 

Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi giảm tại nhiều địa phương, hiện dao động trong khoảng 48.000 - 52.000 đồng/kg. Có đến 5 tỉnh miền Tây giảm giá 1.000 đồng là Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Bạc Liêu, Cà Mau về mức 49.000 - 50.000 đồng/kg; riêng Cà Mau cao nhất cả nước 52.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi bình quân cả nước xuống còn 49.300 đồng/kg, cao hơn thị trường Trung Quốc khoảng 500 đồng/kg. Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân giá lợn giảm kéo dài là do tác động của dịch bệnh và thị trường cần thêm một thời gian dài để trở lại trạng thái bình thường.

Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, với mức giá trên, người nuôi đang thua lỗ trung bình khoảng 5.000 đồng/kg. Trong trường hợp lợn nhiễm dịch, các hộ nuôi còn lỗ nặng hơn. Sở dĩ giá lợn hơi giảm mạnh do sức mua vẫn còn yếu. Vừa rồi, nhiều doanh nghiệp lớn tăng đàn rất nhiều nên nguồn cung càng lớn, các nông hộ và trang trại nhỏ ngấm đòn.

Đặc biệt, ông Đoán cho rằng, yếu tố khiến giá lợn hơi lao dốc mạnh là dịch tả lợn châu Phi đang quay trở lại phức tạp. Khi một vài nơi xảy ra dịch bệnh, những đơn vị gần đó tranh thủ bán ra để chạy dịch. Thời gian qua, lượng lợn chưa tới lứa, thậm chí lợn nái bán ra khá nhiều khiến nguồn cung ở một số nơi tăng cao.

Đại diện Công ty Vissan cho biết, từ ngày 8/10, giá bán đối với thịt heo diện bình ổn đã giảm với thịt vai heo còn 124.000 đồng/kg, thịt nách 125.000 đồng/kg, thịt nạc (đùi, vai) 155.000 đồng/kg, chân giò 115.000 đồng/kg... Riêng các mặt hàng như ba rọi, sườn non heo không giảm.

Tuy vậy, theo vị này, nhiều tháng qua đều chạy khuyến mãi 20 - 25% đối với thịt heo bán lẻ trên kênh online và offline... "Đơn vị giảm giá liên tục để kích thích sức mua nhưng hiện sức mua hàng tươi sống nhiều thời điểm giảm trên dưới 30% so với lúc ổn định", vị này khẳng định.

Tương tự, đại diện một doanh nghiệp bán lẻ thực phẩm tại TP.HCM xác nhận giá heo hơi đang ở mức thấp so với các tháng trước, nhưng bù lại doanh nghiệp vẫn thường xuyên chạy khuyến mãi. "Hàng siêu thị, hàng có thương hiệu phải chịu nhiều chi phí về thuế, phí, nhân công, mặt bằng, chất lượng đầu vào, đầu ra được kiểm soát... nên không thể đánh đồng giá bán với hàng chợ lẻ", vị này cho biết.

Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thông thường vào thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn sẽ tăng mạnh, đẩy giá bán lợn hơi lên cao. Tuy nhiên, thị trường năm nay lại diễn biến khác thường. Giá lợn hơi từ đầu quý 4 đến nay không cải thiện, thậm chí còn giảm sâu so với cùng kỳ năm trước. Bộ NN&PTNT cho rằng, hiện là thời điểm các hộ chăn nuôi tái đàn, chăm sóc đàn lợn phục vụ thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp tới. Giá lợn hơi thấp nên nông dân rất e dè nhập con giống tái đàn.

Trước tình hình này, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp Bộ Công Thương và các địa phương tăng cường theo sát diễn biến cung - cầu mặt hàng thịt lợn, nhằm tránh xảy ra đột biến cục bộ về giá, theo dõi chất lượng và giá thức ăn chăn nuôi để có biện pháp chỉ đạo kịp thời.

Đặc biệt, từ nay đến Tết Nguyên đán, các địa phương cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới. Đồng thời, lực lượng chức năng cần tiến hành rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, nhập lậu sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Tiến Phát

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang